Dấu ấn vùng đất qua trang viết

24/01/2024 - 09:45

PNO - Tủ sách văn hóa Việt đã tạo được vệt sách ấn tượng với các tác phẩm viết về văn hóa vùng đất. Khi các cây bút địa phương khai thác được thế mạnh, viết về nơi mình sống, các tác phẩm sẽ hội tụ và lưu dấu ấn rất riêng.

Viết từ miền nhớ, miền thương

Những ngày cuối năm, nhà văn, nhà báo Phi Tân (hiện công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên - Huế) giới thiệu tác phẩm Huế - Chuyện xưa thành cũ (Chibooks và Nhà xuất bản Lao Động ấn hành). Đây là tập tản văn thứ tư anh viết về Huế, sau Ngoại ô thương nhớ, Bên sông Ô LâuVề Huế ăn cơm. Cả 4 tác phẩm đều viết từ ký ức, như bộc bạch của tác giả Phi Tân là “gom nhặt nỗi nhớ niềm thương của những ngày xưa bình dị, hồn nhiên, yên ả”.

Một số tác phẩm viết về văn hóa các vùng đất đang được Chibooks chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài
Một số tác phẩm viết về văn hóa các vùng đất đang được Chibooks chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài

Nếu Bên sông Ô Lâu, Ngoại ô thương nhớ là chuyện quê nhà với những hình ảnh thân thương, gần gũi: cánh đồng, con trâu, bụi tre già… thì Về Huế ăn cơm lại là dáng hình phố xưa và những món ăn thơm lành xứ Huế. Với Huế - Chuyện xưa thành cũ, tác giả một lần nữa tái hiện cố đô theo dấu vết ký ức với gam màu đầy hoài niệm, từng trang chữ vẽ nên diện mạo của đất và người xứ kinh kỳ. Không rời khỏi không gian sống quen thuộc của mình, nhà văn, nhà báo Phi Tân dẫn lối người đọc vào vùng trời kỷ niệm, cùng hành trình tái khám phá ký ức bằng một văn phong rất thơ, đầy thương nhớ. 

Lâu nay, Hà Nội và Sài Gòn xưa đã trở thành không gian quen thuộc trong rất nhiều tác phẩm. Tủ sách văn hóa Việt (Chibooks thực hiện) mở thêm cánh cửa tiếp nhận nhiều vùng đất văn hóa khác trong trang viết. Từ những ấn bản đầu tiên: Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) viết về miền núi phương Bắc, Nha Trang mùa đẹp nhất (Đào Thị Thanh Tuyền), đến nay, tủ sách đã có thêm những cuốn sách về xứ Huế, xứ Quảng (Cơm nhà xứ Quảng - tác giả Lưu Bình), miền sông nước Tây Nam Bộ (Những hạt bùn vạn dặm - Lê Quang Trạng)…

Hầu hết các tác phẩm trên đều có bộ tranh/ảnh minh họa, giao hòa giữa trang viết và hình ảnh, nhằm góp phần giới thiệu thêm những cảnh quan văn hóa đặc sắc mà trang viết đề cập. Đây cũng là yếu tố giúp cho các tác phẩm thêm giàu mỹ cảm.

Điểm tựa làm nên giá trị

Khai thác dấu ấn văn hóa cũng như khai phá tiềm năng của các cây bút địa phương là một trong những yếu tố luôn được quan tâm trong nhiều cuộc tọa đàm về văn chương. Sự hiểu biết, tình cảm, ký ức cũng như sự thấu hiểu, sẻ chia về thân phận con người nơi vùng đất nhà văn sinh sống chính là thế mạnh của mỗi người cầm bút. 

Bày tỏ về niềm cảm hứng sáng tác từ quê nhà An Giang, nhà văn Lê Quang Trạng tâm tình: “Miền đất này có lắm chuyện để viết, mà những câu chuyện ấy đâu chỉ dừng lại ở một không gian. Thời gian luôn vận động như sông vậy, thấy muôn đời như thế nhưng thực ra sông vẫn chuyển động không ngừng. Miền Tây đã tạo nên trang viết của tôi và tôi tin tôi sẽ còn viết nhiều nữa về miền đất này”.

Đối với thể loại tản văn, ký ức là “tài sản riêng”, là chất liệu độc quyền cho người cầm bút. Cảm xúc riêng tư được chia sẻ qua trang viết trở thành giá trị chung, có ý nghĩa cho văn đàn. Nhiều tác phẩm có bối cảnh là một vùng đất đặc thù hoặc khai thác được bản sắc văn hóa địa phương đã ghi dấu ấn sâu đậm, được trao các giải thưởng. Năm 2023, tác phẩm Phố Hàng Bột - Chuyện tầm phào mà nhớ (Vũ Công Thiết) được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 16. Về Huế ăn cơm nhận tặng thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2022 (Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế trao tặng). Trước đó, Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền) cũng được trao giải C - giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa)…

Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks - cho biết, bộ 3 cuốn sách về Huế của tác giả Phi Tân năm nay sẽ được gửi dự giải thưởng Cố đô (do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức 5 năm 1 lần). “Bên cạnh đó, để độc giả quốc tế có thể hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam, Chibooks đã chọn một số tác phẩm thuộc Tủ sách văn hóa Việt chuyển ngữ sang tiếng Trung, tiếng Anh và xuất bản ra thế giới” - bà cho biết thêm. 

Hiện một số đầu sách đã được triển khai dịch sang tiếng Trung: Vắt qua những ngàn mây, Nha Trang mùa đẹp nhất, Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời… Sách sau khi được chuyển ngữ sẽ tham gia các hội chợ sách quốc tế và chào bán bản quyền ra thế giới. 

Văn học thiếu nhi chú trọng miền văn hóa

Trong số các tác phẩm thiếu nhi được vinh danh năm 2023 của Nhà xuất bản Kim Đồng, truyện dài Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng) đã ghi điểm không chỉ với câu chuyện nhân văn, ý nghĩa mà còn với không gian văn hóa miền sông nước. Tác phẩm được trao giải Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, đồng thời được vinh danh là 1 trong 10 cuốn sách tiêu biểu của năm (trong chương trình vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu và các cuốn sách nổi bật năm 2023, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức)

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy - thành viên Tiểu ban Thiếu nhi, giải thưởng Sách quốc gia - cũng đánh giá cao dấu ấn văn hóa vùng đất từ các tác phẩm được trao giải những năm qua: Mùa hè đáng nhớ của Vàng A Lềnh và Vừ Mí Lùng (Dương Đình Lộc, giải C - giải thưởng Sách quốc gia năm 2023), Thung lũng Đồng Vang (Trung Sỹ, giải Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022), Đi trốn (Bình Ca, giải Dế Mèn năm 2021)…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI