Những năm qua, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đã tạo điều kiện cho phụ nữ dấn thân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết chọn năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”. Ở Việt Nam, phụ nữ ngày càng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, từ người nông dân trên cánh đồng, đến doanh nhân, nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp và đều khẳng định vai trò, vị thế của mình. Bài 1: Nữ nông dân bám đất làm giàu
Bài 2: Hành trình mang nông sản Việt ra thế giới Bài 3: “Nữ nông dân” trong các trường đại học Bài 4: Nữ cán bộ thú y - những “chiến binh” thầm lặng |
Phát triển nông nghiệp đa giá trị
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị. Thời gian qua, ngành không ngừng mở rộng không gian phát triển nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng, mở rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và đặc biệt là du lịch nông nghiệp.
|
Các nữ nông dân ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và IPM của Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM - Ảnh: L.K. |
“Có thể nói, du lịch nông nghiệp rất tiềm năng, tạo được nhiều việc làm cho bà con nông thôn, nhất là phụ nữ. Để phát triển thì chúng ta cần có một tư duy mới về du lịch nông nghiệp, mặc dù nguồn thu không quá lớn nhưng đây là sức sống của cộng đồng và là bản sắc văn hóa của từng địa phương” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Chia sẻ thông tin tại diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp”, bà Vũ Thị Phương Lan - Chủ tịch Công đoàn Bộ NN-PTNT - cho biết, hiện nay, tại các khu vực nông thôn, khoảng 80% phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 39% chủ thể OCOP là nữ. “Để nâng cao vai trò phụ nữ trong nông nghiệp, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường; đẩy mạnh việc tập huấn đào tạo, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để mỗi người phụ nữ đều có cơ hội tham gia đóng góp vào sự phát triển chung” - bà Phương Lan gợi ý.
Ông Võ Ngọc Đẹp - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM - cho rằng, để thúc đẩy người dân nói chung và phụ nữ nói riêng tham gia lĩnh vực nông nghiệp, điều đầu tiên cần làm là nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành. Khi hiệu quả kinh tế cao thì người dân sẽ tham gia. Ông Đẹp nói: “Chúng ta đang trong thời kỳ cách mạng 4.0, khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp không có nghĩa là khuyến khích họ đi trồng lúa, trồng rau, trồng mì… Điều cần là thúc đẩy phụ nữ tham gia nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp, khoa học nông nghiệp. Chúng ta có lực lượng phụ nữ sản xuất nông nghiệp đông nhưng lực lượng tham gia vào quản lý, nghiên cứu về nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn”.
Ông Đẹp gợi ý, thúc đẩy vai trò phụ nữ nông thôn vào lĩnh vực nông nghiệp là hướng họ đến mô hình du lịch nông nghiệp. Với phụ nữ ở đô thị thì hướng họ vào nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.
Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhân lực trẻ
Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, thành phố có hơn 20.200 lao động nữ ở lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn có 26/98 HTX nông nghiệp do phụ nữ quản lý, điều hành. Những năm qua, TPHCM đã mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật về nông nghiệp như: trồng và chăm sóc hoa lan, cây kiểng, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật nuôi heo, bò, tôm, cá; sơ chế, đóng gói sản phẩm rau quả VietGAP…
|
Các lao động nữ đang thực hiện các khâu để đóng gói chuối xuất khẩu tại một nhà máy ở tỉnh An Giang - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là số lượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ tham gia vào đào tạo, hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng ít. Theo thống kê, những khóa đào tạo nghề liên quan đến nông nghiệp trên địa bàn chỉ thu hút khoảng 35% phụ nữ tham gia. Năm ngoái, trong số 4.495 lao động tham gia đào tạo nghề về nông nghiệp chỉ có 1.600 phụ nữ. Tại Trường trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TPHCM cũng chỉ có khoảng 20% học sinh là nữ.
Ông Võ Ngọc Đẹp đánh giá, hiện nay, không chỉ tại TPHCM mà rất nhiều vùng nông nghiệp khác, lực lượng sản xuất đều là nông dân lớn tuổi. Ngay cả các lớp đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực nông nghiệp, lực lượng tham gia cũng là những người lớn tuổi, rất khó ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Cũng theo ông Võ Ngọc Đẹp, để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực nông nghiệp thì cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo và chính sách thu hút nhân lực trẻ; khuyến khích, hỗ trợ vốn vay cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - cũng cho rằng, hiện nay, lực lượng lao động nữ trên địa bàn TPHCM và các tỉnh khá đông, nhưng lại thiếu lực lượng lãnh đạo HTX, biết tổ chức sản xuất, am hiểu kinh doanh và làm nông nghiệp hiện đại. Lực lượng này có vai trò rất quan trọng vì họ sẽ trực tiếp quản lý điều hành các HTX và góp phần vào việc phát triển nông nghiệp địa phương.
“Chúng ta không nên dừng lại ở việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn mà cần phải đào tạo cán bộ có chuyên môn, cán bộ cho các HTX. Cần tạo điều kiện cho người trẻ đi học làm nông nghiệp công nghệ cao, sau đó bố trí họ làm cán bộ, chuyên viên kỹ thuật ở các HTX theo chuyên ngành đã học” - ông Phạm Chánh Trực chia sẻ.
Cần chiến lược phát triển đúng 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại lớn do mưa lũ và bão nhưng tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn được duy trì và tiếp tục tăng. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 46,28 tỉ USD, tăng 21%; nhập khẩu 32,42 tỉ USD, tăng 7,5%; xuất siêu 13,86 tỉ USD, tăng 71,2%. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ NN-PTNT, các địa phương, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động chế biến và xuất khẩu, tích cực sản xuất của bà con nông dân, trong đó có đóng góp của nhiều chị em phụ nữ. Kết quả trên còn cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu của ngành nông nghiệp là đúng hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Việc thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã được lan tỏa ra nhiều địa phương… Hiện nay, chúng ta đã có chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Chiến lược cũng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó có phụ nữ; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan |
Nhiều hoạt động nhằm trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố năm 2026 là Năm quốc tế nữ nông dân và kêu gọi toàn thế giới cùng hưởng ứng. Các hoạt động hưởng ứng sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính sách giải quyết những khó khăn, thách thức mà phụ nữ làm nghề nông gặp phải trong các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm; tôn vinh những sáng kiến, chính sách và hành động hướng tới cũng như đang được thực hiện để giải quyết các vấn đề nêu trên, qua đó đạt được mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực nông nghiệp… Việt Nam là một trong những thành viên thuộc nhóm nòng cốt khởi xướng đề xuất nghị quyết nêu trên. Hưởng ứng nghị quyết của Liên hiệp quốc, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị quốc tế tổ chức “Chương trình Năm quốc tế nữ nông dân” tại Việt Nam. |
Huỳnh Lợi - Sơn Vinh