Dầu cá ăn mòn hộp xốp: Không ảnh hưởng sức khỏe?

08/01/2016 - 09:38

PNO - Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, dầu cá có thể ăn mòn hộp xốp và sản phẩm (SP) không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Trong khi đó, một số chuyên gia lưu ý, nhiều khả năng dầu cá chứa dung môi gây tan chảy nhanh hộp xốp. Dung môi này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Liên quan đến hai lọ dầu cá tại Quảng Ngãi có dán nhãn ghi nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế khẳng định đây không phải là SP do Công ty Ngôi sao Việt nhập khẩu. SP không có hồ sơ công bố lưu hành tại Việt Nam. “Không loại trừ khả năng đây là hàng trôi nổi, kém chất lượng. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra nguồn gốc SP”, ông Phong nói.

Trước thông tin dầu cá có dấu hiệu ăn mòn hộp xốp gây hoang mang dư luận, ông Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ thực phẩm và sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội nói: “Miếng xốp không phải là vật liệu thử cho thực phẩm. Xốp và dạ dày không tương đồng với nhau. Bản thân các loại xốp cũng có thành phần khác nhau nên ở miếng xốp này có thể bị thủng do ester hóa, nhưng ở miếng xốp khác lại không”, ông Thịnh nói.

Dau ca an mon hop xop: Khong anh huong suc khoe?
Thí nghiệm tại cuộc hợp báo - Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Ông Nguyễn Thanh Phong cho hay, dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, dễ bị phân hủy. Để đảm bảo tính ổn định, đồng thời tạo ra các đặc tính có lợi khác, hầu hết các loại dầu cá đều được ester hóa. Do tính chất này, các loại dầu cá đều làm tan các loại xốp có thành phần cấu tạo từ polystyrene. Việc làm tan xốp nhanh hay chậm phụ thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau vì mức độ ester hóa khác nhau.

Tối 6/1, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia đã tiến hành thử nghiệm đối với các mẫu dầu cá có nguồn gốc khác nhau như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả cho thấy, tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp.

Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 7/1, cán bộ của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã làm thí nghiệm với ba mẫu SP dầu cá có xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ. Chỉ chưa đầy 10 phút, cả ba mẫu dầu cá đều có hiện tượng ăn mòn miếng xốp với các mức độ khác nhau. Mẫu dầu cá của Mỹ ăn mòn nhanh và tạo ra lỗ thủng lớn nhất.

Phóng viên báo Phụ Nữ cũng đã thử nghiệm này với hai loại dầu cá omega-3 được mua ngẫu nhiên trong một nhà thuốc đạt chuẩn GMP. Một loại giá 800đ/viên, loại thứ hai giá 1.400đ/viên. Hai viên dầu cá cùng kích cỡ, được cắt ra và lấy phần chất dầu bên trong nhỏ lên hai tấm xốp, mỗi tấm có kích thước 5cmx2cmx1,5cm. Chỉ khoảng năm phút sau, viên dầu cá thứ nhất (có mùi thơm nhẹ, không tanh mùi cá) đã “ăn” xuyên thủng tấm xốp, tạo thành lỗ và hai giờ sau, tấm xốp này đã bị tan chảy đến 9/10. Trong khi đó, cũng thời gian như trên, viên dầu cá thứ hai (tanh nồng mùi cá) chỉ bào mòn nhẹ trên bề mặt tấm xốp khoảng 0,5mm.

TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, polystyrene trong xốp có khả năng bị hòa tan trong một số loại dung môi chứa limonene như tinh dầu chanh (cam, bưởi…), và trong một số loại dầu, mỡ động vật.

Tuy nhiên, khả năng hòa tan polystyrene của các loại dầu, mỡ động vật cực chậm, không thể chỉ một vài phút có thể “ăn” thủng được miếng xốp to với một lượng dầu nhỏ. “Dầu cá chỉ có hại cho sức khỏe khi trong đó có chứa các loại độc tố, tạp chất kim loại khác, hoặc một số dung môi. Điều này liên quan đến công nghệ sản xuất của các công ty”, TS Khánh Duy nói.

TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH Hoa Sen, phân tích, nhiều khả năng dầu cá chứa nhiều dung môi tồn dư từ quá trình sản xuất. Cụ thể, trong quá trình trích ly dầu từ mỡ cá, nhà sản xuất đã dùng một số loại dung môi để trích được nhiều dầu hơn, song sau đó lại không loại bỏ hết dung môi ra khỏi thành phẩm.

Cách khác, để tăng thêm lợi nhuận, giảm giá thành, nhà sản xuất đã độn thêm một số loại dung môi hoặc phụ gia vào SP. Chính những dung môi còn tồn đọng hoặc được độn thêm đã “ăn mòn” và làm tan chảy xốp với tốc độ nhanh. SP càng chứa nhiều dung môi thì càng ăn mòn xốp nhanh hơn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI