Dấu ấn mới của cô đào Hoàng Vân Anh

28/08/2017 - 18:30

PNO - Cùng với sự nhanh nhạy trong cách khai thác tính cách để tạo sự khác biệt cho nhân vật, khả năng nổi trội khác ở Hoàng Vân Anh còn là sự biểu cảm bằng ánh mắt.

Đảm nhận cùng lúc hai nhân vật ở một vở diễn luôn là một thách thức không nhỏ của diễn viên, nhưng với Hồi xưa biển ngọt (tác giả Hoàng Thái Thanh - Hoa Hiền, cảm tác từ truyện ngắn Chuyện tình bên sông của Việt Khuê, đạo diễn: Ái Như - Sân khấu Hoàng Thái Thanh), vừa ra mắt khán giả, cô đào Hoàng Vân Anh đã vượt qua thách thức đó.

Dau an moi cua co dao Hoang Van Anh

Bún và Nhớ - dấu ấn mới của Hoàng Vân Anh

Là Bún ở phần một của vở diễn để rồi lại hóa thân thành Nhớ - con gái của Bún ở phần hai, hẳn mới nghe, ai cũng nghĩ Hoàng Vân Anh có quá nhiều lợi thế để nhập vai. Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Câu chuyện kịch trải dài trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm, ở một vùng quê ven biển khi Bún, người phụ nữ hiền lành, chân chất, luôn cảm nhận niềm hạnh phúc giản dị bên cạnh chồng con, dù phải sống chung với bà cô chồng cay nghiệt, bị một tai họa đổ ập xuống cuộc đời. 

Nỗi đau không chỉ hạ gục Bún mà còn dai dẳng, đeo bám suốt tuổi thơ của đứa con gái sinh ra và lớn lên trong nỗi bất hạnh. Ngoại hình chính là thử thách đầu tiên Hoàng Vân Anh phải vượt qua, phải làm sao để xóa hình ảnh của Bún trước đó trong mắt khán giả và trở lại tinh khôi với một diện mạo mới; để khán giả tin Bún và Nhớ là hai nhân vật hoàn toàn khác biệt,  là điều không hề đơn giản.

Bún ở Hồi xưa biển ngọt và Hoàng Vân Anh của đời thường, cũng chẳng tìm ra điểm gì liên quan. Thế nhưng Hoàng Vân Anh đã sống với hạnh phúc lẫn nỗi đau của Bún, để khán giả không có chút nghi ngờ gì người đang khóc cười trên sân khấu kia là một phụ nữ quá bất hạnh. 

Dau an moi cua co dao Hoang Van Anh
Hoàng Vân Anh với vai Nhớ

Chọn cho mình lối diễn lặng, thay vì ồn ào với nỗi đau như thường thấy ở nhiều diễn viên trẻ hiện nay, điểm nổi trội nhất ở Hoàng Vân Anh là sự kết hợp nhịp nhàng giữa cảm xúc, lời thoại với từng cử chỉ, hành động… kịch. Không lạm dụng kỹ thuật diễn mà chính là những cảm xúc rất thật của người diễn viên có được bằng sự nhạy cảm của tâm hồn, cộng thêm quá trình luyện tập nghiêm túc, để khi bước lên sân khấu, sống đầy đặn cuộc đời, số phận của nhân vật. 

Vai diễn khá nặng ở hồi một, nhưng chỉ sau vài phút giải lao,  Hoàng Vân Anh từ một thiếu phụ chạm đến tận cùng của nỗi đau chồng phản bội, con chết đuối, xuất hiện trở lại với một “phiên bản” hoàn toàn khác biệt từ tướng đi đến tính cách, suy nghĩ… qua hình hài cô bé 17 tuổi. Cô bé Nhớ - hệt như một đứa con trai bởi từ nhỏ, với cái tướng đi ngông nghênh, đã phải học cách mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, thậm chí sẵn sàng lao vào đánh lộn với đám con trai trong xóm chỉ vì tụi nó dám chế nhạo mình là con “không cha như nhà không nóc”.

Cùng với sự nhanh nhạy trong cách khai thác tính cách để tạo sự khác biệt cho nhân vật, khả năng nổi trội khác ở Hoàng Vân Anh còn là sự biểu cảm bằng ánh mắt. Có sự khác biệt rõ rệt trong ánh mắt của Nhớ và Bún. Dù đang yêu hay đang ở đỉnh cao của hạnh phúc, ánh mắt của Bún vẫn là ánh mắt của người trưởng thành, đã có những trải nghiệm trong cuộc sống. Còn Nhớ, dẫu lớn lên với quá nhiều nỗi buồn và những thiếu thốn cả về tình cảm lẫn vật chất; dẫu bị người trong xóm mắng chửi là “đồ mất dạy”… thì ánh mắt đó vẫn trong veo những ước mơ của tuổi mới lớn, vẫn thấp thoáng ánh nhìn ngơ ngác trước những sự kiện dồn dập xảy ra trong gia đình. 

Dau an moi cua co dao Hoang Van Anh

Bún và Nhớ đều có những nỗi đau, nhưng cách thể hiện nỗi đau của Hoàng Vân Anh với Bún và Nhớ lại rất khác biệt. Nếu ở Bún, đó là nỗi đau lặn sâu trong tâm hồn thì ở Nhớ, sự buồn đau vẫn mang cả nỗi ấm ức, dỗi hờn trẻ con, chỉ chờ được dịp là vỡ oà, tức tưởi. 

Với khán giả “ghiền kịch” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Hoàng Vân Anh bắt đầu tạo được sự chú ý đặc biệt từ vai diễn Thu (vở Không cần đàn ông), cho khán giả nhiều ấn tượng đẹp về một diễn viên trẻ có lối diễn xuất nhiều cảm xúc và khá tinh tế - điều không dễ tìm ở nhiều diễn viên cùng trang lứa. Sau Thu - Hoàng  Vân Anh  tiếp tục ghi dấu với Mận (Tục lụy), Thà (Bao giờ sông cạn), Lan (Lan phải sống), ca sĩ Kim Ly (Buồn ơi chào mi)… và Diễm Thương (Rau răm ở lại) - nhân vật có tính cách hoàn toàn khác biệt so với những gì khán giả vẫn hình dung về Hoàng Vân Anh trước đó.

Lần này, với Bún và Nhớ ở Hồi xưa biển ngọt, Hoàng Vân Anh đã bước thêm một bước rất dài trên con đường mình đang đi. Chặng đường mới đó càng có nhiều ý nghĩa hơn khi ở phần lớn các cảnh diễn, Hoàng Vân Anh không còn được sự “trợ lực” của những bạn diễn giỏi nghề, đồng thời cũng là thầy cô của mình: NSƯT Thành Hội - đạo diễn Ái Như. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI