Dấu ấn phụ nữ trong đại thắng mùa xuân

28/04/2025 - 06:26

PNO - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lang ngoáy cơi trầu, đôi mắt mờ đục nhìn ra ngõ vắng: “Hồi đó, cứ độ này là tụi nó ráp về nhà ăn uống, cười nói xôn xao từ đầu ngõ. Có gì ngon, má cũng để dành cho tụi nó. Hòa bình rồi, cả nước vui chung, nhìn lại nhà mình trống huơ trống hoắc”.

Đi cùng đất nước gần trọn thế kỷ, mẹ tự biết mình “nhớ nhớ quên quên”. Thế nhưng, mẹ nhớ như in ngày những đứa con trai hy sinh. Mẹ nghẹn ngào kể: “Cả 2 thằng con của má đều hy sinh năm 22 tuổi. Thằng Hai đi công tác ở Chợ Gạo, bị bắn chết năm 1971, còn thằng Tư hy sinh ngày 28 tháng Chạp, cách ngày độc lập đâu chừng hơn 2 tháng. Địch bắn rồi chặt đầu con trai má, xác nằm dưới Phước Thạnh, còn đầu bị chúng mang về đặt trước ấp Mỹ Phong. Nghe dân về báo, má chạy ra ôm lấy đầu con rồi chạy đi tìm xác”.

Nỗi đau của mẹ Lang là nỗi đau chung của hàng vạn bà mẹ Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Chỉ riêng trên đất thép Củ Chi, đã có 739 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Phụ nữ là một lực lượng góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Họ gánh vác việc nhà, nuôi quân, che chở cán bộ. Họ là những nữ chiến sĩ biệt động, du kích, bộ đội địa phương, cán bộ phụ vận xông pha nơi chiến trường, nằm trong lòng địch. Họ là những cô gái thanh niên xung phong bất chấp bom đạn để giữ mạch máu giao thông. Họ còn là những nhà ngoại giao khéo léo đấu tranh trên bàn đàm phán.

Ngày đất nước thống nhất, những người phụ nữ ấy lại trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục gánh vác những trọng trách mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Họ vượt qua khó khăn, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Họ tất bật chăm lo cho người nghèo, đấu tranh với tệ nạn xã hội, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm công tác chăm lo, tôn vinh người có công với cách mạng; ban hành, bổ sung, chỉnh sửa nhiều chính sách ưu đãi người có công với mục tiêu bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần, có mức sống trung bình khá trở lên. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam.

Tuy nhiên, tri ân những người có công với đất nước không chỉ bằng việc làm tốt công tác chăm lo. Bao thế hệ đã không tiếc máu xương là nhằm giành lấy nền độc lập, tự do cho đất nước, để non sông “được vẻ vang sánh vai với các cường quốc 5 châu”. Vì vậy, việc tham gia xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, một đất nước hùng cường, thịnh vượng chính là sự tri ân có ý nghĩa nhất của thế hệ hôm nay đối với những cống hiến, hy sinh lớn lao của những người đi trước.

Thiên Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI