Trong khó khăn, bản lĩnh càng rõ nét
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhận định, cuộc đời hoạt động cách mạng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là tấm gương đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù ở bất cứ cương vị nào, cả khi cách mạng thuận lợi hay lúc khó khăn, đặc biệt là trong những tình huống phức tạp, ngặt nghèo nhất, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, “dấu ấn Võ Văn Kiệt” đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Bình Minh nói: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người cộng sản đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là tấm gương sáng về lý tưởng và lẽ sống trọn đời vì nước, vì dân. Ông là một mẫu hình nhân cách lớn của người đảng viên cộng sản, luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: S.V. |
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, với gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao cam go, thử thách, cuộc đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là nhân dân TPHCM.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hội thảo khoa học lần này không chỉ tưởng nhớ đến nhân cách, tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà quan trọng hơn nữa là tìm ra những chất liệu đã tạo nên nhà chính trị, văn hóa lớn như ông: “Khi nhắc về chú Sáu Dân, mọi người cũng thầm mong đất nước có nhiều người như chú Sáu. Cuộc đời ông nhắc nhở các thế hệ nối tiếp phải biết tự học, học thật, làm thật, sống thật với nhân dân và vẫn sáng tạo trong bối cảnh, nhiệm vụ, yêu cầu mới, tạo giá trị mới, để góp phần đưa đất nước phát triển”.
Tư duy đổi mới, kiến tạo, dấn thân
Trong tham luận Dấu ấn Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, ông Trần Hữu Phước (nguyên Thư ký, Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) kể, ngày 21/1/1976, trong lễ bàn giao giữa Ủy ban Quân quản và UBND cách mạng TPHCM, ông Võ Văn Kiệt đã đảm nhận trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng TPHCM. Đây chính là thời điểm mở đầu cho sự tỏa sáng của “hiện tượng Võ Văn Kiệt” tại thành phố mang tên Bác.
Vào những năm tháng trên, TPHCM gặp rất nhiều khó khăn. 2/3 đất đai vùng nông thôn ngoại thành bị hoang hóa do bom đạn, chất độc hóa học và bom mìn còn sót lại. Đại bộ phận nông dân ngoại thành trước đây bị tách khỏi ruộng đồng, sống tập trung trong các ấp chiến lược, thị xã, thị trấn hoặc ở nội thành, sau ngày giải phóng thì trở về quê cũ với hai bàn tay trắng.
“Công việc ra quân đầu tiên của anh Sáu Dân trên mặt trận kinh tế là dốc sức biến “vành đai trắng” ở nông thôn ngoại thành thành “vành đai xanh”. Thời điểm ấy, thành phố đã vận động được 400.000 nông dân trở về xóm làng cũ xây dựng quê hương, khôi phục màu xanh cho mảnh đất được gọi là “vành đai trắng” do bị bom đạn cày xới” - ông Trần Hữu Phước viết.
Theo ông Trần Hữu Phước, một trong những công lao và thành tích của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên lĩnh vực nông lâm nghiệp là đã chỉ đạo phục hồi hơn 20.000ha rừng Cần Giờ bị phá trụi trong chiến tranh thành rừng phòng hộ. Sau nhiều thập niên được phục hồi, giờ đây, rừng ngập mặn Cần Giờ đã biến thành trung tâm du lịch xanh, được tổ chức UNESCO công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển và bảo tồn thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất.
|
Ngày 1/5/1997, tại Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TPHCM, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định cho TPHCM xây dựng đường hầm Thủ Thiêm - hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây, còn gọi là đại lộ Võ Văn Kiệt của TPHCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe, mỗi bên 3 làn cho cả ô tô và xe máy - Ảnh: Phùng Huy |
Trong tham luận cùng chủ đề, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - viết, sau ngày giải phóng, TPHCM cũng như cả nước gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng. Chính lúc khó khăn ấy, mới thấy phẩm chất và tài năng của Võ Văn Kiệt. “Chính thực tiễn “phá rào” tìm đường đổi mới cơ chế quản lý của TPHCM và một số địa phương đã giúp Trung ương Đảng xác định đường lối đổi mới tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI” - tham luận của ông Nguyễn Văn Hiếu nêu.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ: “Tiếp nối vai trò và trọng trách người đứng đầu TPHCM, tự soi rọi nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, bản thân tôi nhận thức rằng, quá trình xây dựng và phát triển thành phố trong mỗi giai đoạn có những vấn đề đặt ra khác nhau, nhưng nếu vận dụng được bài học đổi mới và kiến tạo, dấn thân vì nước, vì dân từ tư duy, phong cách Võ Văn Kiệt, chắc chắn thế hệ lãnh đạo thành phố hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, mạnh dạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải”.
Nặng tình với quê hương Vĩnh Long Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, với tư duy năng động, nhạy bén, kinh nghiệm thực tiễn phong phú và tầm nhìn chiến lược, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhiều vấn đề hết sức quý báu. Sinh thời, ông thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo tỉnh phải luôn chú ý vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, Thủ tướng đều đề nghị đến thăm cơ sở, từ đó hiểu thêm những vấn đề đặt ra với các địa phương, đơn vị để có hướng giải quyết thiết thực. Ông Bùi Văn Nghiêm nói: “Với quê hương, đất nước, chú Sáu Dân đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Ông đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của đồng chí: Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả”. |
Người tích cực hỗ trợ cho phong trào phụ nữ ở TPHCM Trong tham luận gửi đến hội thảo, Hội LHPN TPHCM chia sẻ, phụ nữ TPHCM sẽ mãi lưu giữ ký ức về sự nhiệt tình ủng hộ phong trào phụ nữ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đặc biệt là việc xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ mở rộng (tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ). Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi thư cho bí thư và ban thường vụ tỉnh ủy các tỉnh và thành phố phía Nam, “đề nghị các tỉnh quan tâm chỉ đạo, góp phần tích cực vào công trình có ý nghĩa này”. Nội dung thư cũng nêu rõ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý cho xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngày khởi công công trình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về dự và phát biểu. |
Sơn Vinh