Dấu ấn 1 năm hướng về cơ sở hội

10/02/2024 - 06:48

PNO - Không còn đợi “cầm tay chỉ việc” hay “kêu gì làm nấy”, nhiều chi, tổ hội phụ nữ tại TPHCM đã chủ động xây dựng phong trào, hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Làm không "đụng hàng"

Dắt xe tấp vào điểm sinh hoạt văn hóa khu phố 2, phường 19, quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Thọ - một người hành nghề xe ôm truyền thống - được trao 1 ổ bánh mì còn ấm nóng. Ông dắt bộ chiếc xe vài bước về vỉa hè dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi đứng tựa vào xe, hướng mắt về phía tủ bánh mì - nơi xôn xao người đi, người đến và thủng thẳng dùng bữa sáng. “Kiếm tiền ngày càng khó nên có được bữa nào mừng bữa đó. Vợ chồng tui già rồi, bả thì bệnh miết, tiền chạy xe hằng ngày không đủ thuốc thang, làm sao dám ra quán ngồi làm hộp cơm như người ta. Mì tôm hoài cũng ngán nên bữa nào có được ổ bánh mì dằn bụng là mừng” - ông Thọ chậm rãi chuyện trò.

“Tủ bánh mì miễn phí” đã mang lại niềm vui cho người lao động nghèo
“Tủ bánh mì miễn phí” đã mang lại niềm vui cho người lao động nghèo

Giống như ông Thọ, nhiều lao động tự do ở đây dường như đã quen với lịch phát bánh mì hằng tháng tại khu phố. Cho nên, đúng 7g sáng, khi tủ “bánh mì 0 đồng” vừa được kéo ra, rất đông người đã chờ sẵn. Phần lớn họ là những người bán vé số, hàng rong, xe ôm… Theo quy định, mỗi người được lấy 1 ổ bánh mì cho bữa sáng, song cũng có người được nhận phần bánh mì thứ hai, thứ ba, vì “vợ con tôi hôm nay bị bệnh, không ra được”. 

Đến 8g sáng, trong tủ còn 2 ổ bánh cuối cùng, bà Hồ Minh Nguyệt - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 - mới rảnh rang đi tới đi lui cho đỡ mỏi chân và làm vài động tác vận động cơ thể. Vừa dọn tủ, bàn, bà Nguyệt tâm sự, suốt 5 năm qua, hằng tháng, chị em trong khu phố không ngừng động viên nhau. Để chủ động kinh phí, chi hội đã phát động các tổ hội thực hiện những kế hoạch nhỏ như gom phế liệu hằng tháng để góp từng đồng làm nên hàng trăm ổ bánh mì 0 đồng.

Tủ bánh mì miễn phí trên được Hội LHPN phường 19 thực hiện từ cuối năm 2018, nhằm hưởng ứng mô hình “Trao yêu thương” do Hội LHPN quận Bình Thạnh phát động. Nhận thấy địa bàn có nhiều chợ, người dân khắp nơi đến buôn bán, đa phần là dân thu nhập thấp, hay bỏ quên buổi sáng, chị Trần Thiện Bảo Khang - Chủ tịch Hội LHPN phường 19 khi ấy đã quyết định chọn làm “Tủ bánh mì miễn phí” để “trao yêu thương”. Không có kinh phí nên những ngày đầu, đích thân chị đi vận động các lò bánh mì ở phường hỗ trợ bánh mì, rồi vận động các chi hội trưởng góp sức để bánh mì có rau, có thịt. Ban đầu, mỗi tháng, 100 ổ bánh mì đã được trao cho những lao động khó khăn.

Cách làm sáng tạo của Hội LHPN phường 19 đã mang lại những sắc màu mới mẻ  cho mô hình “Phụ nữ Bình Thạnh - cùng sách xuống phố”
Cách làm sáng tạo của Hội LHPN phường 19 đã mang lại những sắc màu mới mẻ cho mô hình “Phụ nữ Bình Thạnh - cùng sách xuống phố”

Thấy mô hình được đông đảo người dân đón nhận, quan tâm, chị Trần Thiện Bảo Khang càng thêm quyết tâm duy trì và phát triển mô hình. Chi hội các khu phố bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Hiện tại, khu phố 1 và khu phố 4 có mạnh thường quân tài trợ định kỳ. Đặc biệt, với mong muốn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có đủ kinh phí để tăng số lượng bánh mì cho người nghèo, bà Trần Thị Thu Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4 - quyết định tự làm mọi khâu, từ mua nguyên liệu, chế biến để có thể tăng gấp đôi số lượng bánh phát ra. Từ 100 ổ bánh mì phát hằng tháng, hiện nay, “Tủ bánh mì” được di chuyển rộng khắp trên địa bàn 4 khu phố - từ nhà văn hóa phường đến điểm sinh hoạt các khu phố, cổng trụ sở công an phường và được thực hiện đều đặn 2 tuần/lần. Tổng số bánh mì trao đi trong 2 đợt của tháng xấp xỉ 400 ổ.

Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Bến Thành, quận 1 đạp xe giới thiệu bản đồ ẩm thực và các di tích lịch sử trên địa bàn
Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Bến Thành, quận 1 đạp xe giới thiệu bản đồ ẩm thực và các di tích lịch sử trên địa bàn

Tháng 6/2023, trong đợt sơ kết 5 năm thực hiện mô hình, chị Trần Thiện Bảo Khang cho biết, “kế hoạch nhỏ” này đã trao 120 lượt, với 12.000 ổ bánh mì, tương đương số tiền 240 triệu đồng. Chị khẳng định: “Mô hình như một thương hiệu của phụ nữ phường 19, dù “sinh sau đẻ muộn” so với các phường khác. Gọi là thương hiệu vì đặt ra mô hình rất dễ, nhưng nuôi dưỡng và phát triển nó trong thời gian dài rất khó. Vậy mà đều đặn hằng tháng trong suốt 5 năm nay, cứ đến ngày hẹn, người dân lại hồ hởi đến điểm nhận bánh và những tủ bánh mì năm sau lại đầy đặn hơn năm trước. Nhiều cô chú trong khu phố chưa từng tham gia với hội đã đến, đề nghị được hỗ trợ, đồng hành”.

“Tủ bánh mì miễn phí” không chỉ mang đến niềm vui nho nhỏ cho người nghèo mà còn mở ra nhiều đổi thay trong tổ chức hoạt động hội tại phường 19. Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Phó chủ tịch Hội LHPN phường 19 - khẳng định, sau 5 năm thực hiện mô hình, nhận thấy sự phát huy vai trò của từng chi, tổ hội đúng theo định hướng “nâng chất từ cơ sở” mà Trung ương Hội xem là chủ đề hoạt động của năm, Hội LHPN phường 19 bắt đầu đề ra tiêu chí “làm không đụng hàng” và “tất cả cùng hiểu, cùng làm”. “Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi không tiếp thu cái hay, cái mới của các đơn vị bạn, mà từ cái hay, cái mới đó, chúng tôi xem xét, cân nhắc điều gì phù hợp với đặc trưng địa phương, nhu cầu hội viên mình để từ đó đưa ra hoạt động phù hợp” - chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên giải thích thêm.

Bằng việc quét mã QR vào thư viện “Phụ nữ và sách” do Hội LHPN phường Bến Thành, quận 1 xây dựng,  chị em sẽ tìm được nhiều đầu sách hay, thiết thực
Bằng việc quét mã QR vào thư viện “Phụ nữ và sách” do Hội LHPN phường Bến Thành, quận 1 xây dựng, chị em sẽ tìm được nhiều đầu sách hay, thiết thực

Lấy dẫn chứng việc thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và hưởng ứng mô hình “Phụ nữ Bình Thạnh - cùng sách xuống phố”, chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, Hội LHPN phường 19 không dừng lại ở việc thu gom, trưng bày sách báo cũ. Định kỳ, hội sẽ tổ chức chương trình “Giao lưu tác giả”, chọn những tác phẩm hay, ý nghĩa, có nội dung gần gũi với người dân TPHCM nhằm thông qua sách, giới thiệu cái hay, cái đẹp của TPHCM đến với hội viên, phụ nữ. Ví dụ, quyển sách Sài Gòn trăm bước của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã neo lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng hội viên, phụ nữ phường 19 qua những cảm nhận cụ thể của họa sĩ Đinh Tấn Lễ - người thiết kế mỹ thuật cho quyển sách trong quá trình đồng hành cùng tác giả.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên khẳng định, để thu hút hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức hội phải dựa vào phong trào. Do đó, hội cũng phải cân nhắc thế mạnh từng khu phố để xây dựng phong trào cho phù hợp, từ đó thực sự đưa hoạt động đến từng chi, tổ hội, đến gần hơn với người dân. Chị dẫn chứng: “Khu phố 1 mạnh về văn hóa văn nghệ; chúng tôi tổ chức cho các dì, các chị đến tham quan Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai của Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai.

Không chỉ tham quan các loại nhạc cụ dân tộc được trưng bày tại đây, hội viên, phụ nữ còn được nghe, hiểu rõ hơn về các loại nhạc cụ dân tộc được chính Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Mai trình bày, biểu diễn. Khu phố 3 là khu phố tập trung nhiều đảng viên, có trình độ nên thích bàn luận các vấn đề liên quan đến pháp luật, thời sự; do đó, những ngày lễ lớn, chúng tôi tổ chức những buổi giao lưu mà các cô chú sẽ là những báo cáo viên. Khu phố 4 chủ yếu là tiểu thương suốt ngày bận rộn buôn bán nên chúng tôi tập trung các hoạt động về an toàn thực phẩm, giới thiệu hàng hóa, thực hiện mô hình chợ số, chợ không sử dụng tiền mặt, hỗ trợ túi ni lông thân thiện với môi trường…”.

Không đứng ngoài cuộc về chuyển đổi số

Một ngày đầu tháng Mười một, tình cờ ngang qua đường Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, chúng tôi bất ngờ thấy nhiều chị em trong tà áo dài truyền thống thướt tha, đạp xe đạp chở theo những tấm bản đồ thú vị về ẩm thực và du lịch địa phương. Hỏi ra mới biết các dì, các chị là cán bộ, hội viên phụ nữ phường. Không cần đợi tới dịp lễ, tết gì, cứ cách vài tuần, Hội LHPN phường Bến Thành lại tổ chức cho chị em đạp xe quanh những tuyến đường trung tâm thành phố, để giới thiệu nét đẹp áo dài cũng như cách làm mới của hội là Bản đồ ẩm thực Bến Thành song ngữ Việt - Anh. Bản đồ được xây dựng trực tuyến, người dân và du khách dễ dàng tìm kiếm các quán xá từ bình dân đến những địa điểm đã được Michelin Guide vinh danh, như Phở Việt Nam - 14 Phạm Hồng Thái, quán Bờm - 24 Nguyễn Thị Nghĩa, Sol Kitchen & Bar - 115 Lý Tự Trọng, bếp Mẹ In - 136 Lê Thánh Tôn… thông qua quét mã QR. Trên hệ thống, ngoài tên, địa chỉ, còn có bảng chỉ đường đến từng quán.

Nói về cơ duyên thực hiện bản đồ này, chị Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội LHPN phường Bến Thành - chia sẻ: “Tháng 6/2023, Đảng ủy, UBND phường tổ chức cuộc thi “Hành trình thú vị”, giới thiệu các di tích lịch sử, điểm du lịch nổi bật của địa phương. Hình thức thi mới mẻ theo dạng tiếp sức - các thí sinh lần lượt đạp xe tới từng địa điểm, bốc thăm câu hỏi và trả lời tại chỗ về lịch sử, nét nổi bật của từng nơi. Tham gia thi, chúng tôi cứ ồ à vì thích quá. Ý tưởng tạo bản đồ trực tuyến về ẩm thực xuất phát từ đó. Bước đầu, hội xác định phải quảng bá cách làm này trước nên thường tổ chức diễu hành xe đạp. Thật may, hội nhận được nhiều sự tiếp sức từ cán bộ đoàn thể phường và cả các bạn sinh viên, nữ thanh, quản lý các nhà hàng. Sắp tới, hội sẽ xin phép địa phương treo mã QR này trước các di tích lịch sử, điểm du lịch, công trình công cộng trên địa bàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch tích hợp thêm những bài cảm nhận chi tiết về các món ăn của từng quán, hình ảnh người dân và du khách trải nghiệm du lịch Bến Thành vào bản đồ”. 

Mấy tháng nay, kể từ khi bản đồ ẩm thực thành hình, bà Châu Ngọc Diệp (65 tuổi) - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, phường Bến Thành - luôn góp mặt trong mỗi cuộc diễu hành xe đạp. Bà nói vui, cả đời sống ở Bến Thành, chỉ quen quán cóc vỉa hè, giờ ngó vô bản đồ thấy cả một trời mới mẻ. “Thiệt tình, hồi nghe mã QR, bản đồ trực tuyến, tôi cũng ngại lắm. Mình già rồi, sao theo kịp sắp nhỏ, điện thoại thông minh xài còn chưa rành. Nhưng, đi với chị em nhà hội riết cái hết ngại, nhất là mỗi khi gặp khách nước ngoài, thấy mình mặc áo dài đạp xe đạp, họ cứ cười vẫy tay chào, cũng tự hào lắm chớ. Tôi tiếc mình không rành tiếng Anh để nói chuyện với khách thoải mái, chỉ có thể chỉ vô mã QR cho họ quét thử. Cùng nhiều chị em nữa, tôi đã đề xuất hội mở các lớp tiếng Anh cộng đồng cho chúng tôi theo học”.

Cũng chung tha thiết này là bà Phạm Thị Tuyết (65 tuổi), ở khu phố 1, phường Bến Thành. Bà lớn lên ở Bến Thành, từng mở cửa hàng kinh doanh xe đạp. Bộ mặt trung tâm thành phố ngày càng đổi thay, nhộn nhịp hơn, hiện đại hơn nên người thuộc lứa U70 như bà không tránh khỏi có lúc hụt hẫng, ngại ngần mình lạc hậu. Việc Hội LHPN phường xây dựng các hình thức hoạt động mới, gắn với công nghệ thông tin, đã mang đến cho bà những trải nghiệm mới, vui hơn, thú vị hơn. “Hy vọng sắp tới, bản đồ sẽ được nâng cấp và cập nhật thường xuyên; ngoài ẩm thực còn có các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh, hấp dẫn” - bà Tuyết nói thêm.

Không đứng ngoài cuộc về chuyển đổi số là phương châm của Hội LHPN phường Bến Thành và nhiều cơ sở hội ở TPHCM. Ở phường Bến Thành, hội vừa mở chuyên mục “Phụ nữ và sách” trên fanpage Facebook, đồng thời tạo bảng mã QR đặt tại văn phòng hội và các điểm sinh hoạt công cộng. Khi quét mã, một kệ sách trực tuyến sẽ hiện ra, trong đó có bộ sách 85 năm - Phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-2015), các đầu sách về ký ức chống dịch COVID-19 của TPHCM, bên cạnh bìa sách là phần giới thiệu tóm tắt nội dung. Hội LHPN phường đang tiếp tục “lùng” những đầu sách hay về y học, lịch sử, văn học để đưa vào kệ sách đặc biệt này. 

Tại quận 12, Hội LHPN phường Tân Hưng Thuận tiên phong thực hiện “Móc khóa ứng dụng công nghệ quét mã QR” thay thế tài liệu giấy. Hội đã phát ra gần 1.000 móc khóa in mã QR, chứa các tài liệu tuyên truyền phân loại rác, các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Điểm đặc biệt nữa là tất cả nội dung tuyên truyền đều được thiết kế dạng infographic với hình ảnh minh họa sinh động. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Như - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hưng Thuận - phấn khởi: “Hội nhận thấy, phát tờ bướm thì nhiều người đọc 1 lần rồi quăng mất - vừa tốn kém, lại không hiệu quả. Với móc khóa này, các cô, các chú rất thích, một số còn xin thêm để chia sẻ cho lối xóm. Sắp tới, hội sẽ in mã lên giỏ nhựa, giỏ đệm, bình nước cá nhân tặng cho người dân”. 

Nguyệt Minh - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI