Người thu nhập cao cũng khó mua nhà
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện nhóm dân số có thu nhập cao nhất từ 13 – 20 triệu đồng/tháng/người – theo phân loại của Tổng cục Thống kê còn khó khăn trong việc sở hữu nhà ở. Giả định mỗi hộ gia đình có 2 người trong tuổi lao động đều thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, thì thu nhập bình quân của nhóm này ước tính khoảng 30 triệu đồng/tháng, tương đương với khoảng 360 triệu mỗi năm.
Khả năng chỉ trả tối đa nếu áp dụng quy tắc tài chính phổ biến là chi phí nhà ở không vượt quá 1/3 thu nhập là khoảng 6,7 triệu đồng mỗi tháng, tương đương khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.
Trong khi đó, mỗi căn hộ thương mại tại các đô thị lớn kể trên có giá dao động từ 40-70 triệu đồng/m2 tùy khu vực và phân khúc. Như vậy, một căn hộ có diện tích nhỏ khoảng 60m2 sẽ có giá khoảng 2,5-3,5 tỉ đồng.
|
Các khách hàng đang xem mô hình một dự án căn hộ chung cư. |
Nếu nhóm này quyết định mua một căn hộ 60m2 giá khoảng 3,5 tỉ đồng và vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà, tức 2,45 tỉ đồng, với lãi suất 8%/năm trong vòng 20 năm, khoản trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25-27 triệu đồng/tháng, tương ứng với khoảng hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Nhưng với mức chỉ trả tình trên tối đa 80 triệu đồng/năm, gần như không thể mua nhà.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, năm 2024 ghi nhận mức quan tâm lớn đến các vấn đề về giá bán và khó khăn khi sở hữu bất động sản. Cụ thể, tăng trưởng giá bất động sản trong 5 năm (từ 2019 đến 2024) của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%)...
Lợi dụng khan hiếm nguồn cung đẩy giá lên cao
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, sau đại dịch COVID - 19, giá bất động sản liên tục tăng, thiết lập mặt bằng mới cao hơn từ 30% so với năm 2019. Trong khi nền kinh tế vẫn phải “chật vật” khắc phục hậu quả của dịch COVID-19, thu nhập bình quân đầu người tại thành thị năm 2023 chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2019.
Trong khi đó nguồn cung nhà ở thì khan hiếm, một số chủ đầu tư “lợi dụng” sự khan hiếm nguồn cung của thị trường để tăng giá bán bất hợp lý, khiến mặt bằng giá bất động sản tăng cao, ngay cả với các khu vực không có nhiều lợi thế về hạ tầng, cũng gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
Tiếp đến là hành vi đầu cơ, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác còn nhiều biến động, tâm lý tích trữ tài sản và kỳ vọng giá bất động sản tiếp tục tăng khiến nhiều người mua nhà đất không nhằm mục đích sử dụng thực tế. Họ mua nhà đất rồi bỏ hoang, không đưa vào sử dụng, chờ tăng giá, khiến tình trạng mất cân đối cung - cầu càng trở nên trầm trọng.
|
Nguồn cung nhà ở khan hiếm, giá nhà ngày càng tăng khiến cơ hội sở hữu nhà của người dân ngày càng xa vời. |
Cũng theo ông Đính, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và vốn vay cho các dự nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện hạ tầng kết nối, nhân rộng việc phát triển đô thị theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị tập trung vào giao thông công cộng. Đây là xu hướng tất yếu để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân đô thị Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam chia sẻ, nguồn cung căn hộ mới xuất hiện từ nửa sau của năm và phần lớn là sản phẩm cao cấp. Tại TPHCM, hầu hết dự án mới tiệm cận phân khúc cao cấp trở lên, giá từ 72-142 triệu đồng/m2. Các dự án tái khởi động cũng công bố mức giá mới cao hơn trước.
Phân khúc tầm trung tiếp tục khan hiếm, mức giá bán phổ thông, tức dưới 38 triệu đồng/m2, hầu như biến mất. Giá bán liên tục tăng đẩy thị trường nhà ở rời xa giá trị căn bản, tăng rủi ro thanh khoản và khoảng cách giữa sản phẩm trên thị trường với mong muốn, nhu cầu và khả năng của số đông người mua nhà.
Trong khi đó, việc phát triển nhà ở giá bình dân gặp nhiều thách thức. Chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, trong khi thủ tục đầu tư và thuê, mua nhà ở xã hội còn phức tạp.
Để cải thiện nguồn cung theo hướng cân bằng hơn, Chính phủ cần phát triển nhà ở thương mại phổ thông và nhà ở xã hội tại các khu vực ngoại ô hay đô thị mới, nơi quỹ đất chưa phát triển còn nhiều và chi phí đầu tư xây dựng bất động sản không quá đắt đỏ, dự báo góp phần đưa thị trường về lại quỹ đạo phát triển bền vững.
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra xử lý hành vi thao túng, đầu cơ bất động sản Thủ tướng vừa có Công điện 03/CĐ-TTg ngày 15/01/2025 về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản. Thủ tướng cho rằng, trong năm 2024, tại một số thời điểm, một số khu vực, địa phương giá bất động sản, nhà ở tăng cao so với khả năng đáp ứng tài chính của người dân. Nguyên nhân một phần hội, nhóm đầu cơ, nhà đầu tư, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý đầu tư theo đám đông của người dân để thao túng tâm lý, đẩy giá tăng cao, tạo giá ảo gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm trục lợi; thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ, chưa minh bạch dẫn đến định hướng thông tin làm nhiễu loạn thông tin thị trường. Một số chủ đầu tư dự án bất động sản lợi dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán bất động sản cao hơn so với mức trung bình của các dự án bất động sản để thu lợi. Nguồn cung nhà ở thương mại có giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân có thu nhập trung bình, thấp và nhà ở xã hội... Do đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường kiểm soát và ổn định thị trường bất động sản, giá nhà đất và chấn chỉnh, xử lý kịp thời việc thao túng, đẩy giá và đầu cơ bất động sản. Các Bộ ngành tiếp tục nhiệm vụ tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản; cường kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý", trong đó hướng đến giao dịch qua hình thức điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường; báo cáo Thủ tướng trong quý II/2025. Phản ánh, cập nhật thường xuyên, kịp thời về tình trạng pháp lý của dự án, các bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, các bất động sản tồn kho; về các giao dịch bất động sản. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đó nghiên cứu phương án thu thuế phần chênh lệch giá giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán sản phẩm bất động sản của các dự án; thu thuế phần chênh lệch các lần giao dịch, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2025. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, thanh tra các tổ chức tín dụng cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản cần được định giá khách quan, hợp lý, tuân thủ quy định và tập trung quản lý rủi ro tín dụng. Đặc biệt không được tiếp tay cho hành vi thao túng giá, tạo mặt bằng giá mới ảo, làm mất ổn định và méo mó thị trường. Còn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, bất động sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản trên địa bàn... |
Bích Trần