Dấu ấn riêng trong dòng chảy 50 năm văn hóa nghệ thuật TPHCM

25/04/2025 - 06:39

PNO - Là đô thị phát triển hiện đại nhưng TPHCM vẫn lưu giữ được sắc màu văn hóa của hầu hết các dân tộc đang cộng cư. Ngoài việc hội tụ các loại hình văn hóa của cả nước, hoạt động văn nghệ của các dân tộc anh em cũng phát triển rất mạnh mẽ.

Dòng chảy đa sắc

Được thành lập từ năm 1993, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số TPHCM không ngừng lớn mạnh. Đến nay, hội đã tập hợp được hơn 300 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội và đơn vị trực thuộc. Cùng với đó là lực lượng đông đảo các nghệ sĩ tự do, nghệ nhân dân gian (các thành viên văn hóa quần chúng tham gia các đoàn lân sư rồng, đội ca kịch, nhạc xã của các hội quán người Hoa, lực lượng biểu diễn tại các quận có đông đồng bào dân tộc thiểu số) đang hoạt động tích cực.

Văn hóa các dân tộc thiểu số hiện diện tại nhiều không gian văn hóa của TPHCM - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Văn hóa các dân tộc thiểu số hiện diện tại nhiều không gian văn hóa của TPHCM - ẢNH: NGỌC TUYẾT

Sự ra đời của Hội VHNT các dân tộc thiểu số TPHCM đã tạo bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn TPHCM. Bà Trương Tứ Muối - Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT các dân tộc thiểu số TPHCM - cho biết, những năm qua, hoạt động vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm và giữ gìn giá trị truyền thống các dân tộc được đặc biệt quan tâm.

Hội VHNT các dân tộc thiểu số TPHCM đã đề cử 10 tác phẩm dự bình chọn 50 tác phẩm VHNT tiêu biểu của TPHCM gồm: các tập thư pháp Nhật ký trong tù (nghệ nhân thư pháp Trần Xuyên chủ biên), Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969-2029 (Nghệ nhân nhân dân Trương Hán Minh chủ biên), 40 năm huy hoàng (nghệ nhân thư pháp Trần Tiên Minh), công trình nghiên cứu Nét đẹp văn hóa của hội quán người Hoa tại TPHCM (Lưu Kim Hoa), tranh thủy mặc Sông Sài Gòn ngày nay (Trương Hán Minh), tuyển tập Việt Nam cẩm tú trong tranh thủy mặc của họa sĩ Trương Hán Minh (Trương Hán Minh), sách văn học Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (tiến sĩ Thanh Pôn - dân tộc Khơ Me), Người Chăm với Bác Hồ (tiến sĩ Phú Văn Hẳn - dân tộc Chăm), vở kịch tiếng Triều Châu Nghĩa tình năm ấy và vở kịch tiếng Quảng Đông Tô Ánh Nguyệt (đoàn ca kịch thống nhất Quảng - Triều).

Điển hình như lĩnh vực mỹ thuật, các triển lãm giới thiệu tác phẩm mới được tổ chức hằng năm, giúp khẳng định và tôn vinh từng đặc trưng: tranh thủy mặc, tranh sơn dầu của họa sĩ người Hoa; tranh tượng, tranh chân dung sơn dầu của nghệ nhân người Chăm; nghệ thuật điêu khắc, sáng tạo mô hình văn hóa vật thể của nghệ nhân người Khơ Me… Đặc biệt, triển lãm chung của 3 dân tộc Chăm, Hoa, Khơ Me dịp kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) hằng năm đã để lại cho công chúng nhiều ấn tượng sâu sắc.

Nhiều năm qua, những công trình: Nhật ký trong tù (sách thư pháp tiếng Hoa), Thơ mới Chợ Lớn, Tản văn Chợ Lớn, Người Chăm với Bác Hồ, Kể chuyện dân gian người Chăm Nam Bộ, Các điệu múa, nhạc cụ, bài hát và nhạc dân gian Khmer - Việt, Vài nét đặc trưng văn hóa dân tộc Khmer TPHCM… đã góp phần tích cực vào đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú của TPHCM và cộng đồng các dân tộc thiểu số cả nước nói chung.

Hòa niềm vui chung

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, TPHCM tổ chức bình chọn 50 tác phẩm VHNT tiêu biểu. “Trong dòng chảy vô số sáng tác của các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số TPHCM 50 năm qua, chúng tôi đã chọn lọc và cân nhắc để đề cử những tác phẩm phản ánh sự đa dạng, độc đáo trong đời sống văn nghệ cộng đồng các dân tộc thiểu số nửa thế kỷ qua. Đồng thời hướng đến những tác phẩm mang tính tập thể và hòa nhập vào đời sống văn nghệ TPHCM” - bà Trương Tứ Muối cho biết.

Vở ca kịch tiếng Triều Châu Nghĩa tình năm ấy kể về những đóng góp của đồng bào người Hoa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Ngọc Tuyết
Vở ca kịch tiếng Triều Châu Nghĩa tình năm ấy kể về những đóng góp của đồng bào người Hoa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Ảnh: Ngọc Tuyết

Trong đó, 2 vở ca kịch Tô Ánh NguyệtNghĩa tình năm ấy không chỉ tiêu biểu cho loại hình ca kịch truyền thống mà cộng đồng người Hoa tại TPHCM đang nỗ lực gìn giữ mà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đặc sắc. “Tô Ánh Nguyệt được chuyển thể từ vở cải lương kinh điển. Hồi mới giải phóng, chính cô Bảy Phùng Há (Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há là nghệ sĩ gốc Hoa - PV) đã hướng dẫn các nghệ sĩ ca kịch Triều Châu và Quảng Đông hát tuồng Tô Ánh Nguyệt Đời cô Lựu” - bà Trương Tứ Muối kể. Còn Nghĩa tình năm ấy là tác phẩm được đầu tư nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Vở kể câu chuyện có thật về đóng góp của cộng đồng người Hoa trong chiến dịch Mậu Thân.

Các công trình còn lại là kết quả của công tác tuyên truyền, hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Các tác phẩm thư pháp như Nhật ký trong tù hay Thực hiện di chúc Bác Hồ được thực hiện với nhiều quyết tâm và được đông đảo công chúng yêu thích vì thơ văn Bác dịch sang tiếng Hoa rất cô đọng, súc tích. Các nghệ sĩ thư pháp càng viết càng tâm đắc. Các trường dạy tiếng Hoa cũng sử dụng các tác phẩm này trong giảng dạy rất hiệu quả” - bà Trương Tứ Muối cho hay.

Các nghệ sĩ dân tộc thiểu số cũng chủ động hòa vào nguồn cảm hứng sáng tác chung. Những năm gần đây, một số họa sĩ người Hoa một mặt giữ gìn truyền thống cổ điển của tranh thủy mặc, mặt khác thể hiện thêm những đề tài mới mẻ như chiến tranh cách mạng, đời sống hiện đại, nông thôn mới…

Nhiều năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Kha Thành Trí Đạt (dân tộc Hoa) theo đuổi đề tài về TPHCM trong những bước chuyển mình đổi mới. Anh nói: “Ghi nhận và giới thiệu những góc ảnh đẹp về TPHCM của chúng ta, chứng kiến nơi này ngày càng phát triển là cách nghệ sĩ chúng tôi đóng góp cho thành phố thân yêu này”.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI