Xóa dần tư tưởng “ly nông”
Xuất thân từ một gia đình thuần nông tại thủ phủ hoa - thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - thiên nhiên, cây cỏ dường như gắn liền với tuổi thơ của tiến sĩ Phan Đặng Thái Phương - giảng viên chuyên ngành chọn tạo giống cây trồng, Khoa Khoa học sinh học, Trường đại học Nông Lâm TPHCM.
Tuổi thơ, cô thường phụ giúp cha mẹ cuốc đất, trồng hoa, trải qua những năm tháng mất mùa, mất giá, nên hiểu rõ nỗi cực khổ của người nông dân. Lúc chuẩn bị vào đại học, khái niệm “ly nông” xuất hiện, giới trẻ có xu hướng đi theo những ngành nghề có tính chất thời thượng và công nghệ. Nhưng do kinh tế gia đình khó khăn, cô Thái Phương quyết định theo học ngành nông nghiệp tại Trường đại học Nông Lâm TPHCM để phát triển mô hình canh tác nông nghiệp sẵn có.
|
Tiến sĩ Phan Đặng Thái Phương (trái) giới thiệu giống khổ qua lai F1 NLU 1022 với hội khuyến nông và bà con nông dân |
Không lâu sau, cô trở về thực tập tại các nông trại trồng hoa ngay trên quê hương Đà Lạt. Từ chuyến đi, cô đặt ra câu hỏi: tại sao cùng một giống hoa hồng BB, gia đình cô trồng thì chất lượng hoa không đồng đều, nhiều sâu bệnh, giá bán thấp, còn những luống hoa ở nông trại thì đều tăm tắp, thân lá to khỏe, màu sắc rực rỡ, giá bán rất cao?
“Lúc ấy, tôi mới vỡ lẽ, không phải mất mùa hay thị trường không ổn định làm cho nông nghiệp khó khăn, mà là nông nghiệp không có sự hỗ trợ của kiến thức và kỹ thuật thì khó phát triển tốt. Ở nông trại, hoa được trồng theo kỹ thuật, quản lý tưới tiêu, phân bón bằng máy móc, còn mình chỉ trồng theo kinh nghiệm thì không thể bằng họ” - cô Phan Đặng Thái Phương quả quyết.
Sau đó, cô trở về nhà và tự tin mình sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho kinh tế gia đình. Trên mảnh đất nhỏ, cô trồng thật nhiều hoa hồng gốc dại rồi ghép với một giống hoa hồng khác. Trái với mong đợi của cô, qua một vụ hè, hơn 80% mắt ghép héo úa. Không bỏ cuộc, cô lại chiết ngó dâu tây rồi giâm thành cây con để tiết kiệm tiền đầu tư cây giống. Nhưng cô lại thất bại vì lấy ngó quá non. Vài lần như thế, cô mới nhận ra: thực tiễn còn nhiều khó khăn, nếu không dấn thân, trải nghiệm sẽ khó thành công.
Năm 2004, cô Phan Đặng Thái Phương tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư nông nghiệp và được trường cử đi học sau đại học tại Nhật Bản ở lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng. Nhiệm vụ chính của khóa học là lai tạo ra các giống lúa mới, ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu. Tại đây, cô được học nhiều về kỹ thuật công nghệ sinh học trong nghiên cứu di truyền chọn tạo giống cây trồng.
Tất nhiên, quá trình chọn tạo giống mới không phải ngày một, ngày hai, cũng không phải chỉ dựa trên các thí nghiệm trong phòng, nữ kỹ sư phải thực hiện nhiều chuyến học tập thực tế ở nhiều địa phương, đắm mình trong sự biến đổi của thời tiết để kiểm tra sức chịu đựng của giống cây. Niềm vui của cô là hình ảnh những thân cây bị bệnh dần khỏe mạnh dưới sự chăm sóc của mình, sự động viên và chia sẻ kinh nghiệm của những người nông dân dành cho cô.
Năm 2014, nhận thấy quỹ gen khổ qua bản địa, hoang dã tuy năng suất quả không cao, dạng quả không được ưa thích, nhưng thích ứng rất tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, cô đã kết hợp quỹ gen này với những giống khổ qua có năng suất cao trên thị trường. Để chứng minh sản phẩm đáp ứng được cả về năng suất và chất lượng, cô đã đồng hành xuyên suốt cùng nhà nông trong quá trình trồng cây; cùng cộng sự tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ kết hợp trồng trình diễn tại huyện Củ Chi (TPHCM), huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), từ đó ghi nhận những nhận xét, đánh giá tích cực từ bà con nông dân.
Theo đó, giống khổ qua mới được cho là khá triển vọng với khả năng sinh trưởng khỏe, phân cành nhánh mạnh, năng suất và kích thước quả vừa, quả có màu xanh vừa và bóng. Năm 2024, giống khổ qua/mướp đắng NLU 0122 đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, chủ bằng là Sở Khoa học công nghệ TPHCM, tác giả là nữ tiến sĩ Phan Đặng Thái Phương.
“Lai tạo thành công giống khổ qua cho tôi động lực, cũng như kinh nghiệm để tiếp tục phát triển những giống cây mới, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Nông nghiệp không đem lại lợi ích trước mắt mà cần có sự kiên trì, bền bỉ để đạt được mục tiêu. Tôi muốn truyền tải những điều này đến sinh viên, cũng như xã hội để dần xóa bỏ tư tưởng “ly nông”, để nông nghiệp ngày càng phát triển” - nữ tiến sĩ chia sẻ.
Phát huy giá trị cây thuốc quý
Công tác cùng khoa với tiến sĩ Phan Đặng Thái Phương, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Lệ Minh - Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - cũng là một nữ chuyên gia được nhiều người nể trọng. Có cha mẹ từng là giảng viên ngành nông nghiệp của Trường đại học Nông Lâm TPHCM, nên từ bé, cô Lệ Minh đã được định hướng theo nghề truyền thống của gia đình và theo học đại học tại Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm TPHCM.
Nhờ năng lực chuyên ngành, khả năng ngôn ngữ tốt nên sau khi tốt nghiệp, cô được cử đi học thạc sĩ tại Pháp. Đây cũng là dịp để cô tìm hiểu về cây dược liệu, tiến hành các nghiên cứu về những hoạt chất trị bệnh có trong cây, đồng thời học cách ứng dụng kỹ thuật để trồng những loài cây này trong nông nghiệp.
|
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Lệ Minh (hàng trước, bên trái) đang hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm |
Khi tìm hiểu chuyên sâu, cô mới biết Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, nhất là nguồn cây dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức mà không chú ý bảo vệ, tái sinh, đã làm cho số lượng cây thuốc tự nhiên suy giảm nghiêm trọng. Theo danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam (2019), có 87 loài đang nguy cấp, trong khi nền y tế vẫn tồn tại song song 2 lĩnh vực tây y và y học cổ truyền.
Một trong những khó khăn của việc phát triển cây dược liệu là sự thay đổi về hàm lượng hoạt chất trong cây ở những điều kiện khác nhau. Cây trồng trong mùa mưa có hàm lượng khác trồng trong mùa khô. Thời điểm thu hoạch, phương pháp trồng cũng ảnh hưởng đến khả năng thu nhận hoạt chất, dẫn tới sự phức tạp trong việc sản xuất và sử dụng thuốc.
“Cây dược liệu có nhiều cái hay, cái quý, khiến tôi đam mê. Thay vì thu hái trong rừng, dẫn đến những ảnh hưởng về sinh thái, sao chúng ta không trồng chúng từ những cây non được nhân giống nhờ kỹ thuật hiện đại?” - phó giáo sư Trần Thị Lệ Minh đặt vấn đề. Tuy nhiên, những loài dược liệu cần được đặt đúng môi trường thì mới có thể phát triển tốt. Do đó, việc trồng cây dược liệu cần phải nghiên cứu về thuộc tính của cây, có biện pháp kích thích để tăng hoạt chất cho cây.
Trong thời gian qua, cô Lệ Minh đã và đang nghiên cứu, trồng nhiều loại cây dược liệu, trong đó có cây bạc hà đã được trồng đại trà thành công và phát triển thành 2 sản phẩm là trà bạc hà và thuốc ngâm chân bạc hà. “Ban đầu, tôi cũng nghĩ cây bạc hà bình thường vì ở đâu cũng nghe về nó. Nhưng khi tìm hiểu thì biết được tinh dầu chiết xuất từ bạc hà có giá thành rất cao, nhu cầu sử dụng lá bạc hà tươi cũng rất nhiều. Khi trồng cây thành công, cây sẽ trở thành mô hình để áp dụng cho những loại cây khác. Ai có nhu cầu cũng có thể học theo để trồng” - cô Lệ Minh bày tỏ.
Không dừng lại ở việc bảo vệ thiên nhiên, tâm nguyện lớn nhất của nữ phó giáo sư còn là chuẩn hóa được hoạt chất có trong cây dược liệu. Khi đầu ra sản phẩm đồng đều, kết hợp với thiết bị máy móc hiện đại, ngành y tế có thể dễ dàng tạo ra những bài thuốc y học cổ truyền tiện lợi và hiệu quả hơn.
“Mọi nghiên cứu vẫn nằm ở quy mô phòng thí nghiệm. Tôi hy vọng có thêm sự hợp tác của các công ty và các chính sách của Nhà nước để người dân tự tin trồng cây dược liệu trong nông nghiệp. Riêng tôi vẫn sẽ miệt mài trong việc tìm cách trồng những giống cây quý hiếm, vừa bảo vệ môi trường, vừa cải thiện đời sống người dân” - cô Trần Thị Lệ Minh nhấn mạnh.
Trang Thư
Kỳ tới: Nữ cán bộ thú y - những “chiến binh” thầm lặng