Tham gia biểu diễn đàn tranh cùng NSƯT Hải Phượng trên sân khấu Dấu ấn huyền thoại, nghệ sĩ trẻ Anh Nguyệt đã rơi nước mắt cảm động khi gửi lời tri ân đến người đã luôn tận tình giảng dạy, truyền nghề và cả niềm đam mê nhạc cụ dân tộc cho bao thế hệ học trò. Thậm chí có lúc trò muốn bỏ cuộc, cô giáo Hải Phượng vẫn kiên nhẫn chỉ dạy từng chút một. NSƯT Hải Phượng nói, chị không chỉ dạy kiến thức, mà còn muốn truyền ngọn lửa trong tim mình cho thế hệ trẻ. Tập đánh đàn không chỉ luyện bằng kỹ thuật, mà còn phải biết thổi vào giai điệu cảm xúc, tâm hồn của chính mình.
Kể về cảm nhận của người nước ngoài đối với đàn tranh, NSƯT Hải Phượng chia sẻ: giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê từng nói rằng, đôi bàn tay của nghệ sĩ đàn tranh, bàn tay phải là để tạo ra âm thanh, bàn tay trái là để nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay trái đi từ trái tim ra, nói lên những buồn vui thương giận, với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Có lần tôi dự liên hoan nghệ thuật quốc tế, đàn dây các nước có Guzheng của Trung Quốc, Koto của Nhật và Kayageum của Hàn Quốc. Một nhà báo quốc tế đã nhận định: khi tất cả những cây đàn giống nhau ở kỹ thuật, cây đàn nào nói lên tiếng nói đặc biệt, giai điệu đặc biệt, bản sắc đặc biệt, thì sẽ không lẫn với cây đàn nào khác. Ông muốn nói đến đàn tranh của Việt Nam. Sự khác biệt ấy chính là tâm hồn của người biểu diễn và bản sắc văn hóa của đất nước họ.
|
NSND Bạch Tuyết độc diễn trích đoạn Hoàng hậu hai vua trên sân khấu Dấu ấn huyền thoại |
Đối với cải lương cũng vậy, NSND Bạch Tuyết không bao giờ quên những lời dặn của má Bảy Phùng Há: “Hồn cải lương chính là hồn dân tộc, cho nên muốn hát cải lương hay, muốn bà con thương, thì lòng con đối với dân tộc, với đất nước như thế nào…”.
Khi cùng trở lại sân khấu Dấu ấn huyền thoại, các nghệ sĩ của một thời đã cùng lan tỏa lửa nghề ấm áp ấy. Rất nhiều năm vắng bóng sân khấu, giọng ca vàng của những thập niên 1980-1990 - danh ca Bảo Yến - trở lại đầy nội lực. Lắng nghe những chia sẻ của chị, mới hiểu vì sao có những ca khúc chị từng hát, sau này chưa có giọng ca trẻ nào có thể sánh được. Bởi vì trong lời ca của Bảo Yến, có sự thấu hiểu từng câu chuyện phía sau bài hát, thấm thía từng câu chữ mà nhạc sĩ gửi gắm. Chị thậm chí đặt mình vào tâm trạng của nhân vật trong ca khúc để tỏ bày, chia sẻ nỗi lòng. Sau hơn 30 năm, Bảo Yến gửi đến khán giả những bài hát từng làm nên tên tuổi chị một thời: Chiều hạ vàng, Đường xưa, Đêm tâm sự, Mắt lệ cho người… vẫn đầy sức mê đắm và rung động.
Sau 28 năm kể từ ngày hát chung vở Đường gươm Nguyên Bá, NSND Thanh Tuấn và nghệ sĩ Cẩm Tiên mới được cùng nhau diễn lại trích đoạn cải lương này trong chương trình Dấu ấn huyền thoại (vừa phát sóng tối 2/6). Khán giả cũng được thưởng thức trích đoạn Nỗi lòng Chu Văn An, với vai diễn Chu Văn An từng mang về cho NSND Thanh Tuấn giải thưởng Diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan cải lương truyền hình toàn quốc năm 2000. NSND Bạch Tuyết cũng đưa khán giả trở về cùng những hồi tưởng của bà thuở mới vào nghề. Giọng ca và khả năng biểu diễn xuất sắc của NSND Bạch Tuyết đã bộc lộ từ khi còn rất nhỏ, lần đầu tiên hát trên đài phát thanh thì được báo chí nhận xét: “Có một con chim lạ bay vào làng nghệ thuật”…
|
Giọng ca của danh ca Bảo Yến vẫn đầy sức mê hoặc với khán giả như cách đây vài thập kỷ trước |
Có những chuyện bây giờ mới kể, có những ký ức buồn vui trong đời và nghề, nụ cười và cả nước mắt cùng những vai diễn mang dấu ấn một thời trở lại với khán giả mộ điệu. Dấu ấn huyền thoại có thời lượng gần hai giờ đồng hồ phát sóng, nhưng sự đan xen phần chia sẻ - biểu diễn sinh động khiến chương trình vẫn thu hút, đong đầy cảm xúc. Ngoài những tiết mục biểu diễn, ca khúc, trích đoạn tác phẩm, điều lắng đọng của chương trình có lẽ còn là những giá trị sống, những triết lý với nghề mà các nghệ sĩ đã trao gửi. Vinh quang một đời nhưng cũng là những gìn giữ một đời của những người đi trước.
Cho đến bây giờ, NSND Bạch Tuyết vẫn nhớ đêm diễn xong vai chính đầu tiên, nhận tiền mà giật mình, vì số tiền quá lớn. Đi hỏi thăm công nhân hậu đài thì thấy khoản thu nhập “cách xa hàng cây số”. Vậy là hát ba đêm thì cô đào chính chỉ lãnh lương hai đêm, còn đêm thứ ba mang chia đều cho những người làm hậu đài. Cho đến bây giờ đi hát, bà cũng ứng xử như vậy. “Má Bảy Phùng Há từng dạy tôi rằng, cái nghề này là nghề tập thể. Trước khi con ra sân khấu có người trang điểm cho con, những công nhân xách từng cái ghế, từng cái đèn rọi sáng cho con, rồi những người đờn… Cái nghề này là công sức của nhiều con người tổng hợp lại với nhau. Con phải luôn ghi nhớ rằng, mỗi khi con được nhận những tràng vỗ tay của khán giả, thì có bao nhiêu người đã cúi xuống để cho con bước lên lưng của họ” - NSND Bạch Tuyết bày tỏ.
|
NSND Thanh Tuấn và NS Cẩm Tiên trong trích đoạn Đường gươm nguyên bá |
Chia sẻ của người đi trước nhẹ nhàng như những giọt nước mát làm đầy lên những giá trị sống. Lắng nghe những bộc bạch chân tình, thiết tha của các nghệ sĩ mới thấy, thao thức chung của họ chính là có được những thế hệ tiếp bước, đam mê và giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Câu chuyện truyền nghề của NSƯT Hải Phượng, mong muốn mở được lớp đào tạo tài năng trẻ của NSND Thanh Tuấn, lời tạ tình với khán giả tri âm qua những bài hát với sự thấu hiểu, thấm thía đến từng ca từ của danh ca Bảo Yến… Tất cả như đang cùng trao gửi những giá trị vô hình, mà sâu sắc. Dấu ấn huyền thoại sẽ còn tiếp tục với các số phát sóng về nghệ sĩ Thanh Hằng, ca sĩ Đình Văn, Ngọc Sơn, Cẩm Vân - Khắc Triệu...
Dấu ấn huyền thoại-NSND Bạch Tuyết:
Lục Diệp