Dấu ấn rõ nét của Việt Nam trên trường quốc tế

30/04/2023 - 06:02

PNO - 2023 được dự báo là năm nhiều biến động với nguy cơ suy thoái kinh tế và những bất ổn, xung đột trên toàn cầu. Dù vậy, trong những tháng vừa qua, Việt Nam đã ghi dấu ấn rõ nét với chính sách ngoại giao cởi mở, duy trì nền kinh tế ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn và tăng cường mở cửa chào đón các nhà đầu tư, du khách quốc tế.

Ngày 26/2, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đón du thuyền Spectrum of the Seas mang theo 3.500 khách quốc tịch Anh, Mỹ, Úc… cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Du khách đã tham quan các điểm du lịch ở Vũng Tàu, TPHCM, Mỹ Tho (Tiền Giang) trong 2 ngày - ẢNH: Q.THÁI
Ngày 26/2, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đón du thuyền Spectrum of the Seas mang theo 3.500 khách quốc tịch Anh, Mỹ, Úc… cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Du khách đã tham quan các điểm du lịch ở Vũng Tàu, TPHCM, Mỹ Tho (Tiền Giang) trong 2 ngày - Ảnh: Q.Thái

Những cột mốc ngoại giao

2 năm 2022-2023 chứng kiến một thế giới đầy biến động, phức tạp và khó lường. Kinh tế trì trệ, nguồn vốn đầu tư giảm kèm tình trạng lạm phát cao dẫn đến sự sụp đổ của nhiều chuỗi cung ứng, doanh nghiệp thương mại trên toàn cầu. Trước những khó khăn ấy, Việt Nam đã tăng cường ký kết các văn bản hợp tác quốc tế, kết nối với các đối tác thương mại và đầu tư, tham gia các chương trình đối thoại kinh tế quốc tế đa phương. 

Trong báo cáo tháng 4/2023, công ty phân tích tài chính S&P Global (Mỹ) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 6,5%, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức 6,7%/năm trong giai đoạn 2024-2026. Riêng trong quý I năm 2023, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỉ USD với mức xuất siêu 4,07 tỉ USD. 

Về đối ngoại, Việt Nam đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng như Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025... Năm 2023 cũng đánh dấu nhiều sự kiện kỷ niệm, điển hình là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, Pháp, Ý, Hà Lan, Úc, Bỉ…

Một điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác song phương là việc chạy thử dự án metro số 1 tại TPHCM như biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản để từ đó triển khai hiệu quả các tuyến metro tiếp sau; tạo sự đồng bộ, cải thiện vấn đề giao thông của thành phố. Với nhiều thành quả đóng góp trong quan hệ ngoại giao song phương và đa phương, Việt Nam là cầu nối, cửa ngõ quan trọng cho việc lưu thông kinh tế, đón nhận đầu tư và trao đổi văn hóa giữa các quốc gia phương Tây đến khu vực Đông Nam Á. 

Điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế

Tháng Ba vừa qua, Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đưa phái đoàn doanh nghiệp gặp Thủ tướng Chính phủ để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Ted Osius - nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam - cho biết đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Mỹ tham gia tìm hiểu thị trường Việt Nam với số lượng lớn như vậy, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như Boeing, Lockheed Martin, Apple, SpaceX, Netflix…

Ông nói với Nikkei Asia rằng cộng đồng kinh doanh Mỹ trong chuyến thăm lần này tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam qua kết quả trong vòng 10 năm qua và đây cũng là một thị trường công nghệ cạnh tranh. Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội đầu tư ở những lĩnh vực chưa từng có tiền lệ với Mỹ như hàng không vũ trụ, quốc phòng. Ông cũng cho biết Boeing, Lockheed và Raytheon đã chốt được doanh số bán hàng cho Việt Nam trong chuyến đi tháng Ba. Boeing đã thảo luận được nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam từ quốc phòng, hàng không đến sản xuất.

Tháng Năm năm ngoái, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính tại California và cho biết iPhone đã đạt kỷ lục doanh số bán hàng vào năm trước đó tại Việt Nam. Apple chọn Việt Nam thành nhà sản xuất của công ty sau Trung Quốc. Việt Nam cũng là nước đầu tiên sản xuất MacBook và các thiết bị Apple bên ngoài Trung Quốc.  

“Việt Nam sẽ thu hút vốn kinh doanh từ Indonesia nhiều hơn nữa, nhưng doanh nghiệp Việt cần chủ động đối thoại với các nhà đầu tư” - ông Arsjad Rasjid - Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia (Kadin Indonesia) và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) - chia sẻ trong chuyến thăm TPHCM vào tháng Ba vừa qua. Ông Rasjid cho biết các doanh nghiệp Indonesia đã đầu tư vào Việt Nam 106 dự án với tổng số vốn là 638,9 triệu USD. Việt Nam và Indonesia đều đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN. Do đó, mối quan hệ đối tác bền vững về kinh tế sẽ là công cụ để tăng cường vị thế ASEAN. 

“Các quốc gia ASEAN ngày càng có sự kết nối mạnh mẽ. Sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây đã giúp Đông Nam Á trở thành nơi có động lực tăng trưởng toàn cầu mới. Vì vậy, Việt Nam sẽ trở thành nước dẫn đầu trong vòng tăng trưởng này” - Chat Luangarpa - Phó chủ tịch điều hành Kasikornbank (Thái Lan) - nhận định.

Theo ông, Việt Nam là nơi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao rất mạnh, không chỉ với tư cách là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) mà còn có các sản phẩm thương hiệu nội địa, do đó Việt Nam còn tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển  mạnh mẽ hơn trong tương lai. Tuy phải đối mặt với tình hình kinh tế toàn cầu đang đi xuống,  nhưng theo ông Luangarpa, điều này ảnh hưởng đến tất cả các nước, quốc gia nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng sớm sẽ là nơi có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ông kỳ vọng rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một trong những nơi tuyệt vời nhất để hoạt động kinh doanh.  

Tiến sĩ Daniel Borer - giảng viên Khoa Kinh tế Trường đại học RMIT Việt Nam - khẳng định: bất chấp những khó khăn kinh tế trên thế giới, Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi đây là một trung tâm sản xuất của khu vực. Không những vậy, suy thoái kinh tế trên thế giới thậm chí có thể thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam nhờ lợi thế lao động giá rẻ có thể giúp doanh nghiệp cân bằng lại chi phí đang tăng vọt trên toàn cầu.

Tiến sĩ Borer cho rằng Việt Nam nên ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước trong khu vực ASEAN và RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand) vì lợi ích về thuế quan và lợi thế về địa lý. Đại dịch cho thấy chuỗi cung ứng xuyên đại dương có thể bị phá vỡ dễ dàng như thế nào nên việc tập trung vào khu vực sẽ đảm bảo được tính ổn định của chuỗi cung ứng. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam nên xem nông nghiệp là ngành chủ lực thu hút FDI, đặc biệt là với mảng cà phê và thủy sản.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham Gabor Fluit - cho biết từ trước đến nay, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết đoán trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp thành viên EuroCham cảm thấy tích cực về tương lai nền kinh tế Việt Nam, và luôn mong muốn được tham gia các cuộc đối thoại hữu ích với Chính phủ Việt Nam để cùng nhau vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội phía trước. 

Ấn tượng với ẩm thực Việt

Khi các quốc gia mở cửa sau đại dịch và ngành du lịch quốc tế dần hồi phục, Việt Nam đã mở rộng vòng tay chào đón những người bạn từ phương xa đến. Tính chung quý I/2023, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt. Trong đó, nguồn khách từ châu Á đạt 1,940 triệu lượt, chiếm tỉ trọng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Nhờ lượng khách du lịch khả quan, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 161.100 tỉ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhằm thu hút du khách, ngành du lịch Việt Nam đã liên tiếp tổ chức các sự kiện, hoạt động xúc tiến quảng bá như tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin, ký kết thỏa thuận thúc đẩy phát triển du lịch giữa Sở Du lịch TPHCM với EuroCham…

Ẩm thực Việt Nam cũng dần tạo dấu ấn trong lòng bạn bè bốn phương. Vào tháng Hai, chuyên trang du lịch Traveller (Úc) đã đưa món bánh cuốn Việt Nam vào tốp 10 những món ngon hấp dẫn nhất thế giới và khuyến khích du khách nên nếm thử. Đến tháng Ba, chuyên trang ẩm thực thế giới TasteAtlas đã chọn món bò kho vào vị trí thứ tư trong 10 món hầm ngon nhất thế giới. Chuyên trang này từng đánh giá cao 2 món ăn khác của Việt Nam là bò nhúng giấm và bún chả.

Gần đây, tô canh chua cá của Việt Nam cũng xuất hiện trên bộ phim BEEF của Netflix (Mỹ), khiến nhiều người xem thích thú. Đáng chú ý nhất có lẽ là món bánh mì Việt Nam khi được xếp thứ bảy trong danh sách 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới do TasteAtlas bình chọn, đồng thời cũng giành hạng 5/24 món bánh kẹp ngon nhất thế giới năm 2023 do kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn.

Lễ hội bánh mì Việt Nam lần đầu tổ chức tại TPHCM thu hút hàng ngàn người tham dự, gồm nhiều du khách nước ngoài, càng góp phần nâng cao giá trị của bánh mì Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới.

 Tấn Vĩ - Mỹ Huyền (tổng hợp)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI