Đầu cơ trên nước mắt, trục lợi từ thiên tai

20/09/2017 - 11:11

PNO - Đầu cơ, lợi dụng thiên tai để làm giàu không phải là chuyện mới, chỉ là ta tưởng nó đã đi qua từ lâu lắm rồi, nhờ vào sức cung ứng lớn và sự thuận tiện giao thông.

Đầu cơ, lợi dụng thiên tai để làm giàu không phải là chuyện mới, chỉ là ta tưởng nó đã đi qua từ lâu lắm rồi, nhờ vào sức cung ứng lớn và sự thuận tiện giao thông. Vậy mà nó vẫn diễn ra, sau khi cơn bão số 10 càn quét qua Hà Tĩnh. 

Dau co tren nuoc mat, truc loi tu thien tai
Sau bão Doksuri, Hà Tĩnh đề xuất trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói.

Phải gọi rõ việc tôn, ngói và các vật liệu xây dựng tăng giá đến gấp ba lần tại Hà Tĩnh khi nhân dân cần sửa lại nhà cửa sau bão là đầu cơ. Đã có nhiều câu chuyện về đầu cơ, điển hình là câu chuyện cổ về Thạch Sùng, người giàu lên nhanh chóng nhờ nắm được thông tin về trận lụt để tích trữ lúa gạo và bán với giá cao khi toàn bộ dân chúng đã mất trắng mùa màng.

Rồi trong nạn đói năm Ất Dậu (1945), các điều tra sau này cho thấy, đã có sự dự phần của việc thu mua, tích trữ số lượng rất lớn lúa gạo của một số cá nhân, khiến nạn đói càng trầm trọng, làm hàng triệu người chết đói. 

Đầu cơ là tích trữ hàng hóa số lượng lớn, bán ra khi có sự khan hiếm, đẩy giá lên cao hơn nhiều lần so với giá lúc bình thường. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 69.000 ngôi nhà hư hỏng, tốc mái, trong đó thị xã Kỳ Anh có gần 18.000 nhà, huyện Kỳ Anh có gần 24.000 nhà. Ngay khi bão vừa đi qua, dù còn mưa, nhiều người đã bắt tay sửa lại nhà. Trong bối cảnh nhiều người cùng lúc đi mua vật liệu lợp mái, dựng nhà ấy, giá đã tăng phi mã.

Dau co tren nuoc mat, truc loi tu thien tai
 

Theo ghi nhận của một tờ báo, bình thường, ngói lợp Cừa có giá 3.200-3.500 đồng/viên, nay tăng lên 6.000-8.000 đồng/viên; giá tôn 70.000 đồng/m2, nay tăng lên 100.000 đồng/m2; ngói Phú Phong bình thường giá 3.500 đồng/viên, nay lên 10.000 đồng/viên; ngói Đồng Tâm giá 20.000 đồng/viên, nay giá 30.000 đồng/viên. Các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng ấy tuy không phải thu mua số lượng rất lớn để tạo ra sự khan hiếm, nhưng đã có kho chứa và nhẫn tâm tăng giá ngay khi nhận thấy nhu cầu tăng vọt do thiên tai. Đó cũng là dạng đầu cơ, trục lợi.

Để phòng chống đầu cơ, ngay thời phong kiến, chính quyền đã có các kho lưu trữ nhu yếu phẩm và thực phẩm cấp thiết để bán bình ổn giá sau khi thiên tai xảy ra. Đi kèm với đó là các sắc lệnh nghiêm cấm việc tăng giá đột biến của người đầu cơ, trục lợi ngay trên chính mạng sống của các nạn nhân, là đồng bào của họ.

Việt Nam hiện nay không thiếu những điều luật ấy. Khoản 7, điều 12, chương 1 Luật Phòng chống thiên tai đã nêu rõ: “Nghiêm cấm lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh”.

Dau co tren nuoc mat, truc loi tu thien tai
Sau cơn bão số 10, mặt hàng vật liệu xây dựng ở các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề lại tăng giá

Điều 160, Luật Hình sự năm 1999 cũng quy định: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm”.

Với các công cụ pháp luật đã có, và với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, không ai nghĩ rằng câu chuyện trục lợi ấy lại diễn ra. Nhưng thật bàng hoàng khi biết rằng, vẫn có những cá nhân muốn vét cạn tiền của các nạn nhân thiên tai. Đây không chỉ là câu chuyện thị trường hay pháp luật mà còn là câu chuyện về đạo đức, nhân tính. 

Phan Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI