Dấu ấn văn hóa của người hiền Văn Lê

09/09/2020 - 07:40

PNO - Sự ra đi đột ngột của Văn Lê, một cây bút tài hoa, một nhân cách đáng kính trọng, làm việc không biết mệt mỏi ngay cả khi lâm trọng bệnh, đã gây bàn hoàng cho những người yêu quý ông.

Đa năng  và giàu sức sáng tạo, làm thơ,viết văn, nghiên  cứu phê bình, làm báo, biên kịch, đạo diễn phim, có  thể  nói  dấu  ấn văn hóa và phẩm hạnh mà người hiền Văn Lê để lại rất đáng ngưỡng mộ.

Sinh trưởng ở Ninh Bình, chàng trai Lê Chí Thụy sớm rời ghế  nhà trường  xung phong vào chiến trường Nam Bộ từ năm 1966, rồi trở thành cây bút trên mặt trận văn hóa với bút danh Văn Lê. Ông từng là phóng viên báo Văn Nghệ Quân Giải Phóng, Văn Nghệ Giải  Phóng, Văn Nghệ. Đất nước thống nhất, ông  xuất  ngũ  năm  1976, nhưng rồi lại tái ngũ năm 1977 khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, đến năm 1982 mới ra quân hẳn.

Nhà thơ Văn Lê
Nhà thơ Văn Lê

Giống như những cây bút cùng  thế  hệ,  chiến  tranh trở thành nguồn cảm hứng chủ   đạo   cho   trang viết, mà  kết quả là mấy mươi tập  thơ, trường  ca, truyện ký, tiểu  thuyết của ông đã xuất bản như: Một miền đất, những con người (tập thơ, 1976), Những ngày không yên  tĩnh (truyện,  ký 1978),  Đồng  chí  đại  tá  của tôi (truyện, 1981), Ngôi chùa ở Pratthana  (tiểu   thuyết, 1985), Hai người còn lại trong rừng (tiểu   thuyết, 1989), Phải  lòng (tập thơ, 1994), Nếu anh còn được sống (tiểu thuyết, 1994-2002; xuất bản tại  Hàn  Quốc  năm  2003), Những cánh đồng dưới lửa (trường ca, 1997), Đồng dao thời chiến tranh (tiểu thuyết, 1999), Cao hơn bầu trời (tiểu thuyết, 2004)…

Thế nhưng khác với nhiều nhà văn cùng thế hệ đã sớm gác  bút  nghỉ  ngơi, Văn Lê cho đến những năm tháng cuối đời chiến tranh vẫn là  nỗi ám ảnh khôn nguôi và nguồn cảm hứng bất tận để dựng nên những tiểu thuyết đồ sộ, tiêu biểu là Mùa hè giá buốt (2009, tái  bản 2012), Phượng hoàng (2014, tái bản 2020), Quần ma loạn vũ (đã hoàn chuẩn bị xuất bản), đó là chưa kể tập thơ Vé trở về (2013)... 

Đối với Văn Lê, nếu được sống không tiếp tục viết, thì  sự hy sinh của bao con người trong chiến tranh trở nên vô nghĩa. Hai tiểu thuyết Mùa hè giá  buốt, Phượng hoàng đều được dư luận đánh giá cao và được trao Giải thưởng Bộ Quốc phòng, Giải  thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm.

Không chỉ  là  tiểu  thuyết  hay  nhất viết về chiến dịch Mậu Thân 1968,  mà  Mùa  hè  giá  buốt còn  là  một  trong  vài  cuốn tiểu  thuyết  hiếm  hoi  hay nhất  về chiến tranh chống Mỹ, trong khi Phượng hoàng là tiểu thuyết duy nhất đến nay viết về một chiến lược chiến  tranh  cùng  tên  hết sức khốc liệt do đối phương thực  hiện. Độ lùi thời gian và sự chín chắn trải nghiệm đã giúp Văn Lê tái hiện chiến tranh một cách khách quan, sòng phẳng, toát lên vẻ đẹp phẩm hạnh, đức hy sinh của con người bị cuốn trong mưa bom bão đạn.

Một nguồn cảm hứng chủ  đạo khác của Văn Lê là cội nguồn lịch sử và văn hóa dân tộc. Mười năm trở lại  đây, bên cạnh các tiểu thuyết về chiến tranh, ông đã dành tâm huyết viết nên ba cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi độc đáo: Mỹ nhân (2013), Thần thuyết của người Chim  (2014) và mới đây là Cống  nhân (2020). Cái tài của Văn Lê không chỉ ở kiến văn thâm hậu, cách dựng chuyện, sức liên tưởng phong phú, mà còn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự tôn lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Không chỉ thơ văn, mà đề tài lịch sử còn chi phối cả phim ảnh của Văn Lê. Vào dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bộ phim truyện Long Thành cầm giả ca do Văn Lê biên  kịch - Đào Bá Sơn đạo diễn đã gây tiếng vang và  đoạt nhiều giải thưởng lớn. Viết kịch bản Long Thành cầm giả ca, ông muốn thông qua lịch sử để hình dung thời thế lúc ấy hỗn độn thế nào, số  phận bấp bênh của con người, đặc biệt là giới  nghệ sĩ có khuynh hướng sống ra sao.

Vì say mê lịch sử dân tộc mà Văn Lê còn quay nhiều bộ phim tư liệu, đặc biệt là thời kỳ đầu nước đổi mới. Ông đã xuôi ngược đi thực tế các công trình mới xây dựng, gặp gỡ phỏng vấn nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, phản ánh nhiều  mặt đời sống xã hội trì trệ, lạc hậu, nghèo khó đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Những thước phim ghi dấu ấn lịch sử một thời nhưng có giá trị tư liệu văn hóa mãi mãi.

Dù dựng nên hàng chục bộ phim hay tiểu thuyết đồ sộ nhưng thơ ca vẫn là niềm say mê lớn nhất của Văn Lê. Và từ trong thẳm sâu trái tim ông, những vần thơ vẫn vút lên những điều kỳ diệu đầy tự  hào về lịch  sử, văn hóa dân tộc mình, như trong bài thơ Những người làm chủ Biển Đông ông viết: “Dân tộc anh đi  qua chiến tranh, đã từng hành quân từ thời tiền sử/ Cái thời chưa rành rọt núi sông/ Cái thời dân tộc anh còn gọi là LạcViệt/ Nguồn cội sinh ra bởi giống Tiên Rồng”.

Văn Lê - người hiền trong tính cách lẫn trong sáng tạo, là một trong những con cháu ưu tú của dòng giống Tiên Rồng đã bay về cùng tổ tiên. 

Phan Hoàng

 

 

Từ khóa abc
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI