Với 325 năm lịch sử (1698-2023), Sài Gòn - TPHCM rất trẻ so với Hà Nội, Huế và nhiều địa phương khác, càng trẻ khi so với lịch sử dân tộc.
Truyền thống nhân nghĩa trong tiến trình mở cõi về phương Nam được thể hiện khi vùng đất này luôn mở rộng vòng tay đón lưu dân tứ xứ. Từ người Khơ Me bản địa, người Chăm láng giềng, người Hoa “bài Thanh phục Minh” (Minh Hương) vượt biển, đến người Việt mở cõi và cả tha phương, tìm vùng đất mới vì nhiều lẽ.
2 đợt di dân lớn nhất của người Việt vào Sài Gòn là năm 1954 và sau 1975. Làm cư dân Sài Gòn không khó. Từ đại gia tới cái bang. Không chỉ người Việt, công dân nhiều nước cũng chọn đất này làm chốn mưu sinh và an cư, nên Sài Gòn được gọi vui là “Hợp chủng tỉnh” Việt Nam, là “Hợp chủng quốc” thu nhỏ.
Ở Sài Gòn - TPHCM, người ta không sợ đói và dễ kiếm sống nhất vì chỗ nào cũng có mua bán hợp pháp với đủ thứ dịch vụ để tham gia. Đơn giản nhất hiện nay là chạy GrabBike, cũng lai rai đủ tiền trang trải cuộc sống để thực hiện ước mơ. Sài Gòn nhiều chợ nhất, từ chợ truyền thống, chợ chồm hổm, chợ chạy, chợ trời (thời bao cấp), chợ nước ngoài đến các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ online. Nhà Bè là nơi khởi nguồn chợ nổi và các hoạt động xã hội cách đây gần 300 năm…
|
Giữa lòng TPHCM náo nhiệt, khu chợ nổi này là một điểm đến độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa miền Tây - Ảnh: Trần thế Phong |
Sài Gòn có nhiều thứ đầu tiên như Báo Gia Định 1865, Bệnh viện Chợ Quán 1862, Bưu điện Sài Gòn 1863, Trường Lê Quý Đôn 1874, ga xe lửa Sài Gòn 1885, Thảo cầm viên Sài Gòn 1864, khách sạn Continental 1878, nhà in Tân Định 1864, ô tô La Dalat do Công ty Xe hơi Sài Gòn sản xuất năm 1970. (Nên nhớ là đến cuối năm 1975, chiếc ô tô Hàn Quốc đầu tiên là Hyundai Pony mới xuất xưởng ở Seoul).
Sài Gòn là vùng đất mới. Phải dám thay đổi mới thích nghi và trụ vững trước mọi thăng trầm. Đất trẻ nên khí chất người cũng trẻ, luôn tiên phong tìm cái mới, tạo nên những đỉnh cao kiểu Sài Gòn. Đó là phong trào học sinh - sinh viên từ những năm 1950-1975, là phong trào thanh niên xung phong thời bình, những Mùa hè xanh thiện nguyện…
Người Sài Gòn - TPHCM tiên phong làm ra địa đạo Củ Chi, kỳ quan của lòng yêu nước, điểm đến du lịch hàng đầu ở phía Nam. Là Phú Mỹ Hưng - khu phố kiểu mẫu châu Á và Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam. Là hầm Thủ Thiêm hiện đại và Landmark 81 - tòa nhà cao thứ hai ở ASEAN. Là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, được xem là hoa hậu du lịch đường thủy, kỳ tích Sài Gòn sau 1975. Là ca mổ song sinh Việt - Đức, thụ tinh ống nghiệm, thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị…
Người Sài Gòn hào hiệp, trượng nghĩa với rất nhiều hoạt động xã hội, từ thiện đầy tính nhân văn kiểu Sài Gòn. Từ xóa đói giảm nghèo, nhà tình thương, nhà tình nghĩa đến bếp ăn từ thiện, bếp ăn từ tâm, quán ăn nụ cười, các thùng trà đá miễn phí, những tủ quần áo, tủ bánh mì 0 đồng, hũ gạo ATM, chuyến xe 0 đồng, sửa xe miễn phí… Đó là những thương hiệu làm nên tính cách, phong cách người Sài Gòn.
Cách xưng hô ngoài xã hội của dân Sài Gòn cũng đặc sệt Sài Gòn, theo nghề nghiệp và thành phần. Giới thư ký, thầy thông, thầy phán, viên chức hành chánh thì được gọi là Hai. Người Hoa được gọi là Ba. Dân tứ chiếng giang hồ được gọi là Tư. Dân lưu manh, du đãng thì gọi là Năm. Cảnh sát, an ninh được gọi là Sáu. Người Ấn Độ hoặc da nâu sậm, tóc xoăn được gọi là Bảy. Dân lao động đại trà, số đông của Sài Gòn được gọi là Tám. Chuyên mục Gia đình bác Tám trên truyền hình Sài Gòn và bài hát Sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ qua đi Tám (Phạm Duy) rất nổi danh là vậy.
Ẩm thực Sài Gòn -TPHCM vô địch cả nước về sự phong phú lẫn khác biệt. Món ngon cả thế giới đều có mặt ở Sài Gòn, được Sài Gòn hóa, từ trong nước với các món bún bò Huế, bún nước lèo Sóc Trăng, bún mắm Đồng Tháp, phở Hà Nội cho đến nước ngoài như hủ tíu Nam Vang, vịt quay Bắc Kinh, gà Thượng Hải, pizza Ý, cà ri Ấn Độ, lẩu Thái Lan, salad Nga, kim chi Hàn, sushi Nhật… đều có hương vị Sài Gòn riêng. Có người ăn quen vị, ra nước ngoài còn chê món gốc không bằng Sài Gòn.
Chè ở thành phố này cũng vô đối với hàng trăm loại. Thứ gì cũng nấu chè được. Nhưng Sài Gòn hơn cả là "bánh mì Sài Gòn, đặc ruột, thơm bơ". Những trào lưu ăn uống, các món ngon mới lạ hầu hết đều khởi phát từ Sài Gòn rồi lan khắp cả nước. Người Sài Gòn thích cả chua lẫn ngọt, cả đắng lẫn cay.
Người Sài Gòn thứ thiệt chúa ghét sự giả dối lẫn đãi bôi, coi khinh những kẻ sống 2 mặt. Thấy bất bình là phản kháng. Người Sài Gòn quen uống cà phê sáng, thích trang phục và nhà ở kiểu Tây, khoái món ngon cả thế giới.
Người Sài Gòn mê đi du lịch và có tính toán, vừa chơi vừa tìm cơ hội kinh doanh, trải nghiệm, nạp thêm năng lượng sống, học hỏi thiên hạ nên du lịch 4 mùa, thiếu tiền thì vay mượn thêm hoặc trả góp. Nhiều người ít tiền mà sang, biết xài tiền hợp lý, nhất là khoản ăn uống và ăn vặt. Nhưng cũng không ít người bề ngoài giản dị, xuề xòa mà túi lúc nào cũng rủng rỉnh.
Vui thì đi chơi cho vui thêm. Buồn thì đi chơi để buồn bớt. Thất nghiệp thì đi chơi tìm hứng thú cho việc làm mới… Làm ra tiền, vừa biết hưởng thụ, vừa biết để dành chứ không cực đoan. Dân Sài Gòn thì đông, hơn chục triệu nhưng “người Sài Gòn” chưa được phân nửa. Tôi vào Sài Gòn đi học đại học và lập nghiệp từ năm 1974 mà vẫn chưa dám nhận là dân Sài Gòn thứ thiệt. Vấn đề không phải ở lâu hay ít mà là ở sự hòa nhập, tiếp thu và chuyển hóa.
Không ít người hỏi tôi: “Nơi nào ở Việt Nam đáng sống và hạnh phúc nhất?”. Tôi luôn khẳng định: “Sài Gòn, vùng đất ươm mầm cho rất nhiều tài năng thực hiện ước mơ, là sự chọn lựa hàng đầu của người Việt các địa phương khác đến học tập, mưu sinh, an cư và lạc nghiệp”. Có người cắc cớ: “Nhưng Sài Gòn vẫn còn nhiều tệ nạn như cướp giật, trấn lột, giao thông, ngập nước, ô nhiễm, mất vệ sinh…”.
TPHCM còn nhiều mặt chưa hoàn hảo nhưng so sánh với tỉ lệ dân số, vẫn là mảnh đất lý tưởng nhất. Số dân tạm cư và vãng lai chọn nơi đây lập nghiệp an cư nhiều hơn dân số của 57/63 tỉnh, thành Việt Nam. Dù chỉ chiếm 6,35% diện tích, khoảng 10% dân số (chưa kể tạm cư), TPHCM vẫn đóng góp gần 1/5 GDP cả nước và xuất khẩu, 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp và nộp ngân sách (số liệu năm 2022).
Đất và người Sài Gòn - TPHCM chưa bao giờ bớt hấp dẫn. Cảm ơn đất Sài Gòn nghĩa khí đã dung nạp, người Sài Gòn hào hiệp đã bao dung, giúp đỡ để những Hai Lúa như tôi có được ngày hôm nay.
Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html. |