Kể câu chuyện văn hóa Việt với thế giới - Bài 2:

Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre...

13/12/2023 - 06:29

PNO - Hơn 10 năm qua, nhà hát múa rối nước Rồng Vàng của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn là khách quen của Kijimuna Festival - một lễ hội sân khấu thiếu nhi quốc tế được tổ chức 2 năm 1 lần tại Okinawa, Nhật Bản. Các festival như thế này là một kênh truyền thống để sân khấu Việt Nam "xuất ngoại".

LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021).

Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.

Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn

Ấn tượng múa rối nước

Năm 2009, sau cuộc khảo sát các loại hình sân khấu thiếu nhi tại Việt Nam, đặc biệt là rối nước, ban tổ chức Kijimuna Festival đã chọn nhà hát Rồng Vàng. “Họ nói, không khí biểu diễn của chúng tôi sôi động, mang tính lễ hội rất rõ, phù hợp cho khán giả trẻ và thiếu nhi. Festival quy tụ nhiều loại hình sân khấu từ hơn 30 quốc gia và họ bán vé cho khán giả vào xem. Điểm diễn của nhà hát Rồng Vàng lúc nào cũng đông kín khán giả” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ. 

Đông đảo khán giả Đài Loan (Trung Quốc) đến xem nhà hát múa rối nước Rồng Vàng biểu diễn - ẢNH: HUỲNH ANH TUẤN
Đông đảo khán giả Đài Loan (Trung Quốc) đến xem nhà hát múa rối nước Rồng Vàng biểu diễn - Ảnh: Huỳnh Anh Tuấn

Ngoài Kijimuna Festival, nhà hát múa rối nước Rồng Vàng cũng được mời diễn ở một số festival sân khấu quốc tế tại Mỹ, Canada và Đài Loan (Trung Quốc). “Đến đâu, múa rối nước cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả địa phương. Loại hình sân khấu cổ truyền này của chúng ta có lợi thế hơn nhiều bộ môn khác bởi không có rào cản ngôn ngữ và hình thức trình diễn độc đáo định danh văn hóa Việt. Múa rối nước cũng thu hút cả khán giả trẻ con lẫn người lớn - điều không phải loại hình sân khấu nào cũng làm được” - ông Huỳnh Anh Tuấn phân tích.

Năm 1984 theo lời mời của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), 4 loại hình sân khấu truyền thống là rối nước, hát bội (tuồng), chèo và cải lương đã có chuyến lưu diễn Tây Âu đầu tiên. Ở lần đầu “xuất ngoại”, nếu chèo và cải lương chủ yếu thu hút khán giả kiều bào thì các suất diễn múa rối nước đông hơn hẳn, vì khán giả quốc tế nườm nượp đến xem. Báo chí phương Tây cũng dành nhiều lời “có cánh” cho múa rối nước, một thế giới kỳ ảo trên mặt nước của Việt Nam.

Từ đó, múa rối nước trở thành khách quen của nhiều festival nghệ thuật quốc tế và thường được chọn là tiết mục đinh trong chương trình biểu diễn. Trung bình hằng năm, nhà hát múa rối Việt Nam có không dưới 10 chuyến lưu diễn, đưa rối nước đến khắp các châu lục. 

Năm 2008, sau khi xem được một video về múa rối nước, May Mohab - nghệ sĩ thiết kế - tạo hình con rối của nhà hát múa rối Cairo (Ai Cập) - lập tức bị cuốn hút và quyết định chọn múa rối nước Việt Nam làm đề tài luận văn thạc sĩ. Cô đã mất 7 năm để hoàn thành đề tài với vài lần đến Việt Nam “tầm sư học nghệ”. Từ đó, May Mohab cũng trở thành cầu nối giao lưu giữa nghệ thuật rối Việt Nam và Ai Cập, đồng thời ấp ủ ý tưởng đưa múa rối nước về Ai Cập. Năm 2016, nhà hát múa rối Cairo công diễn vở Isis và Osiris - lần đầu tiên câu chuyện thần thoại của người Ai Cập được trình diễn thông qua loại hình múa rối nước độc đáo của Việt Nam.

Nghệ sĩ múa rối Ai Cập May Mohab (quấn khăn) học điều khiển rối nước tại nhà hát múa rối Việt Nam - Nguồn ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam
Nghệ sĩ múa rối Ai Cập May Mohab (quấn khăn) học điều khiển rối nước tại nhà hát múa rối Việt Nam - Nguồn ảnh: Nhà hát múa rối Việt Nam

Các nghệ sĩ biểu diễn đều là người Ai Cập, do May Mohab tuyển chọn và hướng dẫn. Sau Ai Cập, cô và các cộng sự đã đưa múa rối nước Việt Nam đến Maroc, Kenya, Tunisia, Venezuela… và vẫn ấp ủ ý tưởng xây dựng một nhà hát múa rối nước tại Ai Cập.

Hành trình của “xiếc tre Việt Nam”

Năm 2005, vở “xiếc mới” Làng tôi - dự án hợp tác giữa Liên đoàn Xiếc Việt Nam với ê kíp sáng tạo là những nghệ sĩ gốc Việt gồm nghệ sĩ xiếc - đạo diễn Tuấn Lê (Đức), nhạc sĩ Nhất Lý (Pháp) và giảng viên xiếc Nguyễn Lân Maurice (Pháp) - ra mắt trong sự dè dặt, thậm chí có ý kiến cho rằng vở “thiếu chất xiếc”. Thế nhưng đó chính là khởi đầu cho chuỗi show diễn định danh nghệ thuật “xiếc tre Việt Nam” trên trường quốc tế.

Không chấp nhận việc công diễn rồi cất kho như bao dự án giao lưu văn hóa khác, ê kíp đã mất 4 năm chỉnh sửa, đồng thời “chào hàng” Làng tôi với các nhà tổ chức biểu diễn uy tín. Trong đó, Hội đoàn Sân khấu Địa cầu (Pháp) đã nhìn thấy tiềm năng, đầu tư hoàn thiện tác phẩm và “đặt hàng” lưu diễn châu Âu trong 3 năm. Năm 2009, phiên bản mới của Làng tôi - thu gọn các tiết mục và quy mô biểu diễn từ hơn 100 người còn khoảng 20 diễn viên và nhạc công - bắt đầu hành trình ra thế giới và thành công vang dội.

À ố show là vở xiếc tre về văn hóa Nam Bộ, đã có gần 1.200 suất diễn trong và ngoài nước - Ảnh ban tổ chức cung cấp
À ố show là vở xiếc tre về văn hóa Nam Bộ, đã có gần 1.200 suất diễn trong và ngoài nước - Ảnh ban tổ chức cung cấp

Từ hiệu ứng của Làng tôi, À ố showTeh Dar lần lượt ra đời vào năm 2013 và 2016, tiếp tục gây tiếng vang trên trường quốc tế. Trong đó, À ố show là chương trình nghệ thuật Việt Nam lưu diễn thế giới nhiều nhất khi đi qua hơn 50 thành phố ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp các châu lục. Đây cũng là chương trình được TripAdvisor - trang thông tin về du lịch lớn nhất và uy tín hàng đầu thế giới - vinh danh là chương trình biểu diễn xuất sắc nhiều năm liền từ bình chọn của du khách.

Điều gì khiến Làng tôi, À ố Show Teh Dar khác biệt? Trước hết, đó là loại hình “xiếc mới” mà theo đạo diễn Tuấn Lê là xu hướng phát triển chung của nghệ thuật xiếc trên thế giới khi kể chuyện qua ngôn ngữ xiếc cùng nhiều loại hình nghệ thuật, kỹ thuật bổ trợ. Đặc biệt, với đạo diễn Tuấn Lê, cây tre - một biểu tượng văn hóa Việt - không phải là đạo cụ để người diễn lặp lại các động tác quen thuộc mà từ chất liệu tre, con người sáng tạo nên những kỹ thuật xiếc, động tác biểu diễn phù hợp. Những sáng tạo này giúp định hình “nghệ thuật xiếc tre Việt Nam”. 

Cùng với cây tre, văn hóa Việt hiện lên đậm đặc qua trang phục, phối cảnh, cách diễn giải nếp sinh hoạt, đời sống lao động - tinh thần của cư dân bản địa. Nhất là âm nhạc mang âm hưởng vùng miền rõ nét như tiếng đàn đáy trong ca trù Bắc Bộ (Làng tôi), đờn cò trong đờn ca tài tử Nam Bộ (À ố show) hay cồng chiêng Tây Nguyên (Teh Dar).

Đồng hành cùng À ố show từ những ngày đầu, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hải lý giải thành công của À ố show cũng như các chương trình “xiếc tre” này nhờ: sự sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc, được thể hiện qua hình thức biểu diễn hấp dẫn, giúp người xem xuyên biên giới cảm nhận được những giá trị tinh hoa của văn hóa bản địa một cách tự nhiên, thấu hiểu. 

Ninh Lộc

Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc: Cần có chiến lược quốc gia

* Phóng viên: Chúng ta tự hào về một nền sân khấu đa dạng loại hình, đậm đà bản sắc. Nhưng dường như cơ hội đưa sân khấu Việt, ngoại trừ múa rối nước, ra thế giới vẫn còn hiếm?

-Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc: Sân khấu Việt đã tiếp cận khán giả quốc tế qua một số kênh: các dự án hợp tác quốc tế, tham dự các festival sân khấu quốc tế và sân khấu du lịch. Trong đó, dù là hợp tác hay là khách mời tại festival quốc tế đều mang dấu ấn ngoại giao và thường phụ thuộc vào mối quan hệ kết nối được, đôi khi còn là quan hệ cá nhân. Các nhà hát có hoạt động đối ngoại mạnh cũng là khách mời thường xuyên tại các festival quốc tế. Ngay cả những lời mời chung cho “đại diện Việt Nam” thì đầu mối tiếp nhận thường ở trung ương, cơ hội cho sân khấu địa phương càng hẹp hơn. Rõ nhất là dù sân khấu TPHCM nhộn nhịp bậc nhất cả nước nhưng hiếm khi đến được các liên hoan sân khấu ngoài biên giới quốc gia.

Nói chung, việc tổ chức đoàn hát lưu diễn nước ngoài, dù có gói ghém cỡ nào cũng rất tốn kém. Không có tài trợ, rất khó để sân khấu “xuất ngoại”.

* Ông có đề xuất giải pháp nào không?

- Việc giới thiệu văn hóa Việt, trong đó có sân khấu, ra thế giới không thể chỉ là nỗ lực của cá nhân hay tổ chức đơn lẻ nào mà phải là chiến lược quốc gia, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và giải pháp đồng bộ ở tất cả các khâu, từ tất cả các ban ngành. Không chỉ tổ chức biểu diễn quảng bá mà còn phải có bộ phận dịch thuật chuyển ngữ các kịch bản sân khấu kinh điển, các công trình nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu Việt Nam ra các thứ tiếng, cũng như xây dựng kênh truyền thông quảng bá…

* Trong khi chờ đợi một chiến lược đúng tầm thì việc cần làm ngay là gì?

- Nếu sân khấu nào đủ tự tin thì hãy chủ động trong việc giới thiệu mình với thế giới. Không thể chỉ mãi ngồi chờ được mời vì không phải ai cũng biết đến mình mà mời. Chưa đủ tài lực tự chủ để “ra biển” thì hãy chủ động kết nối, tự giới thiệu để trở thành khách mời của các sự kiện giao lưu sân khấu quốc tế đang được tổ chức khắp thế giới.

* Xin cảm ơn ông.

 Đông A (thực hiện)

Kỳ tới: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI