Đất vàng bỏ hoang giữa trung tâm TP Huế

27/08/2024 - 06:14

PNO - Do vướng cơ chế bán tài sản công và quy hoạch xây dựng nên nhiều mảnh “đất vàng” tọa lạc trên đường Lê Lợi bên bờ sông Hương, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang bị bỏ hoang, lãng phí và nhếch nhác.

Mất mỹ quan ngay trung tâm Huế

Đầu năm 2022, hàng loạt cơ quan, đơn vị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, có trụ sở trên đường Lê Lợi, TP Huế đã di dời đến nơi làm việc mới để nhường những khu đất vàng bên bờ sông Hương cho thương mại, dịch vụ nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi di dời, những khu đất đắt đỏ giữa TP Huế ấy vẫn “đắp chiếu”, xuống cấp, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.

Dọc đường Lê Lợi, từ hướng cầu Trường Tiền, trụ sở cũ của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế (28 Lê Lợi) cửa đóng then cài. Cơ sở này và nhiều cơ sở liền kề như Phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình (28B Lê Lợi), Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (30 Lê Lợi), Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật tỉnh (26 Lê Lợi), Sở GD-ĐT (22 Lê Lợi)… đều đang chịu cảnh xuống cấp, hoang phế, hàng rào xiêu vẹo. Bên trong các công trình, đèn điện, cửa nẻo đều hư hỏng, rụng rơi; khuôn viên bị rác bủa vây vì không có người chăm sóc.

Trụ sở cũ của Sở Y tế giữa khu “đất vàng” đường Lê Lợi, TP Huế
Trụ sở cũ của Sở Y tế giữa khu “đất vàng” đường Lê Lợi, TP Huế

Nhà đầu tư ngoảnh mặt vì vướng cơ chế, quy hoạch

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ nhiều năm nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đang kêu gọi đầu tư các tổ hợp khách sạn và dịch vụ du lịch cao cấp trên các khu đất vàng.

Trong đó, khu đất số 22-24 Lê Lợi với diện tích hơn 4.830m2, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500m2 trở lên, cùng khu nhà hàng và các dịch vụ du lịch. Khu đất 26-28-30 Lê Lợi có diện tích hơn 6.230m2, tỉnh kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn khoảng 250-300 phòng, 4 mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với trục không gian văn hóa nghệ thuật dọc đường Lê Lợi và bờ sông Hương… Thế nhưng hiện tại chưa có doanh nghiệp nào đầu tư.

Khó khăn lớn nhất khi kêu gọi đầu tư vào các khu đất vàng ở đường Lê Lợi chính là vướng cơ chế về bán tài sản công (nhà đầu tư phải mua công trình cũ). Ngoài ra còn vướng quy hoạch xây dựng không quá 5 tầng theo quy hoạch trước đây của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cỏ dại mọc um tùm trong trụ sở cũ của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế
Cỏ dại mọc um tùm trong trụ sở cũ của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế

Hiện nay, các khu đất này buộc phải bán theo cơ chế tài sản công với nhiều quy định chặt chẽ. Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu làm các khu du lịch 5 sao để phát triển thêm các cơ sở du lịch dịch vụ, nhưng hiện tại thì chưa có ai đặt bút ký hợp đồng triển khai dự án với tỉnh.

“Đặc điểm của Huế đang quy định giữ chiều cao tại đường Lê Lợi ven sông Hương, nhất là bờ nam không quá 5 tầng nên rất khó khăn về mặt thiết kế, kiến trúc, bố trí sử dụng cho các nhà đầu tư, khiến họ làm sẽ không có lãi” - ông Nguyễn Đại Vui thông tin.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần kiến nghị, làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét lại vấn đề trên, bởi nếu áp dụng bán tài sản công và quy hoạch cũ sẽ rất khó kêu gọi đầu tư. Ông Trần Hữu Thùy Giang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, dãy “đất vàng” từ số 22 đến 30A Lê Lợi trước đây bị bỏ hoang vì phải chờ Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thế nhưng sau khi bản quy hoạch mới được phê duyệt vào đầu năm 2024, các khu đất trên vẫn nằm im lìm. “Theo bản quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế mới, các khu đất vàng này được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ. Do vậy khi có nhà đầu tư muốn thuê đất thì phải mua lại những công trình cũ, khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí. Ngoài ra, vướng mắc về chiều cao của công trình vẫn chưa được giải quyết” - ông Trần Hữu Thùy Giang phân tích.

Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Ngay trung tâm TP Huế không chỉ vướng về cơ chế bán tài sản công, nếu đầu tư dự án thì các công trình còn bị hạn chế về chiều cao theo quy hoạch chi tiết 2 bờ sông Hương của UBND tỉnh đã phê duyệt”.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, không thể hình thành một hệ thống khách sạn hay hệ thống dịch vụ có quy mô lớn và cao tầng ở không gian 2 bờ sông Hương, nhất là đoạn án ngữ ngay trước mặt Kinh thành. Khu vực này sử dụng hợp lý nhất vẫn là hệ thống bảo tàng, hệ thống dịch vụ quy mô nhỏ. Tỉnh cũng quy hoạch phát triển dịch vụ văn hóa, nên định hướng kêu gọi xây dựng khách sạn là không phù hợp.

Ông Phan Quý Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - đề xuất, với quy hoạch sử dụng đất cho mục đích thương mại dịch vụ, nên cho phép tỉnh thanh lý tài sản trên đất, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai. Người đấu giá được phép trả tiền thuê đất hằng năm hay trả tiền thuê đất 1 lần, tùy theo năng lực tài chính. Có như vậy may ra nhà đầu tư mới tiếp cận được.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI