Dấu ấn của phụ nữ Việt trên lĩnh vực nông nghiệp - Bài 4: Nữ cán bộ thú y - những “chiến binh” thầm lặng

26/11/2024 - 06:02

PNO - Dù mức phụ cấp ít ỏi so với công sức bỏ ra, song chưa bao giờ các nữ cán bộ thú y lơ là hay ngao ngán công tác chuyên môn.

Những năm qua, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đã tạo điều kiện cho phụ nữ dấn thân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tháng 5/2024, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết chọn năm 2026 là “Năm quốc tế nữ nông dân”.

Ở Việt Nam, phụ nữ ngày càng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, từ người nông dân trên cánh đồng, đến doanh nhân, nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp và đều khẳng định vai trò, vị thế của mình.

Bài 1: Nữ nông dân bám đất làm giàu

Bài 2: Hành trình mang nông sản Việt ra thế giới

Bài 3: “Nữ nông dân” trong các trường đại học

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng chia sẻ rằng, khi chưa về bộ, ông chỉ nghĩ ngành thú y là chữa bệnh cho heo… Đến khi về bộ, ông mới biết ngành thú y phải lặn lội từ Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, nào động vật trên cạn, động vật dưới nước. Ông cũng từng theo chân các cán bộ thú y đi chống dịch và thấu hiểu nỗi vất vả, hy sinh của họ.

Đảm nhiệm tất tần tật công việc liên quan đến vật nuôi

Hằng ngày, bà Lê Thị Hằng cùng các cán bộ thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thường Tín, TP Hà Nội thay nhau có mặt ở chợ gia cầm Hà Vỹ từ nửa đêm. 0g, xe tải lớn nhỏ chở gia cầm từ những trang trại chăn nuôi khắp các tỉnh nườm nượp đổ về chợ.

Thông qua giấy kiểm dịch, trung bình mỗi ngày chợ tiếp nhận khoảng 20.000 con gia cầm từ các huyện của TP Hà Nội và từ các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên… 60% lượng gia cầm này sẽ đưa đi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô, phần còn lại phân phối về một số tỉnh lân cận.

Bà Lê Thị Hằng kiểm tra giấy kiểm dịch trước khi gia cầm vào chợ Hà Vỹ - ẢNH: N.N
Bà Lê Thị Hằng kiểm tra giấy kiểm dịch trước khi gia cầm vào chợ Hà Vỹ - Ảnh: N.N

Vì thế, các cán bộ thú y và lực lượng liên ngành luôn phải túc trực để kiểm tra hóa đơn, chứng từ, khử khuẩn cho gia cầm trước khi vào chợ nhằm đảm bảo an toàn và ngăn ngừa gia cầm nhập lậu.

Những đợt xuất hiện dịch cúm gia cầm, công việc của bà Hằng cùng đồng nghiệp sẽ tăng lên gấp bội: thường xuyên khử khuẩn tất cả các ki-ốt trong chợ; kiểm tra đảm bảo vệ sinh xung quanh chợ; tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương thực hiện các quy định phòng, chống dịch; cùng cán bộ thú y cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình phòng, chống dịch ở các trại chăn nuôi, nông hộ; kiểm tra hoạt động giết mổ gia cầm và gia súc trên địa bàn…

Bà Nguyễn Thị Hiền là cán bộ thú y xã Phú Nghĩa - một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, có lượng gia cầm, gia súc khá lớn. Ngoài kiểm soát sức khỏe của các đàn gà, vịt, heo, bò… bà Hiền còn phải kiểm tra hoạt động giết mổ trên địa bàn xã. Rất nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác ở các chợ dân sinh, trong các làng, nên từ sáng sớm, cán bộ thú y cơ sở như bà đã phải “chạy”. Nhưng không phải chỗ nào bà cũng nhận được sự hợp tác.

“Nhiều nơi, cứ thấy mình đến là họ phản ứng. Hầu hết đều là người cùng làng, cùng xã, nên chúng tôi cố gắng giải thích cho bà con hiểu - giết mổ không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, chưa kể còn ảnh hưởng trực tiếp đến chính người giết mổ” - bà Hiền kể.

Thái Bình là một trong những tỉnh phát triển chăn nuôi rất mạnh của miền Bắc, nên những cán bộ thú y cơ sở như bà Đặng Thị Chiến (huyện Vũ Thư) luôn bận bịu. Ngoài 60 tuổi với mấy chục năm gắn bó công tác thú y của địa phương, mỗi đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, bà Chiến đều xăng xái, một mình một xe máy rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm. Mỗi đợt tiêm là giờ giấc làm việc của bà lại “loạn nhịp” so với thường ngày. Bà chia sẻ: “Vì các gia đình chủ yếu làm nông, ban ngày họ ra ruộng đồng, nên mình phải tranh thủ lúc sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều tối mới tiêm được”.

Vừa rồi bệnh dại xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng người dân chưa có thói quen, cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Thế là những cán bộ thú y cơ sở như bà Chiến lại cùng chính quyền xuất quân vận động, tuyên truyền.

Bà Chiến cho biết: “Tiêm phòng cho chó, mèo cực hơn tiêm cho gà, vịt, bò, heo. Vì chó, mèo quen thả rông, nên khi muốn bắt giữ để tiêm không dễ. Có nhà chúng tôi phải trở đi trở lại mấy lần mới tiêm được”.

Vì trách nhiệm với bà con, thôn bản

Trên địa bàn bà Chiến phụ trách, chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, gia trại không nhiều, đa số là các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ từ vài chục đến vài trăm con, hoặc nuôi 10-15 con để phục vụ cuộc sống gia đình, nên kiến thức chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh hầu như không có.

Bà Đặng Thị Chiến (trái) hướng dẫn người dân chăm sóc đàn heo - ẢNH: T.D.
Bà Đặng Thị Chiến (trái) hướng dẫn người dân chăm sóc đàn heo - Ảnh: T.D.

Vậy nên, mỗi khi dịch cúm gia cầm xuất hiện là bà Chiến cùng các nhân viên thú y phải tuyên truyền, hướng dẫn việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc vật nuôi; phối hợp thôn để thường xuyên theo dõi, cập nhật, nắm bắt sức khỏe đàn gia cầm, gia súc của từng hộ để có những ứng phó kịp thời. Nghe nhà ai có vịt bệnh, gà rù, heo bỏ ăn… là bà Chiến mặc đồ bảo hộ, xỏ ủng đến ngay.

“Cũng mừng là sau những đợt dịch bệnh, ý thức phòng ngừa cũng như sự chủ động vào cuộc của bà con đã cao hơn. Nhờ đó, những cán bộ thú y cơ sở chúng tôi đỡ vất vả hơn” - bà Chiến nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền tâm sự: “Đặc thù công việc là phải thức khuya dậy sớm, đi lại đêm hôm, dân thông báo tình hình vật nuôi lúc nào là có mặt lúc đó, nên thời gian dành cho bản thân cũng như gia đình rất hạn chế. Với nữ thú y cơ sở như chúng tôi, nói đó là sự hy sinh vì công việc, vì sức khỏe cộng đồng cũng đúng, mà nói đó là thiếu sót trong vai trò làm vợ, làm mẹ cũng không sai. Vì nhiều khi con cái đau bệnh mà vẫn không thể dứt công việc để về với con. Đợt phải ứng phó với dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm, vừa phải ứng phó với dịch COVID-19, chúng tôi đi chống dịch từ sáng sớm đến tối rồi ở lại chốt chứ không dám về nhà, vì sợ không may lây cho gia đình, con cái. Cũng may là chúng tôi có được sự cảm thông, chia sẻ từ người thân nên mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.

2 tháng nay, kể từ khi dịch tả châu Phi tấn công mấy đàn heo ở thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chị em cán bộ thú y Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Hiên ở Trạm Thú y huyện Bắc Mê phải dồn sức ứng phó. Suốt nhiều ngày, các chị tập trung lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, cùng các cơ quan chức năng tiêu hủy số heo bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi tại các hộ gia đình có dịch; tuyên truyền và hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra, họ còn cùng cán bộ thú y thị trấn giúp các hộ chăn nuôi tiêm phòng cho đàn heo, túc trực 24/24 tại chốt kiểm soát...

Ở các xã Yên Định, Minh Ngọc, Thượng Tân… của huyện Bắc Mê, các trưởng ban thú y Nông Thị Thời, Lã Thị Lệ, Nông Thị Nguyết… luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Nhiều năm qua, bất kể nắng mưa, sớm tối, địa hình… các chị xuống từng thôn bản để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm cũng như hướng dẫn người dân chăn nuôi, chăm sóc để đạt hiệu quả cao, góp phần cùng bà con xóa đói giảm nghèo.

Đã nhiều năm cán bộ thú y cơ sở không có lương, chỉ có phụ cấp hằng tháng (bằng khoảng 1 tháng lương cơ sở) và được đóng bảo hiểm xã hội. Mức phụ cấp này chỉ đủ tiền xăng xe đi lại tiêm phòng, kiểm tra, hướng dẫn, trong khi các bà, các chị đều được đào tạo bài bản, đa số có trình độ trung cấp trở lên. Lương thấp, không đủ cho những chi phí sinh hoạt tối thiểu đã và đang khiến nhiều địa phương đối mặt với tình trạng không có cán bộ thú y, vì bỏ nghề.

Năm 2023, riêng tỉnh Thanh Hóa có 70 phường, xã không còn cán bộ thú y. Tháng Bảy vừa qua, khi đi thăm cán bộ thú y ở khu vực cửa khẩu và chứng kiến môi trường làm việc vắng vẻ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trăn trở: chế độ chính sách là một chuyện, song cũng rất cần sự quan tâm của lãnh đạo bộ, Cục Thú y đối với cán bộ thú y, nhất là cán bộ thú y ở vùng sâu, vùng xa, để động viên tinh thần, giúp anh chị em bớt đi những mặc cảm…

Với nữ cán bộ thú y, ngoài thu nhập thấp còn là thời gian chăm sóc con cái, gia đình chẳng thể vẹn tròn. Có mặc cảm, có chạnh lòng mỗi khi nhắc đến mức phụ cấp ít ỏi so với công sức bỏ ra, song chưa bao giờ các chị lơ là hay ngao ngán công tác chuyên môn. Nói như chị Nguyễn Thị Hằng - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Mê - những “chiến binh” thầm lặng ấy vẫn neo lại được với nghề chỉ bởi lòng nhiệt tình và trách nhiệm với bà con, thôn bản.

Ngọc Minh Tâm

Kỳ cuối: Nâng cao giá trị nông sản, giúp phụ nữ làm giàu từ nông nghiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI