Diễn biến này đánh dấu một vụ thử nghiệm thành công mới trong các chương trình tên lửa của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un sau đó đã yêu cầu các nhà khoa học và kỹ sư "chuẩn bị cho một vụ phóng vệ tinh càng sớm càng tốt".
Chỉ đạo này là điều ám chỉ Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mới trong tương lai gần.
Dưới giai đoạn lãnh đạo của ông Kim Jong-un, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được thúc đẩy với tốc độ nhanh chưa từng có.
Hồi tháng tháng 2, Triều Tiên đã tiến hành phóng vệ tinh mà thế giới cáo buộc là nhằm thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa. Từ tháng 8 đến nay, Triều Tiên đã 3 lần phóng tên lửa, mỗi quả bay được khoảng 1.000 km, và phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Các chuyên gia quốc tế thừa nhận nước này đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể.
Ngày 9/9, Truyền hình Trung ương Triều Tiên KRT xác nhận vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5, đồng thời tuyên bố thành công trong việc gắn loại đầu đạn hạt nhân mà nước này mới chế tạo vào các tên lửa đạn đạo.
Theo phía Hàn Quốc, đây là vụ thử nghiệm có sức công phá lớn nhất mà Triều Tiên từng tiến hành cho đến nay, gần bằng vụ ném bom hạt nhân ở Hiroshima năm 1945.
Giải mã cho sự phát cuồng hạt nhân này của Kim Jong-un, người ta đã tìm thấy sự ngông cuồng, muốn làm "bá chủ thiên hạ" ở vị lãnh đạo Triều Tiên ngay từ khi còn nhỏ.
|
Kim Jong-un từ hồi nhỏ đã là người hiếu chiến. |
Đầu bếp người Nhật Kenji Fujimoto (68 tuổi) gần đây đã trở thành một cái tên được giới truyền thông săn đón nhờ 13 năm phục vụ cho cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il và gia đình. Những thông tin ông mới cung cấp về tuổi thơ của Kim Jong-un được cho là chưa từng xuất hiện.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên được mô tả là đã rất nóng tính từ nhỏ. Kim Jong-un lớn lên bên người anh trai Kim Jong-chul. Cả hai anh em rất thích chơi bóng rổ cùng nhau dưới sự giám sát của cha tại sân đấu trong khu nhà ở của gia đình.
Theo lời ông Fujimoto, mỗi lần ra sân, Kim Jong-chul rất hay nhường nhịn, còn cậu em trai lại nóng tính, không chịu thua thiệt trước các “đối thủ”.
“Trong nhà Chủ tịch, thực ra tôi làm hai công việc. Đối với ông Kim Jong-il, tôi là đầu bếp sushi. Đối với Kim Jong-un, tôi là người chơi cùng cậu bé từ hồi lên 6, tôi giống như bảo mẫu vậy. Chính vì thế chúng tôi rất gần gũi và tôi coi Kim Jong-un như con trai của mình”, ông Fujimoto nói.
|
Ông Fujimoto như là bảo mẫu của Kim Jong-un hồi nhỏ. |
Kim Jong-un mới được biết tới rộng rãi trên thế giới sau khi nhậm chức Chủ tịch năm 2011, nhưng theo lời người đầu bếp thân cận, ngay từ nhỏ nhà lãnh đạo Triều Tiên đã luôn giữ vị trí thủ lĩnh trong bất cứ cuộc chơi nào với các bạn đồng trang lứa.
“Jong-un không thích mọi người đối xử với mình như một đứa trẻ ngay cả khi mới 9 tuổi. Mấy người dì gọi cậu là “vị tướng nhí” khiến cậu ấy rất giận: "Cháu có còn là trẻ mầm non nữa đâu mà gọi là tướng nhí”, ông Fujimoto kể.
“Giữa các bạn đồng trang lứa, Jong-un luôn là lãnh đạo. Cậu bé luôn nói rõ suy nghĩ của mình và là người quyết định mọi chuyện. Kể cả anh trai cũng không dám làm trái ý Jong-un”.
Ông Fujimoto chia sẻ chính cố chủ tịch Kim Jong-il sinh thời cũng từng nói rằng cậu con út giống ông hơn cả, còn Jong-chul “yếu đuối như con gái vậy”.
|
Ông Kim Jong-il (trái) và Kim Jong-un (phải). Ảnh: Polaris |
Như vậy, có thể thấy Kim Jong-un ngay từ khi còn nhỏ đã luôn muốn mình là người chiến thắng bằng cách thể hiện sức mạnh của mình. "Giang sơn khó đổi, bản tính khó dời", một Kim Jong-un hiện tại vẫn không hề thay đổi với những vụ thử hạt nhân không ngừng tăng tiến!
Sự điên cuồng hạt nhân của Triều Tiên bắt nguồn từ đâu?
Để duy trì quyền thống trị của Đảng Lao động Triều Tiên và vương triều nhà họ Kim, Bắc Triều Tiên phải tìm mọi cách để có được viện trợ từ bên ngoài.
Để tự lực cánh sinh trong cảnh khó khăn, họ đã cho phép xuất khẩu chất gây nghiện sang Nhật Bản và Trung Quốc. Vào khoảng năm 2000, thị trường ngầm chất gây nghiện ở Tokyo chủ yếu có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên. Tạp chí Phượng Hoàng từng đưa tin, năm 2010 chính quyền Trung Quốc đã thu được lượng chất gây nghiện xuất phát từ Bắc Triều Tiên giá trị lên đến 60 triệu đô la Mỹ. Sau khi cộng đồng quốc tế biết vấn đề này đã bắt đầu đề phòng các hàng hóa xuất khẩu từ Bắc Triều Tiên, nhiều chuyến tàu mang theo chất gây nghiện của Bắc Triều Tiên đi theo đường biển đã bị xử lý, vậy là con đường kiếm tiền này của họ ngày càng hẹp lại.
Từ đây gia tộc nhà họ Kim bắt đầu tìm cách "tống tiền" cộng đồng quốc tế. Vì nguồn viện trợ từ Liên Xô không còn, tiền của Trung Quốc thì không bõ "gãi ngứa", họ bắt đầu tính kế với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Cách tốt nhất là lừa đảo bằng cách đe dọa vũ khí hạt nhân.
|
Những hành động của Bắc Triều Tiên lúc thì hòa nhã, lúc thì điên cuồng, mục đích chính là để tìm kiếm viện trợ từ quốc tế, duy trì quyền thống trị của đảng Lao động và vương triều nhà họ Kim. |
Năm 1988, Mỹ chính thức tuyên bố với quốc tế rằng, có thể Bắc Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter phải đến thăm Bắc Triều Tiên nhằm hòa giải và thỏa thuận để cho Mỹ, Nhật và Hàn Quốc dỡ lò phản ứng graphite, họ sẽ giúp Bắc Triều Tiên xây dựng hai lò phản ứng nước nhẹ. Nhưng do việc bàn bạc về chi phí chia rẽ nên chương trình bị kéo dài.
Trong thời gian này ông Kim Jong-il cũng áp dụng chính sách gọi là “hòa bình hữu nghị” để tranh thủ xin viện trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Vào tháng 6/2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã đến thăm Bắc Triều Tiên; tháng 9/2002, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đến thăm Bắc Triều Tiên. Để thực hiện hòa bình và cũng một phần để tăng uy tín cho mình, những chính khách này đã dùng nhiều biện pháp, khi âm thầm lúc công khai, viện trợ cho Bắc Triều Tiên. Ví dụ, Kim Dae-jung đã viện trợ ngầm 100 triệu đô la Mỹ thông qua Tập đoàn Hyundai.
Nhưng năm 2002 Bắc Triều Tiên đã phản bội Mỹ, tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Nguy cơ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lại bùng nổ, lúc này uy tín và danh dự của Bắc Triều Tiên hoàn toàn bị phá sản. Nhờ có Trung Quốc đứng ra hòa giải, Hội đàm sáu bên về vấn đề Triều Tiên vào tháng 9/2005 thành công khi Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, Mỹ giữ lời hứa và tiếp tục viện trợ cho Triều Tiên. Ví dụ vào năm 2008, tổng viện trợ của Mỹ cho Triều Tiên đạt mức 225 triệu đô la Mỹ.
Có thể do cải cách kinh tế của Triều Tiên thất bại và cảm thấy số tiền chi viện quá ít, trong khi áp lực chính trị nội bộ quá lớn nên vào tháng 4/2009 Bắc Triều Tiên lại bắn một hỏa tiễn bay sang Nhật Bản; công bố nối lại các lò phản ứng làm giàu plutonium, đến tháng 5/2009 lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Ngày 12/6/2009, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lại thông qua Nghị quyết số 1874 lên án hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đồng thời đẩy mạnh cấm vận kinh tế với nước này, theo đó cả Mỹ và Nhật đều ngừng viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên.
Từ đây, con đường điên cuồng của Bắc Triều Tiên ngày càng đi xa, họ liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo, thậm chí hủy bỏ Hiệp định ngừng chiến tại bán đảo Triều Tiên.
Minh Minh