Đặt vấn đề Facebook, Google có thể rút khỏi VN không phải là lo xa!

04/11/2017 - 16:00

PNO - Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam đang rất được dư luận quan tâm và đề nghị làm rõ bởi nếu Luật này được thông qua có thể sẽ trở thành rào cản kinh tế và khiến Facebook, Google phải rút khỏi VN.

Cần xem lại vì nhiều điểm bất lợi!

Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cho rằng, dự thảo Luật an ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo theo hướng tăng cường quản lý, kiểm soát sao cho công việc của Bộ Công an là thuận lợi nhất chứ chưa quan tâm đến các lợi ích kinh tế mà thế giới mạng Internet mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, nhiều quy định của dự thảo được đánh giá là không khả thi và sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Dat van de Facebook, Google co the rut khoi VN khong phai la lo xa!
Việc thiết lập hành lang pháp lý nhằm bảo đảm an ninh mạng là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Như nội dung Khoản 4 Điều 34 của Dự thảo có yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet của nước ngoài tại Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện và máy chủ tại Việt Nam. Quy định này đang được “mổ xẻ” vì trái với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Trong văn bản gửi lên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý trong nội dung của Dự thảo này.

Theo VCCI, trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự. Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại khoản 4 Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy định việc phải đặt máy chủ trên lãnh thổ Việt Nam cũng chưa phù hợp với tinh thần cam kết của Việt Nam trong TPP. An ninh mạng, theo định nghĩa tại khoản 3 Điều 3 của Dự thảo liên quan tới nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng đối với an ninh quốc phòng, do đó không phải là trường hợp ngoại lệ để không áp dụng cam kết.

“Hiện nay, mặc dù TPP chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn lại trừ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, VCCI cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật trong nước đi ngược lại hướng của TPP”, VCCI nêu rõ.

Cơ quan này cũng cho rằng, việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó. Máy chủ đặt ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng yêu cầu chuẩn mực.

Rõ ràng, trong nền kinh tế số, việc đặt máy chủ đâu là không quan trọng, mà quan trọng là nội dung thông tin.

“Đây là việc mà Bộ Công an muốn tăng cường kiểm soát. Do đó, cho dù bắt buộc đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng với công nghệ vượt tường lửa thì vẫn tiếp cận được những thông tin mà trong nước không truy cập được. Tôi nghĩ yêu cầu này chưa phù hợp với xu hướng nền kinh tế số, nền kinh tế thông tin, nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra”, ông Thắng nhận định.

Cần thiết vì an ninh quốc gia?

Hiện nay, Google, Facebook đã trở thành những dịch vụ như “cơm bữa” đối với phần lớn người dân Việt Nam. Nhiều người gần như lệ thuộc vào các dịch vụ này.

Dat van de Facebook, Google co the rut khoi VN khong phai la lo xa!
Facebook, Google đã trở thành dịch vụ "cơm bữa" của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, nguyên Cục trưởng Cục Tin học - Nghiệp vụ Công an (Bộ Công an), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, vấn đề bảo mật và đảm bảo an toàn an ninh mạng của người dùng Internet ở Việt Nam lại rất kém.

Trước thực tế này, nhiều vấn đề lo ngại được đặt ra, rằng điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người dân được thu thập phục vụ cho mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ như Facebook, Google,… trong khi chúng ta chẳng hề hay biết cũng như quản lý được?

Do đó, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin cho rằng, quy định ở khoản 4 Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng là cần thiết nếu xét ở góc độ an ninh mạng quốc gia, thuận tiện trong việc quản lí hay xử lí các vấn đề, tình huống liên quan.

Đơn cử tình trạng tin giả, tin bịa đặt, lừa đảo, hay các nội dung clip sex đầy dẫy trên Facebook và YouTube thời gian qua, tiến độ xử lí vấn đề rất chậm, phải qua nhiều lớp nhiều khâu vì các doanh nghiệp như Google, Facebook không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.  

Dự kiến Dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua vào tháng 6/2018. Khi đó, nếu không thực hiện việc “đặt cơ quan đại diện, đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam” thì Facebook, Google, Youtube sẽ không được lưu thông tại Việt Nam.

Dat van de Facebook, Google co the rut khoi VN khong phai la lo xa!
Nhiều người lo ngại Google, Facebook có thể rút khỏi Việt Nam vì quy định Luật An ninh mạng.

Vấn đề mà người dùng quan tâm nhất là liệu Facebook, Google có “rút” khỏi thị trường Việt Nam vì quy định này không? Trên thực tế, tới thời điểm này, Google và Facebook vẫn chưa mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và họ đã hoạt động “rần rần” bởi loại dịch vụ họ cung cấp là xuyên biên giới trên nền Internet.

Khảo sát của công ty Vinalink năm 2015 cho thấy, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam với 3.000 tỉ đồng, Google thu 2.200 tỉ đồng; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt với khoảng 1.900 tỉ đồng nhưng trong đó có những doanh nghiệp có vốn FDI, hoặc 100% vốn FDI.

Nhiều ý kiến cho rằng, với “chiếc bánh” họ luôn chiếm tỉ lệ từ trên 70% đến trên 80% doanh thu, mà không phải đầu tư mất gì nhiều, cũng như không phải thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ thuế nhà thầu 10% do các đại lí đóng thay), thì không dễ gì Google hay Facebook dễ dàng chịu từ bỏ “phần bánh” béo bở của mình.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thắng, khả năng các hãng này sẽ bỏ thị trường Việt Nam như trước đây họ đã từng bỏ thị trường Trung Quốc là rất cao.

“Thật sự thị trường Việt Nam chúng ta nói là lớn nhưng so với các công ty đa quốc gia thì vẫn còn nhỏ. Các công ty này hoạt động được là nhờ vào tự do thương mại, tự do luân chuyển thông tin. Nên nếu vì Việt Nam mà ảnh hưởng đến chính sách chung thì các công ty này sẽ bỏ Việt Nam”, ông Thắng nêu ý kiến.

Nếu Việt Nam đã gia nhập các tổ chức và hiệp định khu vực hay toàn cầu, mà Khoản 4, Điều 34 của Dự thảo có mâu thuẫn, thì theo thông lệ phải ưu tiên theo cam kết quốc tế.

Tất nhiên với nhiều quốc gia, còn có thể đưa ra những rào cản kĩ thuật khác nhằm quản lí, kiểm soát vấn đề cần làm.

Việc rà soát các qui định này có mâu thuẫn hay không là việc quá đơn giản, cơ quan soạn thảo luật cũng như Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần sớm làm rõ để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Nếu điều này thực sự xảy ra thì nền kinh tế Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao như Samsung, Intel, đầu tư FDI... cũng sẽ khó khăn.

Ông Thắng kiến nghị, đối với các tổ chức nhà nước, việc yêu cầu đặt máy chủ trong nước là phù hợp, với các tổ chức cá nhân thì nên để họ tự quyết định nơi đặt máy chỉ sao cho thuận lợi công việc kinh doanh. Vấn đề là cần luật hóa các qui trình, yêu cầu bảo mật, xử phạt để các tổ chức này phải tuân theo trong việc đảm bảo an toàn thông tin.

“Hiện Bộ Công an quan tâm nhiều đến những thông tin xuyên tạc, chống phá nhà nước trên mạng xã hội. Theo tôi nghĩ, để xử lý những thông tin này, thì nhà nước cần có quan hệ tốt với các hãng công nghệ, mở rộng hợp tác chặt chẽ, xây dựng niềm tin lẫn nhau với các cơ quan an ninh quốc tế. Đồng thời phải phối hợp giữa cơ quan công an và tòa án. Những thông tin mà bộ công an phát hiện là chống phá nhà nước thì cần phối hợp với tòa án để ra những quyết định đề nghị nước nơi có nguồn tin xuất phát xử lý. Tất nhiên, những đề nghị này phải đúng theo các luật quốc tế, luật tự do thương mại, và tương trợ tư pháp lẫn nhau”, ông Thắng nói thêm.

Lệ Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI