Dấu ấn mới của đường sách

01/04/2025 - 18:17

PNO - Tháng Tư rộn ràng với những ngày ý nghĩa của sách và văn hóa đọc, các đường sách sôi động với nhiều hoạt động thú vị, bổ ích. Nhiều không gian văn hóa đọc sắp khánh thành càng góp phần tô điểm giá trị cho TPHCM.

Nhiều không gian mới dành cho sách

Trong tháng Tư, 3 không gian đường sách và văn hóa đọc mới dự kiến khánh thành tại quận 7, quận Bình Tân và huyện Củ Chi. Đây là cụm công trình ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Xây dựng những không gian đường sách ở các quận, huyện ngoại thành cũng là tâm huyết của các nhà quản lý văn hóa, nhà làm sách nhiều năm qua. Các dự án trên đều được thai nghén nhiều năm trước khi chính thức khởi công.

Đường sách TP Thủ Đức vừa tổ chức chương trình “Sách và Tuổi trẻ hướng về biển đảo”, nhân dịp nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn (phải) ra mắt tập thơ Trái tim của đảo - Nguồn ảnh: Đường sách TP Thủ Đức
Đường sách TP Thủ Đức vừa tổ chức chương trình “Sách và Tuổi trẻ hướng về biển đảo”, nhân dịp nhà thơ, nhà báo Hồ Huy Sơn (phải) ra mắt tập thơ Trái tim của đảo - Nguồn ảnh: Đường sách TP Thủ Đức

Bên cạnh Đường sách TPHCM và Đường sách TP Thủ Đức, người dân các quận huyện vùng ven sẽ có thêm những không gian văn hóa đọc mới, ý nghĩa trong thời gian tới. Ông Trịnh Hữu Anh - Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM - kỳ vọng 3 “tọa độ” không gian đọc mới ở các hướng tây - nam - bắc cùng với Đường sách TP Thủ Đức ở phía đông sẽ tạo nên hệ sinh thái về văn hóa đọc, trong đó Đường sách TPHCM là trung tâm.

Những ngày này, Đường sách TPHCM lẫn Đường sách TP Thủ Đức đều có nhiều hoạt động sôi nổi: giao lưu tác giả - tác phẩm, triển lãm ảnh, chương trình nghệ thuật, các sự kiện truyền cảm hứng về sách và văn hóa đọc… Chiều 30/3, Đường sách TPHCM rộn ràng với buổi ra mắt tập 2 tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục của nhà văn Thảo Trang (Sala Books ấn hành). Tối 1/4 sẽ có đêm nhạc chủ đề “Đồng dao hòa bình”, tưởng nhớ 24 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây cũng là một trong những chương trình định kỳ thường niên thu hút sự quan tâm của công chúng. Các không gian đường sách sẽ còn rộn ràng hơn trong những ngày sách và văn hóa đọc (diễn ra trong tuần lễ từ 14 - 21/4).

Cuối tuần qua, Đường sách TP Thủ Đức đã diễn ra chuỗi sự kiện Róc ra róc rách, với thông điệp “Rối nước kể chuyện ngàn đời”. Chương trình thuộc dự án Nhà của Tễu - dự án văn hóa kết nối và nhấn mạnh giá trị của nghệ thuật múa rối nước với thế hệ Z. Nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức tại đây gồm: triển lãm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và trình diễn vở rối nước Giấc mơ của nàng tiên cá. Trước đó, dự án đã tổ chức workshop “Kết nối kết rối” cho bạn đọc được giao lưu tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống. Chương trình còn cho bạn trẻ thưởng thức các tiết mục đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc…

Đờn ca tài tử, cải lương, kịch nói, hát bội, nghề thủ công… đều được xuất hiện trên sân khấu đường sách. Các sự kiện nghệ thuật được tổ chức ngoài trời thu hút đông đảo khán giả thưởng thức, đặc biệt là các bạn trẻ và thanh thiếu niên. Những sự kiện ý nghĩa kết nối thế hệ, giao hòa các giá trị truyền thống - hiện đại, lan tỏa giá trị và tình yêu dành cho các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM - cho biết: năm 2025, đường sách sẽ hướng đến nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm văn hóa không chỉ cho du khách trong nước mà còn dành cho du khách nước ngoài; đồng thời tổ chức đa dạng hơn nữa các hoạt động giao lưu tác giả - tác phẩm, sách hay - sách quý, các chuyên đề về văn hóa đọc…

Đường sách không chỉ có sách

Những năm qua, Đường sách TPHCM không chỉ có các sự kiện dành cho sách và văn hóa đọc mà còn có rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Từ sách, các sự kiện chủ đề về chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, môi trường được tổ chức dành cho nhiều đối tượng bạn đọc. Đây còn là không gian cho các hoạt động triển lãm tranh, ảnh, giao lưu văn hóa - văn chương với các tỉnh, thành… Không gian sách suốt gần 1 thập niên thu hút bạn đọc nhiều thế hệ, không chỉ người dân trong nước mà ngày càng hấp dẫn du khách nước ngoài.

Chương trình rối nước Róc ra róc rách vừa được tổ chức tại Đường sách TP Thủ Đức.
Chương trình rối nước Róc ra róc rách vừa được tổ chức tại Đường sách TP Thủ Đức.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động Đường sách TPHCM mới đây, ông Lê Hoàng cho hay lượng du khách nước ngoài đến tham quan đường sách tăng 30% so với năm trước. Đường sách TPHCM cũng trở thành 1 trong 50 điểm đến hấp dẫn tại TPHCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2024. Một trong những giá trị đường sách mang lại cho thành phố và công chúng còn là những dấu ấn của các biểu tượng ý nghĩa: hải đăng, cột mốc Trường Sa… cùng những chương trình/hoạt động giáo dục lòng yêu nước, ý thức chủ quyền biển đảo, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường…

Ngay từ khi không gian đường sách đầu tiên được khánh thành, mong muốn của những chuyên gia tâm huyết là hướng không gian văn hóa đọc thành điểm đến cho các gia đình. Sau gần 10 năm hoạt động, Đường sách TPHCM đã mang đến những giá trị tinh thần lớn lao, góp phần tạo dựng và vun bồi những hạt giống thiện lành trong tâm hồn trẻ thơ. Đến thời điểm này, Đường sách TPHCM cùng Đường sách TP Thủ Đức đã trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố. Hy vọng các không gian văn hóa đọc mới sẽ cùng cộng hưởng sức hút và tạo nên những dấu son cho văn hóa đọc của TPHCM.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI