Văn chương Việt trong khát vọng chuyển mình - Bài 1:

Dấu ấn thế hệ

03/01/2023 - 07:33

PNO - Văn đàn gọi tên thế hệ cầm bút mới, giải thưởng khẳng định giá trị tác phẩm, con đường xuất khẩu văn học nhiều hy vọng... là nền tảng để văn chương Việt bước ra thế giới.

Có thể xem 2022 là năm ghi dấu mốc quan trọng cho văn chương Việt. Sau một vệt tác phẩm nổi bật viết về đề tài dịch bệnh, năm qua có thêm nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ ấn tượng và lan tỏa rộng, văn học thiếu nhi khởi sắc, những người viết trẻ đang ngày càng khẳng định mình, giấc mơ đưa văn chương Việt ra thế giới đang mở lối với nhiều hy vọng… Một tinh thần lạc quan, đầy sức sống cho văn chương Việt trong khát vọng chuyển mình.

Các tác phẩm có giá trị vượt thời gian được Nhà xuất bản Trẻ tái bản với phiên bản bìa cứng trong năm qua - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Các tác phẩm có giá trị vượt thời gian được Nhà xuất bản Trẻ tái bản với phiên bản bìa cứng trong năm qua - Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Định danh giá trị và thế hệ cầm bút

Tiến sĩ Hà Thanh Vân nhìn nhận văn chương Việt 10 năm qua đã có bước chuyển rõ rệt: “Việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới đã dễ dàng hơn, số lượng tác giả được dịch nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, tác phẩm của các nhà văn nước ngoài gốc Việt cũng được dịch, xuất bản, nghiên cứu ở Việt Nam nhiều hơn. Dòng văn học mạng đã ít nhiều xuất hiện một số tác giả hứa hẹn sẽ đi xa”. 

Nhà văn Văn Thành Lê: “Văn học thiếu nhi không đến mức vắng bóng tác phẩm hay”

Ở mảng sách văn học thiếu nhi, 20 năm qua, tác phẩm được giới thiệu ra các nước mang dấu ấn rõ nhất là Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) được dịch sang tiếng Anh, cùng bản dịch tiếng Thụy Điển với giải thưởng Peter Pan năm 2008; Nguyễn Nhật Ánh có Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ dịch sang tiếng Anh và Tôi là Bê Tô dịch sang tiếng Hàn Quốc. Vài năm gần đây cũng có những tác phẩm hay, xứng đáng để dịch, quảng bá ra thế giới mà không sợ lép vế, cả về vấn đề tác phẩm đặt ra, tính phổ quát, toàn cầu và dấu ấn bản địa đặc trưng.

Thực vậy, những năm qua, bằng nhiều cách, qua các giải thưởng, văn đàn đã định danh những thế hệ cầm bút. Tại cuộc tổng kết kỷ niệm 20 năm ngày thành lập chi nhánh Hà Nội của Nhà xuất bản Trẻ (tổ chức vào quý IV/2022), nhiều tác phẩm từng ghi dấu ấn được nhắc nhớ: Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2007), Làn gió chảy qua (Lê Minh Khuê, giải thưởng Văn học ASEAN 2010), Thành phố đi vắng (Nguyễn Thị Thu Huệ, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012), Kỳ nhân làng Ngọc (Trần Thanh Cảnh, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn, giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ 10-2019)…

Dấu ấn thế hệ còn được nhìn thấy qua các tác phẩm tái bản của các nhà văn Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Hồ Anh Thái… Trong sự tiếp nối, những Đinh Phương, Lê Quang Trạng, Lữ Mai, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang, Trần Đức Tín (Khét)… đã và đang để lại dấu ấn của thế hệ mình trên văn đàn. Các giải thưởng văn học thường niên cũng là điểm tựa cho những tên tuổi bật sáng. Một lực lượng viết đông đảo, cá tính từ giải thưởng Văn học tuổi 20, cùng những gương mặt đầy triển vọng vẫn đang cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa ở khắp mọi miền đất nước.

Dấn bước vào chiều sâu văn hóa

Nhìn lại dòng chảy của văn học Việt thời gian qua, nhà văn Văn Thành Lê nhận định: “Số ít nhà văn đã có thành tựu nhất định vẫn giữ được sức sáng tạo, làm dày thêm dấu ấn của mình với những tác phẩm mới, cho thấy ở họ sự trường sức, không bị hụt hơi. Nhưng ấn tượng nhất với tôi có lẽ là sự xuất hiện chững chạc của một số tác giả thuộc thế hệ 9X - một thế hệ viết mới với ngoại ngữ vững vàng và tư thế chữ của công dân toàn cầu”. 

Khi các nhà văn thế hệ trước đã hoàn thành sứ mệnh của họ, trách nhiệm “ghi chép thời đại” được trao về cho thế hệ trẻ hôm nay. Dù vậy, so với thế hệ trước, tác phẩm của người viết trẻ hiện nay phần nhiều còn mang tính tự sự cá nhân, chưa hoàn toàn vượt thoát khỏi “cái tôi nhỏ bé” để vươn đến những đề tài tầm vóc hơn. Những tác phẩm chứa đựng bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của một vùng đất/cộng đồng vẫn còn thiếu vắng.

Ngoài các tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần…, hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều tác phẩm của người trẻ ra thế giới - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Ngoài các tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần…, hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều tác phẩm của người trẻ ra thế giới - Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Không nhiều cây bút trẻ ý thức và làm được điều này như Lý Hữu Lương với tập thơ Yao viết về văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Dao (giải thưởng Tác giả trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam 2021), Khét (Trần Đức Tín) với các thi phẩm về quê hương và cội nguồn đất Mũi, Lê Quang Trạng với những trang viết đậm hồn cốt, văn hóa vùng đất An Giang và miền Tây Nam Bộ…

“Có nhiều người viết tùy hứng, mang tính chất chia sẻ cảm xúc của bản thân. Chưa nhiều người thật sự ý thức về việc sẽ viết ra một tác phẩm có thể ghi dấu ấn thời đại văn hóa mình đang sống. Muốn làm được điều đó, bản thân tác giả phải xác định rõ giai đoạn cần viết, viết cho ai và về cái gì” - bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks - nhìn nhận. Trên con đường bước ra thế giới, người cầm bút cần có ý thức sáng tạo và trách nhiệm hơn nữa trong việc dấn thân, lựa chọn đề tài đủ tầm vóc, có chiều sâu văn hóa.

Nhà thơ Khét bày tỏ khát vọng lớn nhất của anh trong văn chương là được “đi tận cùng với nó”. Khát vọng sáng tạo và dấn thân của người cầm bút phải chăng nên là được đi tận cùng với tâm hồn mình, để thấu hiểu và yêu thương con người, văn hóa, thời đại mình. 

Lục Diệp

Kỳ sau: Hành trình vươn ra thế giới

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI