Đâu chỉ Huyền Chip có lỗi!

30/09/2013 - 21:23

PNO - PN - Chuyện bị đẩy lên đỉnh điểm khi chiều ngày 27/9, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và truyền thông) đã có công văn gửi NXB Văn Học và Quảng Văn Books (đơn vị liên kết xuất bản) đề nghị giải quyết và trả lời đơn thư của độc...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dau chi Huyen Chip co loi!

Có lẽ, chưa tập sách nào ngay từ lúc ra mắt đã ồn ào như Vác ba lô lên và đi (hai tập - NXB Văn Học) của Huyền Chip. Công chúng tò mò, hiếu kỳ và cũng muốn nghe câu trả lời về vấn đề thuộc loại “siêu tưởng” như vỏn vẹn chỉ có 700 USD người ta có thể chu du đến 25 nước? Xin vi sa từ nước này qua nước nọ có thể bằng cách “nằm vạ” để người ta “thương tình” mà làm thủ tục? Ngay cả ông Vũ Khoan, nhà ngoại giao từng chu du nhiều nước cũng không thể hiểu nổi.

Đó là chưa kể hàng loạt các tình tiết khác trong cuốn sách như khách sạn ma ở Brunei: “Đột nhiên, tôi nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, ai đó mở vòi nước rồi lại đóng lại. Tôi chạy vào xem, thấy nước vẫn chảy, bồn cầu đang xả nước và cuộn giấy vệ sinh tự động thả giấy xuống” (!?); hoặc tác giả kể bị xe máy tông gãy chân nhưng sau ba tuần đã có thể… leo núi (?!) v. v… Nếu đọc kỹ, sẽ phát hiện ra khá nhiều chi tiết mơ hồ, khó tin cậy. Vì thế, bạn đọc “ném đá” cũng dễ hiểu. Do đó, khi ra mắt sách tại Hà Nội và TP.HCM, trước nhiều câu hỏi gắt quá, tác giả đã nói ngang: “Tôi không có trách nhiệm phải trả lời cho anh” (!?).

Tuy nhiên, cần có sự bình tĩnh để nhìn nhận sự việc. Trước hết, một cô bé 21 tuổi dám thực hiện những chuyến đi xa, tự mình phải đối mặt với những bất trắc trên đường... đã là một sự dũng cảm. Đừng quên, thời buổi này chỉ cần tra cứu Google thì mức độ thông tin ấy xác thực đến đâu sẽ được kiểm chứng ngay. Do đó, trước thắc mắc của bạn đọc, không thể trả lời theo kiểu: “Không ai đặt câu hỏi vì sao mà Robinson Crusoe sống ở trên đảo. Chưa một ai nói rằng ông ấy nói dối hay nói thật cả”. Một bên là nhân vật hư cấu, một bên là người thật việc thật thì không thể đánh tráo khái niệm được. Đừng quên, các tập bút ký du lịch chỉ có giá trị khi nó ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, chứ không phải là sự tưởng tượng.

Trong trường hợp Huyền Chip, lỗi này, đừng trút hết lên đầu tác giả. Hãy nghĩ đến những “người lớn” đứng phía sau đã không phân tích, giải thích rõ ràng cho cô biết thể loại ghi chép du lịch trước hết cần phải có tính chân thật. Sự thật, dù đơn giản vẫn có vẻ đẹp, sức hấp dẫn của riêng nó, không cần hư cấu thêm. Huyền Chip đã lẫn lộn giữa thể loại nhật ký hành trình, ghi chép với sáng tác văn học nhằm tạo tình tiết cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, ly kỳ. Nếu Xách ba lô lên và đi là tác phẩm văn học thì không sao, khổ nỗi đây thuộc loại “người thật việc thật” nên bạn đọc có quyền đòi hỏi tính chân thực, sự chính xác. Thay vì có động tác tích cực, định hướng giúp tác giả thì “người lớn” lại “bảo kê” bao biện, lấp liếm các sự nghi ngờ, thắc mắc cần thiết của bạn đọc. Việc đó, vô hình trung đã “châm dầu vào lửa” khiến sự việc càng tồi tệ hơn.

 LÊ VĂN NGHỆ

Từ khóa Huyền Chip
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI