Dấu ấn của phụ nữ Việt trên lĩnh vực nông nghiệp - Bài 2: Hành trình mang nông sản Việt ra thế giới

21/11/2024 - 06:19

PNO - Nhiều loại cây trái bao đời chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng đã trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.

Mang "cây nhà quê" ra quốc tế

Sinh ra và lớn lên ở Tri Tôn, An Giang, vùng đất nổi tiếng với cây thốt nốt - loài cây tạo nên nghề lấy mật nấu đường thốt nốt nổi tiếng của đồng bào Khơ Me, chị Châu Ngọc Dịu day dứt chứng kiến nghề truyền thống đang dần mai một, thậm chí phá sản bởi không cạnh tranh nổi với các sản phẩm đường mía tinh luyện; thu nhập từ cây thốt nốt ngày càng giảm do giá thu mua sản phẩm ngày càng thấp…

Vì vậy, năm 2017, chị Ngọc Dịu và 2 người bạn quyết định thành lập Công ty Palmania, khởi nghiệp bằng chính nghề làm đường thốt nốt truyền thống trên quê hương mình.

Nhà xưởng Palmania chỉ rộng 60m2, nhưng trang bị máy móc hiện đại, quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đến chế biến, đóng gói, đưa ra thị trường… đều rất nghiêm ngặt. Sản phẩm thuần tự nhiên lại xuất hiện đúng thời điểm phong trào “ăn lành, sống mạnh” lên cao nên nhanh chóng được thị trường đón nhận.

Sau vài năm, đường thốt nốt Palmania đã được phân phối tại 12 tỉnh, thành phố, với hơn 37 điểm bán hàng trên cả nước, các cửa hàng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch cũng như trên các trang bán hàng online. Ngoài thị trường nội địa, công ty cũng đang xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Hà Lan với doanh thu mỗi năm khoảng 100.000 USD.

Cũng với suy nghĩ “biến những thứ quen thành lạ” như bột matcha Nhật Bản, năm 2016, cô gái trẻ quê ở Quảng Ngãi tên Nguyễn Ngọc Hương đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ… bột rau má. Kinh nghiệm làm việc trong công ty chế biến bột rau nông sản nhiều năm đã giúp Ngọc Hương không mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định khởi nghiệp từ những loại cây nhà lá vườn.

Ngọc Hương huy động của nhóm cộng sự được khoảng 300 triệu đồng và thành lập Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt đồng thời bắt tay lập trang trại trồng rau má nguyên liệu tại Củ Chi, TPHCM. Mất hơn 1 năm trang trại mới cung cấp được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho sản xuất.

Sau khi có được nguyên liệu ưng ý, mọi thứ tiếp diễn như kịch bản được viết sẵn. Rau má được sấy bằng công nghệ sấy lạnh tiệt trùng trước khi đưa đi nghiền thành bột nên có chất lượng y hệt rau tươi. Sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận, nhóm của Ngọc Hương may mắn được chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - Speed Up của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM hỗ trợ vốn.

Đến năm 2019, nhóm đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 và cũng trong năm này Thiên Nhiên Việt đã xuất hơn 10.000 sản phẩm bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây… trị giá hàng trăm triệu đồng sang Hà Lan. Đến đầu năm 2024, Công ty Thiên Nhiên Việt đang có 6 sản phẩm gồm bột rau má, bột diếp cá, bột chùm ngây, rau má uống liền… Những sản phẩm này đều đạt chứng nhận OCOP của TPHCM và được phân phối rộng rãi ở các siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra...

Chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp của những người phụ nữ dường như luôn có sự thôi thúc từ bên trong. Chị Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo, người đồng sáng lập thương hiệu Alluvia Chocolatier - sau nhiều năm sinh sống, làm việc ở nước ngoài, cũng bất ngờ trở về quê hương Tiền Giang khởi nghiệp bằng sản phẩm từ trái ca cao của quê hương mình.

Chị Nguyễn Ngọc Điệp giới thiệu các sản phẩm sô-cô-la “made in Vietnam” tại cửa hàng của Alluvia Chocolatier đặt tại quận 1, TPHCM - ẢNH: MAI CA
Chị Nguyễn Ngọc Điệp giới thiệu các sản phẩm sô-cô-la “made in Vietnam” tại cửa hàng của Alluvia Chocolatier đặt tại quận 1, TPHCM - ẢNH: MAI CA

Năm 2013, chị kinh doanh bột ca cao, bơ và hạt ca cao rang. Đến năm 2016, chị bắt đầu nghiên cứu và nhập máy móc về để chế biến sô-cô-la (chocolate) rồi đưa vào các siêu thị. Tuy chưa thành công, nhưng chị Ngọc Điệp vẫn tin nếu kiên trì thì người tiêu dùng rồi sẽ quen. Quả thật, thương hiệu Alluvia Chocolatier đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Cuối năm 2017, những lô hàng đầu tiên của Alluvia đã vào được Nhật Bản, Đài Loan. “Người tiêu dùng ở Nhật rất thích sô-cô-la Việt bởi hương vị khác biệt, bao bì mang đậm văn hóa Việt. Còn khách hàng tại Mỹ thì ngạc nhiên vì sản phẩm của chúng tôi có mùi vị cuốn hút lạ” - chị Ngọc Điệp cho biết.

Nhưng mới có được chút thành tựu thì “cơn bão COVID-19” đã “thổi bay” gần như sạch sẽ. Alluvia phải đóng cửa tất cả các cửa hàng, hoạt động gần như tê liệt. Không chịu khoanh tay, Alluvia nhanh chóng chuyển hướng làm du lịch tham quan vườn ca cao và trải nghiệm làm sô-cô-la tại xưởng cho du khách. Nhờ vậy, từ năm 2020 tới nay, công ty đã thu hút được trên 10.000 lượt khách.

Tính bản địa chinh phục thế giới

Nhắc tới sô-cô-la người ta thường nghĩ ngay đến các sản phẩm của Thụy Sĩ - đây là khó khăn lớn nhất cho ngành sản xuất sô-cô-la Việt. Xác định vậy nên chị Nguyễn Ngọc Điệp đã đi vào thị trường ngách - sản xuất các sản phẩm sô-cô-la thủ công với nguyên liệu là ca cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Việc sản xuất sô-cô-la nông sản, cụ thể là sô-cô-la dừa, gừng, tiêu, quế… xuất phát từ mong muốn nâng cao giá trị cho các loại nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái ca cao, đồng thời qua đó giới thiệu nông sản đặc trưng của các vùng miền đến người tiêu dùng thế giới. Vì vậy mình đã kết hợp ca cao với dừa của vùng đất Bến Tre, tiêu Phú Quốc, gừng Cao Bằng, hạt mắc khén Tây Bắc, một số trái cây vùng Mê Kông như xoài, thơm, chuối… Từ đó giúp các sản phẩm của Alluvia Chocolatier có sự khác biệt so với các loại sô-cô-la nước ngoài” - chị Ngọc Điệp chia sẻ.

Hiện mỗi năm, Alluvia cần ít nhất khoảng 40 tấn hạt ca cao để làm sô-cô-la và công ty đã liên kết với các hộ dân ở Tiền Giang để phát triển vùng nguyên liệu lên đến 800ha ven sông Tiền. Alluvia cũng đang tích cực liên kết với các hợp tác xã, hộ dân để mở rộng diện tích trồng ca cao về phía Trà Vinh, Bến Tre… nhằm đảm bảo được sản lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và đưa Alluvia Chocolatier vào thị trường mới như Dubai, Thái Lan, châu Âu… trong năm nay.

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Phó giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt - tính toán, việc chinh phục thành công thị trường Hà Lan chính là bước nhảy vọt trong hành trình khởi nghiệp của mình. Để vào thị trường khó tính này, các sản phẩm bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây… phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra về chất lượng hết sức khắt khe.

Nhưng cũng nhờ đó mà sản phẩm như có “giấy thông hành” để xuất sang Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... Và theo chị, để có thành công ấy thì lợi thế của sản phẩm là tính bản địa. Ngoài việc làm ra được những sản phẩm có khẩu vị làm hài lòng khách hàng, công ty còn đồng hành với các đối tác trong quá trình quảng bá, bán hàng lẫn quản trị, xử lý rủi ro phát sinh nên đã có bước tăng trưởng chắc chắn. Điều quan trọng khác là khi đưa ra thị trường phải tuân thủ pháp lý, an toàn vệ sinh, nhãn mác bao bì ấn tượng và quan trọng là chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.

Từ những gì có được, nhóm sáng lập Thiên Nhiên Việt đang hướng đến việc hợp tác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề, các đối tác cùng tham gia chuỗi giá trị để tạo ra những giá trị lớn hơn cho ngành nông nghiệp Việt.

Năm 2021, dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên, sau dịch, các đơn hàng đã phục hồi trở lại. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia nhiều hội chợ quốc tế ở Nhật Bản, Đức, Thái Lan. Cũng nhờ đó mà Palmania đã kết nối được với nhiều khách hàng tiềm năng. Trong thời gian tới, Palmania dự kiến có thêm nhiều dòng sản phẩm của thốt nốt như nước tươi đóng lon… và khai thác thêm các thị trường khác như Úc.

Mai Ca - Hà Duyên

Kỳ tới: “Nữ nông dân” trong các trường đại học

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI