Đâu chỉ một trận cầu

29/01/2018 - 08:53

PNO - Ở phía bên kia của sự can trường, quả cảm của cầu thủ cả hai đội, trong đó có Bùi Tiến Dũng, tôi nghĩ là sự vô cảm, bất chấp của những người có trách nhiệm tổ chức trận cầu chung kết.

1. Tới tận 14g ngày 27/1, ban tổ chức vẫn không thông báo hoãn cuộc thi đấu trận chung kết Giải U23 châu Á, như bao cổ động viên, tôi nghĩ, thời tiết có lẽ chiều lòng người mà bớt khắc nghiệt. 

Dau chi mot tran cau
 

Đúng 15g, ống kính truyền hình lia qua một đường máy: sân vận động Olympic Thường Châu tuyết phủ trắng xóa. “Sân cỏ” là đây? Quái quỷ gì thế này? Cầu trường của bộ môn bóng đá là thế sao? Họ (cầu thủ) sống sót thế nào giữa “sa mạc trắng” này, trong 90 phút cố định; và chừng ấy con người (cổ động viên) trên khán đài? 

Tại sao đã áp dụng luật cooling break (nghỉ mát) trong điều kiện mặt sân thi đấu vượt quá 32 độ C thì với nhiệt độ âm sâu thế này, vẫn đẩy những đôi chân trần ra giữa bão tuyết? 

Hoặc giả, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) vừa “phát kiến” cho các cầu thủ bóng đá những đôi toe picks (vốn được sử dụng trong bộ môn trượt băng nghệ thuật), bởi chỉ có những lưỡi dao ngọt ngào ẩn giấu dưới bàn chân mới đủ sức cứa vào rãnh tuyết mà di chuyển, mà chạm bóng…

Dau chi mot tran cau
Sân vận động Thường Châu trắng xóa vì tuyết trước thời điểm diễn ra trận chung kết giữa U23 Việt Nam - U23 Uzbekistan. Ảnh: Zing.vn

Chưa nói đến sự phá vỡ toàn bộ kỹ thuật, chiến thuật và đấu pháp của hai đội; chưa tính đến một cuộc đấu khó phản ánh thực chất, thực lực của các cầu thủ; mà ở đây là sự bảo đảm sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng cho con người (cầu thủ, tổ điều khiển trận đấu, cổ động viên) trong mọi tình huống.

Thể thao, trong đó có bóng đá, với mục đích cuối cùng và cao nhất cũng là để rèn luyện, chinh phục, phô diễn và phát triển thể chất - tinh thần khỏe khoắn, lành mạnh cho con người. Lẽ nào, AFC bất chấp tinh thần thể thao ấy để thực hiện một màn tổ chức phi thể thao, nhất quyết lùa mấy chục con người ra sân để họ lăn xả, tranh chấp, chống đỡ. 

Và máu đã đổ. Không phải do va chạm. Phút thứ 96, trung vệ Bùi Tiến Dũng của U23 Việt Nam chảy máu miệng. Do hơi nước trong không khí cô đặc, các mao mạch bị co lại, vỡ tóe. 

Dau chi mot tran cau
 

Ở phía bên kia của sự can trường, quả cảm của cầu thủ cả hai đội, trong đó có Bùi Tiến Dũng, tôi nghĩ là sự vô cảm, bất chấp của những người có trách nhiệm tổ chức trận cầu chung kết. Ơn trời, những cầu thủ, trong suốt 120 phút chống đỡ với giá rét đã không gục ngã, để hàng triệu cặp mắt dõi theo các anh không trở nên… tội lỗi! 

Rõ ràng, ở tầm châu lục, tính chuyên nghiệp vẫn chỉ là nửa vời, chưa nói đến tính nhân văn - mục đích tối thượng của thể thao thành tích - đã bị xem nhẹ. Chưa tính cả sự “lười biếng” đến khó hiểu của ban tổ chức khi quyết định trao giải Cầu thủ xuất sắc nhất cho Hamrobekov của đội vô địch - như một lẽ thường tình, đương nhiên hơn là suy xét, căn cứ trên hành trình và chuỗi thành tích thi đấu của bốn đội vào vòng bán kết.

Dau chi mot tran cau
Hamrobekov của U23 Uzebekistan giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất giải

Đành là Hamrobekov đóng vai trò quan trọng đối với đội hình thi đấu của Uzbekistan, đặc biệt anh gần như là linh hồn ở khu trung tuyến, nhưng trao giải xuất sắc nhất cho một cầu thủ… không ghi bàn là điều khá nực cười. 

Giải đấu U23 châu Á xem ra “trẻ người” và còn lắm thứ… non dạ! 

2. “Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy người hâm mộ xung quanh sân vận động. Nhưng tôi mong họ không bị cảm lạnh”. “U23 Việt Nam không có ngôi sao! Ngôi sao duy nhất chúng tôi có nằm ở bên ngực trái của mình”… - đó là hai trong số các phát biểu của đội trưởng U23 Việt Nam Lương Xuân Trường. Nó cho thấy một nền tảng không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà cả văn hóa cầu thủ của một thế hệ bóng đá Việt Nam từ cột mốc U23 - 2018.

Hình ảnh Vũ Văn Thanh ngồi thụp xuống cào tuyết trên sân để đồng đội Quang Hải chuẩn bị cú đá phạt, hay trước khi rời sân Thường Châu, Duy Mạnh kịp chạy ra giữa sân cắm quốc kỳ và cúi đầu chào trang nghiêm. Tất cả là những dấu chạm khắc cực kỳ hồn nhiên, chân thật và đẹp tuyệt vời, nó vô tình biểu thị một nhân cách Việt Nam, bé nhỏ mà cao quý, thầm lặng mà sức lay động vô biên. 

Dau chi mot tran cau
Duy Mạnh cắm quốc kỳ và cúi đầu chào trang nghiêm trên sân vận động Thường Châu khiến hàng triệu người hâm mộ xúc động

Cũng như cái thời khắc cả cầu trường nín lặng trong loạt sút luân lưu giữa Qatar và Việt Nam, đội trưởng U23 Việt Nam nhanh chóng đi gom áo ấm để phát cho đồng đội mặc đỡ. Hành động ấy như là sự “di truyền” từ người thầy, người cha Park Hang Seo - cái cách ông quan tâm, chăm sóc cầu thủ thật giản dị, ấm áp, thiết thực. Cách ông ôm hôn từng cầu thủ, cách ông nhìn vết thương của Công Phượng, cả cái cách ông la mắng cầu thủ không được buồn và gục ngã sau thất bại… đó chỉ có thể là cách của một người cha, một người đàn ông đầy trách nhiệm và yêu thương gia đình mình. 

Và có lẽ, trong những ẩn số Park Hang Seo, tôi nghĩ, đó chính là một phần giải mã thành công của ông với U23 Việt Nam. Hữu Thắng đâu tệ, Miura lại khá giỏi nhưng vì sao vẫn không tạo được kỳ tích, bởi họ không có cái phẩm chất của Park Hang Seo cho nên không thể kết dính tập thể ấy bằng tinh thần đồng đội, bất bại và có “niềm tin bên trong”. 

Dau chi mot tran cau
Huấn luyện viên Park Hang-seo cùng các cầu thủ U23 Việt Nam trở về như những người hùng trong lòng người hâm mộ nước nhà

Vì vậy, trưa hôm qua, ngày 28/1, khi cánh cửa chuyên cơ đón đội tuyển U23 Việt Nam trở về vừa bật mở, ông Park là người bước ra đầu tiên. Hơn ai hết, ông xứng đáng được trọng vọng, không chỉ vì kỳ tích trên sân cỏ mà cả tầm vóc một người thầy - đã truyền dạy cho học trò những bài học căn bản, giá trị bên ngoài đường biên. 

Ông Park làm tôi nhớ đến chiến lược gia người Đức K.H. Weigang. Ông đã từng dìu dắt bóng đá Việt Nam từ năm 1966 với lứa cầu thủ huyền thoại như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn, đoạt ngôi vô địch Merdeka Cup; để rồi 30 năm sau, ông trở lại, dẫn dắt Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến… Ông nghiêm nghị, thậm chí nghiêm khắc nhưng rất tận tâm với cầu thủ. Ngày ông mất, năm rồi, đâu chỉ cầu thủ mà cả người hâm mộ Việt Nam đều tiếc thương. 

Giải đấu U23 châu Á, nơi người trẻ đã làm nên những điều lớn lao, cao quý. 

 Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI