Dấu ấn từ những phụ nữ dân vận khéo

30/01/2024 - 06:05

PNO - Những đổi thay nhỏ trong mỗi ngóc ngách đã từng ngày tạo nên diện mạo mới cho TPHCM, những đứa trẻ từng chới với khi đột ngột mất mẹ, mất cha đã dần vượt qua ký ức buồn để tiếp tục bước về phía trước… Phía sau mỗi đổi thay ấy đều có dấu ấn của những người “lội nước đi trước”.

Người đàn bà “lội nước đi trước” ở xóm Sở Thùng

7 giờ sáng một ngày cận tết, trong lúc mọi người đã đổ ra đường cho những cuộc mưu sinh thì bà Nguyễn Thị Kim Hoàng - Chi hội trưởng khu phố 7, phường 11, quận Bình Thạnh - thong thả đi dạo quanh sân chung cư 336/1Bis Phan Văn Trị để cảm nhận từng góc sân vắng lặng. Sau khi kiểm tra các bộ dụng cụ thể dục, bà ngồi tận hưởng không khí trong lành trên ghế đá. “Để có được cảm giác này, không dễ chút nào” - bà Hoàng cười. Dòng ký ức của bà quay về những câu chuyện cũ gắn liền với địa danh “Sở Thùng”.

Nơi bà đang ngồi là một phần của xóm Sở Thùng - địa bàn tập trung rất đông dân lao động nghèo nhập cư, mưu sinh chủ yếu bằng nghề “đổ rác”. 3 năm trước, góc sân chung cư nơi bà đang ngồi vẫn còn là một bãi tập kết rác. Năm 2020, khi cả thành phố thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TPHCM nhằm thay đổi bộ mặt đô thị, bà Hoàng không thể tiếp tục ngồi im.

Sau khi được cải tạo, mặt sân chung cư 336/1Bis Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) được lắp các bộ dụng cụ thể dục thể thao để phục vụ người dân
Sau khi được cải tạo, mặt sân chung cư 336/1Bis Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) được lắp các bộ dụng cụ thể dục thể thao để phục vụ người dân

Bà tổ chức 1 cuộc họp khu phố, bày tỏ mong muốn lấy lại cái sân chung cư, cải tạo sạch sẽ cho mọi người cùng đi dạo. Ý kiến của bà nhận được sự đồng thuận của cư dân. “Nhưng làm sao để thuyết phục những gia đình làm nghề rác trả lại sân sau nhiều năm lấn chiếm là chuyện không dễ. Tôi mất hơn 1 tháng để đến từng nhà” - bà Hoàng kể.

Nhưng như dự đoán của bà, chưa kịp nói hết câu là chủ nhà bắt đầu lớn giọng, chửi thề và dọa giết. Tuy nhiên, bà Hoàng vẫn kiên trì tới lui, phân tích: “Mình mang tiếng là dân Sở Thùng quá lâu rồi. Các anh chị nhìn lại xem, ai cũng có con, cháu nhỏ. Nếu mọi người nghĩ đến sức khỏe của con em và bà con xung quanh, tôi hứa sẽ đứng ra lo chỗ di dời, trước mắt là hỗ trợ 3 tháng tiền gửi xe, gửi phế liệu cho bà con”.

Nói là làm, bà bắt đầu ngược xuôi đi tìm mặt bằng thuê làm bãi đậu xe, tập kết phế liệu cho những hộ làm rác trong diện phải di dời. Sự quyết tâm của bà cuối cùng đã thuyết phục được họ.

Sau khi đã lấy lại mặt sân, bà Hoàng tiếp tục đi vận động người dân đóng góp kinh phí để nâng cấp mặt đường, sửa chữa lại hệ thống cống thoát nước, làm lại mặt sân và lắp đặt các bộ dụng cụ tập thể dục thể thao với hơn 250 triệu đồng. Từ ngày mặt sân được cải tạo sạch sẽ, thoáng đãng, cư dân chung cư Phan Văn Trị cũng như những hộ làm rác xung quanh đều phấn khởi ra tập thể dục.

Buổi chiều tan trường, con nít tụ lại chơi cầu lông, bóng rổ, nói cười huyên náo. Để giữ sân tập lúc nào cũng sạch sẽ, bà chi hội trưởng phụ nữ lại tiếp tục họp với cư dân xung quanh, vận động mỗi hộ đóng góp thêm vài chục ngàn đồng mỗi tháng để thuê người làm vệ sinh.

Bà Hoàng chia sẻ, để làm tốt công tác dân vận, trước nhất phải nắm rõ tình hình thực tế đời sống, hoàn cảnh của người dân. Từ chỗ hiểu, mới lên kế hoạch phù hợp rồi đi từng nhà phân tích, tùy trường hợp mà khéo léo thuyết phục. “Đầu tiên người ta phản ứng vì nghĩ rằng tôi chỉ muốn đuổi họ đi chứ lấy đâu ra tiền để làm được cái sân như đã nói. Tuy nhiên, lúc họp ở chung cư, đứng trước cư dân, tôi hứa sẽ chịu trách nhiệm nếu không làm đúng kế hoạch. Mặc dù vậy, phải mất 1 tháng rưỡi, những hộ làm rác mới đồng thuận, chấp nhận di dời” - bà Hoàng kể. 

Chị Cao Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN phường 11, quận Bình Thạnh - cho biết, không chỉ vận động người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19, nhiều năm qua, trong vai trò chi hội trưởng phụ nữ khu phố, bà Hoàng luôn làm tốt công tác chăm lo cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Tết Nguyên đán năm 2023, bà vận động các mạnh thường quân và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn chăm lo 365 phần quà với tổng số tiền gần 110 triệu đồng cho những người khó khăn. Với việc vận động hội viên tham gia phân loại rác tại nguồn, bà đã lập và nuôi được quỹ tiết kiệm tại chi hội hơn 22 triệu đồng để cho các chị vay không lãi suất khi gặp khó khăn đột xuất. Bà đã cùng khu phố chăm lo 6 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học hằng năm.

Riêng bà, từ tháng 3/2019, đã nhận hỗ trợ mỗi tháng 2 triệu đồng cho 1 học sinh lớp Tám mồ côi cha mẹ tại chung cư 336/1Bis Phan Văn Trị. Đến nay, em này đang học năm thứ nhất Trường cao đẳng FPT. Bà Hoàng cũng duy trì hỗ trợ tiền điện mỗi tháng (500.000 đồng/hộ) cho 2 hộ hội viên phụ nữ khó khăn.

“Biết rõ những việc cô Hoàng làm nên khi có hộ dân nào khó khăn trong khu phố có chuyện, bà con lại sẵn sàng đóng góp. Năm vừa rồi, cô Hoàng cùng cư dân khu phố góp gần 50 triệu đồng để lo chi phí mai táng cho 2 hộ nghèo có người thân qua đời. Chính tinh thần “lội nước đi trước” đã giúp cô Hoàng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân” - chị Cao Thị Hiền nói.

Hết lòng mang yêu thương đến người nghèo, trẻ mồ côi

Tỉ mẩn sắp xếp lại những bộ áo dài vừa được khách bày ra khắp nhà, bà Vương Thị Bích Phụng - Chi hội trưởng khu phố 4, phường 15, quận 4 - hạnh phúc chia sẻ, 2 chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động miền Trung về quê ăn tết do bà vận động đã sẵn sàng cho ngày lăn bánh.

Kèm với vé xe miễn phí, bà Phụng còn chuẩn bị nước uống và 2 suất ăn cho mỗi người. Đây là năm thứ năm bà Phụng góp sức cùng chính quyền thành phố chăm lo, hỗ trợ người lao động trong dịp tết. Bà cho biết, những năm đầu tiên, do khả năng vận động có giới hạn nên bà chỉ tổ chức được 1 chuyến xe cho hơn 20 công nhân. Đến năm 2024 này, nguồn vận động được nhiều hơn nên bà lo được 2 chuyến xe, giúp thêm hơn 20 công nhân có điều kiện về quê vui tết.

Bà Vương Thị Bích Phụng - Chi hội trưởng khu phố 4, phường 15, quận 4 - trao quà hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19 tại quận 4
Bà Vương Thị Bích Phụng - Chi hội trưởng khu phố 4, phường 15, quận 4 - trao quà hỗ trợ trẻ mồ côi vì COVID-19 tại quận 4

Nhiều năm qua, tại quận 4, bà Phụng được biết đến là 1 tấm gương dân vận khéo trong việc vận động chăm lo cho nhiều đối tượng khó khăn. Trong cuộc họp mặt để trao quà tết Nguyên đán năm 2021 - cái tết đầu tiên khi dịch COVID-19 tạm lắng, bà Phụng đã khóc khi thấy 155 trẻ trong quận bỗng mồ côi chỉ sau 1 đợt dịch. Trong lúc khó khăn còn bủa vây tứ bề, bà hứa sẽ chăm lo cho tất cả 155 trẻ có tết.

Không ai hình dung được bà sẽ làm thế nào, nhưng bà đã lo đủ 155 phần quà (gồm 200.000 đồng tiền mặt và hơn 200.000 đồng cho các loại nhu yếu phẩm) cho tất cả các em. Bà chia sẻ: “Từ nhiều năm trước, tôi thường xuyên đến các chùa, các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm lo cho trẻ mồ côi. Tôi bắt đầu huy động nguồn lực từ trong gia đình trước, rồi đến các chùa vận động các sư cô, sư thầy để trước mắt, chăm lo tết cho các em”.

Không dừng lại ở 1 cái tết, bà Phụng đã đồng ý trở thành thành viên của Câu lạc bộ Mẹ đỡ đầu quận 4 và nhận chăm lo cho 3 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên bước đường dài. Cũng từ câu lạc bộ, bà vận động thêm nhiều chị em phụ nữ địa phương trở thành mẹ đỡ đầu. Đến nay, 100% trẻ mồ côi tại quận 4 đều được chăm lo, hỗ trợ.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thông tin, tính đến tháng 12/2023, TPHCM có 1.765 trẻ mồ côi vì COVID-19. Nhờ các chương trình “Vòng tay yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu” ngày càng lan tỏa, đến nay thành phố đã chăm lo, đỡ đầu cho tất cả các em.

Đây có thể được xem là mô hình dân vận khéo của các cấp hội thành phố trong 2 năm qua. Để có được kết quả ấy, ngoài vai trò tham mưu, vận động các nguồn lực xã hội cùng chung tay của Hội LHPN TPHCM, yếu tố tạo nên tính lan tỏa rộng khắp của chương trình là tinh thần chủ động tham gia đến từ các cơ sở hội. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI