Phóng viên: Dưới góc nhìn chuyên môn, bà đánh giá thế nào về ngoại giao Việt Nam trong năm qua, thưa bà?
Tiến sĩ Luận Thùy Dương: Có thể nói, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu ngoại giao ở cả góc độ song phương lẫn đa phương. Ở góc độ đa phương, thành tựu nổi bật nhất là chúng ta đã liên tiếp thắng cử và giữ những trọng trách quan trọng. Lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Việt Nam là thành viên Hội đồng Khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật của Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027...
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022 - Ảnh: TTXVN |
Qua việc trúng cử, Việt Nam đã thể hiện rất rõ mình là quốc gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực đối với các lĩnh vực liên quan. Việt Nam đã khẳng định được năng lực, vị thế của mình trong mắt bạn bè quốc tế.
Ở góc độ song phương, trong năm qua, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được Tổng thư ký Liên hiệp quốc đến thăm. Các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng có nhiều chuyến đi nước ngoài. Có thể kể, đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, đoàn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Mỹ, đoàn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm 7 nước EU. Ngoài ra, còn có các đoàn cấp cao của Việt Nam đi Hàn Quốc, Singapore, Indonesia… Các chuyến thăm không chỉ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ mà còn mở ra các lĩnh vực hợp tác mới trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước, tạo ra môi trường hợp tác, hòa bình, ổn định để phát triển.
Việt Nam cũng đã triển khai rất đồng bộ hoạt động đối ngoại nhân dân, từ trung ương tới địa phương. Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác ở cấp địa phương, thúc đẩy hợp tác về nhân dân, từ giáo dục, an sinh, xã hội tới bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… Nói tóm lại, trong năm qua, đối ngoại của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn và đã mang lại những lợi ích, ý nghĩa cụ thể cho đất nước.
|
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ - Nguồn ảnh: Liên hiệp quốc |
* Theo bà, việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hiệp quốc có ý nghĩa như thế nào?
- Đây là kết quả của sự nỗ lực của Đảng, của Chính phủ, của toàn dân và trong đó, có sự đóng góp của ngoại giao Việt Nam. Trong năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Điều này đã cho thế giới thấy, Việt Nam là quốc gia chú trọng an ninh con người. Trong chiến dịch chống COVID-19, Việt Nam thể hiện rất rõ tính nhân quyền, vì sức khỏe, vì lợi ích của nhân dân. Việt Nam được thế giới đánh giá tốt, là một tấm gương trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao đời sống của người dân.
Thêm vào đó, sự tham gia của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc lần thứ nhất đã đạt kết quả tốt, là cơ sở để Việt Nam trúng cử lần tiếp theo. Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc lần thứ hai không chỉ nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam mà còn cho thấy sự tin tưởng của các quốc gia, các thành viên của hội đồng đối với chúng ta.
* Năm 2022, cạnh tranh chiến lược, chạy đua vũ trang giữa một số nước diễn ra vô cùng gay gắt. Đặt trong bối cảnh đó, trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
- Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đang thực hiện theo chính sách “ngoại giao cây tre”, được hiểu là sự linh hoạt, mềm dẻo để phù hợp với từng hoàn cảnh. Nhưng với Việt Nam, chúng ta nhấn mạnh, đây là “ngoại giao cây tre Việt Nam” chứ không phải cây tre nói chung.
|
Tiến sĩ Luận Thùy Dương |
Cây tre Việt Nam không bao giờ đứng một mình mà chúng ta có thành, có lũy. Cây tre Việt Nam có khi là vật liệu xây nhà, dựng cửa, có khi trở thành vũ khí để bảo vệ con người. Nói cách khác, ngoại giao cây tre Việt Nam là “dĩ bất biến ứng vạn biến” và luôn lấy lợi ích của quốc gia, của nhân dân làm gốc chứ không phải hướng đến lợi ích của một ai, một nhóm cá nhân nào.
Chúng ta hợp tác, phát triển nhưng không bỏ qua đấu tranh để kiên trì với mục tiêu bảo vệ lợi ích và chủ quyền của quốc gia. Việc kiên trì đường lối ngoại giao này đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu không chỉ trong năm 2022 mà trong nhiều năm qua, giúp Việt Nam ổn định kinh tế, chính trị để ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.
* Năm 2023, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo bà, ngoại giao của chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức nào và làm sao để vượt qua, tiếp tục đạt những thành tựu quan trọng?
- Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn, biến động. Việt Nam sẽ phải đối diện với 2 thách thức lớn. Trước hết, tình hình thế giới phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ tạo ra sự phân cực, nên việc xác định đối tác sẽ phức tạp hơn. Thứ hai, do COVID-19, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy, tạo ra những khó khăn cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh này sẽ khiến hợp tác quốc tế bị chững lại, ảnh hưởng tới hợp tác đa phương. Đây sẽ là bài toán cần giải quyết.
Theo tôi, dù trong bất cứ tình huống nào, giải pháp chung vẫn là kiên trì nguyên tắc “linh hoạt trong ứng xử, thích ứng trong hành động, cụ thể trong những xung đột”. Chúng ta vẫn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu nhưng đồng thời cũng phải làm sao để lợi ích đó hài hòa với thế giới, hài hòa với lợi ích của khu vực. Từ đó, chúng ta sẽ thêm bạn, bớt thù, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để cùng phát triển.
Huyền Anh