Bạn tôi, tác giả Lê Duy Hạnh từng nói, nghệ sĩ dân tộc luôn cần cho mình ba “tổ”: Tổ quốc, Tổ nghề và Tổ chức. Tôi tâm đắc về điều ông nói.
Đừng vội nghĩ “tổ chức” chỉ dành riêng cho một đơn vị nhà hát, đoàn hát nào đó, hoặc ngay cả khi muốn mà không thể có thì vẫn tồn tại một nhóm nghệ sĩ hay một cộng đồng nghệ sĩ - khán giả để cộng sinh bởi tình yêu nghệ thuật.
Trong ngày giỗ Tổ thiêng liêng, tôi muốn thành kính trước ban thờ Tổ quốc và Tổ nghiệp. Là hai nhưng cũng là một. Một nghệ sĩ dân tộc, chẳng thể nào đứng ngoài một tư cách công dân. Đã là công dân - nghệ sĩ, không ai khước từ trách nhiệm xã hội, tiếng nói cộng đồng, tất cả vì lợi ích và tiến bộ chung.
|
Tác giả Lê Duy Hạnh và nhiều đạo diễn dâng hương tưởng nhớ Tổ nghiệp trong ngày giỗ Tổ sân khấu |
Trong một lần gặp nhau ở hậu trường, bắt gặp ánh mắt say sưa ngắm nhìn không giấu giếm của tôi, nghệ sĩ Thanh Nga cười hiền bảo, trót sinh ra làm nghệ sĩ, chị ước mình được ra đi ngay trên sàn diễn, để khán giả vẫn thấy mình đẹp.
Cái đẹp mà chị nhắc đến, không chỉ nhan sắc mà còn là sự lẫm liệt như hình tượng Trưng Trắc - vai diễn cuối cùng của người nghệ sĩ tài danh, vai diễn khắc ghi vào lịch sử sân khấu cải lương một thời vàng son, vang dội.
Đất nước những năm 1979 đến năm 1984, có thể mỗi nghệ sĩ đều có cách lựa chọn của riêng mình nhưng nghệ sĩ cải lương, trong thời điểm nóng bỏng ấy đã tự nguyện khoác lên vai thử thách và niềm tự hào của những nghệ sĩ - công dân đồng loạt “ra trận” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sang châu Âu, mang theo tiếng hát của một Việt Nam hòa bình, thống nhất.
Tôi vẫn nhớ, trong biến cố tôi và NSND Ngọc Giàu bị bắt cóc, khi đoàn xe của chúng tôi bị theo dõi, đeo bám, các anh chị em nghệ sĩ dù lo sợ vẫn bảo nhau, có khó khăn gì cũng ráng hát phục vụ bà con, Lệ Thủy nhắc lời chú Sáu Thảo, mấy đứa cứ lo hát cho tốt, về nhà có mấy chú đón…
|
Các nghệ sĩ trong chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội |
Cái tình khiến con người ta gần lại, thâm cảm. Cái nghĩa, sự trách nhiệm khiến chúng ta lớn lên, vững vàng, gánh vác, san sẻ. Tôi vẫn phải nhắc lại rằng, khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi đó chính là được biểu diễn trước một trăm chiến sĩ vừa trở về từ mặt trận biên giới năm 1979. Ngay sau câu vọng cổ xuống hò, tôi dừng lại, cùng toàn bộ nghệ sĩ có mặt trên sân khấu, khu vực cánh gà và tất cả khán giả trong khán phòng hướng về những người lính, vỗ tay. Khoảnh khắc “gián cách” ấy, khi tôi thoát khỏi nhân vật thái hậu Dương Vân Nga, duy nhất một lần trong hàng triệu suất diễn, nơi mà nghệ thuật đã “vị nhân sinh” tối thượng.
Đêm tôi diễn ra mắt Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Hưng Đạo, khuya, nghệ sĩ Hùng Cường gọi cho tôi, anh khóc, chúc mừng tôi trở lại sân khấu với một vai diễn đẹp. Tôi quặn lòng vì hiểu những nhớ nhung, quay quắt ở một người nghệ sĩ như anh, chỉ cần một vai diễn như thế là đủ để ra đi trong lòng khán giả. Nghệ sĩ biểu diễn vốn thiên về… hướng ngoại nhưng có những nỗi niềm sâu kín, đâu dễ mấy ai thấu hiểu và… tin!
Mới đây, tôi đi xem Tiên Nga của sân khấu IDECAF. Tôi đi xem không phải tò mò, để so sánh hai bản dựng, bản diễn về Kiều Nguyệt Nga trên sân khấu cải lương và kịch nói. Tôi đi tìm một cảm thức về nguồn sáng tạo đến từ một tác phẩm kinh điển mà điểm chung, không gì khác ngoài lòng ái quốc trong nỗi niềm ưu tư thời thế. Thành Lộc - trong vai trò dẫn chuyện, là cụ Đồ Chiểu, bấy nhiêu chất chứa, xúc cảm, nhìn và nghe Lộc lẫy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mà thương kính đến trào nước mắt.
Tôi chợt nhớ Nguyệt Nga của tôi - qua bản dựng của đạo diễn Lưu Chi Lăng, cảnh trên thuyền sang Phiên, trước giờ tuẫn tiết, vẫn chọn được chết ở dòng nước quê nhà, “hỡi vầng trăng cao, hỡi dòng nước bạc, xin hãy chỉ cho ta con đường trọn nghĩa tròn trinh”.
|
NSND Phùng Há và NSND Bạch Tuyết tại phim trường HTV năm 2002 (ảnh: Thanh Hiệp) |
Nhân vật thức tỉnh chính con người nghệ sĩ. Hay chính tư cách công dân trong vai người nghệ sĩ sẽ khiến chúng ta ưu tư nhiều hơn, tự nhận về mình cái trách nhiệm dự cảm và cất tiếng nói, cho mình, cho người.
Bao năm rồi, kể từ ngày thầy tôi - NSND Phùng Há ra đi, ngày giỗ Tổ, sáng 12 tháng Tám âm lịch, tôi lại về quẩn quanh bên mộ phần của bà, giữ cái thói quen tặng quà cho bà con nghèo của má từ thuở sinh thời. Bà chưa bao giờ nói những điều cao siêu, to tát. Nhưng cách bà sống, những gì bà dạy và truyền nghề cho các thế hệ nghệ sĩ, tôi khắc ghi.
Giỗ Tổ năm nay, tôi lại về ngồi dưới chân mộ phần thầy tôi, ca mấy câu trong bài thơ Hai chữ nước nhà, trích từ tập Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải: “…Thời thế có anh hùng là thế/ Chữ vinh hoa xá kể làm chi/ Mấy trang hào kiệt xưa kia/ Hy sinh thân thế cũng vì nước non…”.
Một đời ca kỹ, ngày nằm xuống, gia tài bà để lại không ngoài những vai diễn lừng danh, đâu chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”, mà thức tỉnh bao lớp hậu thế, mấy ai nghe ra lời nhắn nhủ:
“Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi, hai chữ nước nhà”
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
Tôi biết ơn Tổ quốc, Tổ nghề đã chở che, cưu mang một đời ca kỹ.
NSND Bạch Tuyết