PNO - Nhờ được Hội Phụ nữ hỗ trợ xây nhà, tặng phương tiện làm ăn, nhiều chị em đã vượt qua giai đoạn chông chênh nhất của cuộc đời, từng bước vươn lên.
Cứ chiều đến, bà Võ Thị Cước, 82 tuổi, ở ấp 4, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè (TP.HCM), lại ra ngồi trước hiên nhà ngóng các con đi làm về. Sau nhiều năm kiếm sống bằng rổ tôm, thau cá, giờ sức khỏe bà yếu nhiều, đi lại khó khăn. Dẫu vậy, bà cũng mãn nguyện bởi đã có được căn nhà như mơ ước để sớm hôm con cháu quây quần, không còn lo dột, ngập.
Niềm vui của bà Cước (giữa) trong khoảnh khắc nhận quyết định bàn giao nhà vào ngày 28/5/2020
Bà Cước là vợ liệt sĩ, có tám người con. Hiện bà đang sống với gia đình con trai út Nguyễn Văn Hồng Diệt. Tinh thần của anh Diệt không được ổn định, ai kêu gì làm nấy. Vợ anh đi nhặt ve chai. Họ có một đứa con nhỏ còn đang đi học. Căn nhà cũ của mẹ con bà Cước là nhà cột gỗ, mái tôn, vách tôn, ẩm thấp. Hơn chục năm qua, cứ mưa gió là nhà không còn chỗ khô ráo, mọi người phải ngồi nhìn nhau chờ tạnh mới có chỗ ngả lưng. Áo cơm hằng ngày còn chật vật thành ra chuyện làm lại nhà chưa bao giờ bà Cước dám nghĩ tới. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà, Hội LHPN TP.HCM đã vận động Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tài trợ xây lại mái ấm tình thương cho bà. Trong lễ bàn giao nhà, Hội còn tặng bà Cước nhiều vật dụng gia đình.
Cũng vậy, khi cầm quyết định bàn giao nhà trên tay, vợ chồng bà Đặng Thị Bé, 62 tuổi, ở đường Cô Giang, P.2, Q.Phú Nhuận, xúc động cảm ơn những tấm lòng đã giúp họ toại nguyện ước mơ. Bà Bé mắc bệnh tiểu đường, gai cột sống, không còn khả năng lao động. Chồng bà, ông Huỳnh Hùng Dũng, 59 tuổi, trước đây đi bán đồ lạc xoong, hiện đang đau bệnh sau lần bị té do huyết áp tăng đột ngột. Họ có ba người con, một người đã ra riêng, hai người sống cùng cha mẹ, làm nghề giao hàng và buôn bán. Đại dịch khiến công việc và thu nhập của họ bấp bênh.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa phải) - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng bà Tạ Thị Nam Hồng (thứ hai từ phải qua) - Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - chia sẻ niềm vui cùng bà Bé trong ngày bàn giao nhà
Căn nhà cũ của gia đình bà Bé đã xuống cấp, mái dột, tường nứt, gác sập, gặp lúc trời mưa hay triều cường là nước ngập cao quá gối. Bao năm nay, dù cả nhà làm lụng không ngơi nghỉ, nhưng với họ giấc mơ về một mái ấm không dột, không ngập cũng là xa xỉ. “Hồi xưa bả đi bán với tôi, cũng có đồng ra đồng vô. Sau này bả yếu, tôi lại gặp nạn, nên vợ chồng chẳng còn dám mong sẽ có cái nhà cho đàng hoàng” - ông Dũng giãi bày. Tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đóng góp 60 triệu đồng giúp gia đình bà Bé xây dựng lại mái ấm tường vôi khang trang.
Bớt chật vật nhờ “cần câu cơm” Hội trao
Hiện tại, mỗi ngày bà Ngô Ngọc Sang bán được khoảng 50 - 60 ổ bánh mì. Tuy ít hơn so với trước đây nhưng cũng giúp bà trang trải được phần nào cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa cháu ngoại. “Mẹ ba đứa nhỏ mất rồi, cha thì lang bạt nơi nào không rõ. May mà được Hội Phụ nữ tặng cái xe bánh mì để mần ăn, nếu không thì chưa biết chúng tôi sẽ ra sao” - bà Sang nói.
Bà Sang 60 tuổi, hiện đang sống tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức. Trước đây, bà từng có 20 năm đi giúp việc nhà với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Phước chồng bà chạy xe ôm. Năm 2018, bà bị đau khớp gối, không thể tiếp tục công việc. Đang lúc khó khăn, bà Sang được Hội Phụ nữ P.Thạnh Mỹ Lợi đề xuất tặng xe bánh mì để bán ngay dưới chung cư. Từ đó, hằng ngày, cứ bốn giờ sáng là bà lại lục tục dọn hàng xuống đất bán tới mười giờ. Ông Phước cũng phụ vợ lo chợ búa. Bà Sang nói: “Đâu chỉ cái xe, Hội còn giúp nhà tôi rất nhiều, từ gạo mắm, bánh mứt ngày tết, cho tới học bổng cho ba đứa nhỏ. Tôi đang có nguyện vọng vay vốn để đầu tư buôn bán thêm, các cô bên Hội Phụ nữ phường hứa giúp rồi”.
Xe bánh mì của bà Sang
Cũng như bà Sang, nhờ Hội LHPN TP.HCM trợ sức kịp thời mà bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh, 55 tuổi, ở khu phố 1, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, mới có nơi ở tươm tất, thoát được diện hộ nghèo, còn chị Nguyễn Thị Kim Vân, 47 tuổi, ở khu phố 5, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân lo được cho con trai học đại học.
Bà Oanh theo nghề bán thảm lau chân, miếng lót nồi và giẻ nhấc nồi đã hơn 20 năm. Ngày trước, bà đến các tiệm may mũ xin vải vụn về vá víu lại làm giẻ nhấc nồi rồi đạp xe đi bán dạo. Sau này, bà đến Chợ Lớn mua vải về tập tành may thảm lau chân. Khách ngày càng chuộng vải in hình hoa lá, mẫu mã đẹp, cho nên phải mua nguyên liệu, tiền lời vì vậy mà ít hơn xưa. Ngày thường, bà kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Những ngày cận tết có thể được 500.000 - 700.000 đồng. Đang làm ăn được thì máy may hư, xe đạp hỏng, chồng bị tai biến không thể đạp xích lô được nữa, mái nhà chắp vá, xập xệ cũng chưa sửa được. Khó khăn ngày càng chồng chất khiến cả gia đình bà lao đao. “Năm 2017, được Hội LHPN TP.HCM tặng máy may mới, tôi mừng vô cùng. Đã vậy, Hội còn cho tôi vay vốn mua xe máy để đi bán đỡ cực. Bây giờ, mỗi tuần tôi đi bán 3 - 4 ngày, những ngày khác thì tập trung cắt may. Sức khỏe chồng tôi đã cải thiện, ảnh vẫn khập khiễng đi bán vé số. Chúng tôi cũng sửa được nhà rồi” - bà Oanh chia sẻ.
Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Kim Vân cũng éo le không kém. Chồng mất, từ năm 2003 một mình chị phải bươn chải với rất nhiều công việc, từ giúp việc nhà, gia công hàng mã, sửa quần áo để nuôi con. Năm 2017, được Hội Phụ nữ tặng máy giặt, chị Vân mở thêm dịch vụ giặt ủi tại nhà. Thu nhập đã cải thiện dần từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng, rồi hơn 200.000 đồng/ngày. Chị Vân bộc bạch: “Tôi bị hở van tim, không thể làm những việc khuân vác, bưng bê nặng. Quà của Hội đối với tôi là vô giá. Nhờ món quà đó mà cuộc sống mẹ con tôi đã bớt chật vật”.
Mẫn Nhi
Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã đề ra 11 chỉ tiêu gắn với những phần việc cụ thể nhằm chăm lo, hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và bà con lao động nghèo. Đến cuối nhiệm kỳ, có 6/11 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, nổi bật nhất là các chỉ tiêu về an sinh xã hội. Trong 5 năm, Hội LHPN TP.HCM đã vận động kinh phí xây dựng và sửa chữa 866/300 mái ấm tình thương, đạt 422% so với chỉ tiêu; tặng 2.512/1.000 phương tiện làm ăn, đạt 251%; trao 46.072/30.000 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, đạt 153%.
Tính đến cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cấp Hội Phụ nữ toàn thành phố cũng đã huy động được hơn 248 tỷ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội (tăng 133,4% so với nhiệm kỳ trước). Nhiều chương trình an sinh xã hội của Hội như xây mái ấm tình thương, sửa bếp, tặng phương tiện làm ăn, tặng học bổng/góc học tập cho các em học sinh rất sát thực, kịp thời đến nhiều đối tượng, qua đó giúp gia đình chị em vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá hơn.
(Theo dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026)