Ngày 26/11, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019.
Đụng đâu vướng đó
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nhiệm - 60 tuổi, ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ - cho hay, trước đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Cần Giờ ký hợp đồng cho vay theo thời hạn 12 tháng, trả lãi 6 tháng/lần, trả nợ gốc 12 tháng/lần đúng như chính sách dành cho đối tượng sản xuất nông nghiệp thuộc danh mục được hỗ trợ, cụ thể trường hợp bà là nuôi thủy sản.
Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, ngân hàng cho vay theo hạn mức tín dụng, thanh toán lãi vay 3 tháng/lần, định kỳ hạn trả nợ gốc 6 tháng/lần đối với khoản vay nuôi tôm. Việc rút ngắn thời gian cho vay từ 12 tháng xuống còn 6 tháng đã ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Đối với nghề nuôi tôm, chu kỳ sản xuất tính từ lúc xử lý ao nuôi đến khi thu hoạch thương phẩm phải hơn 6 tháng. Sau thu hoạch, hộ nuôi tiếp tục chuẩn bị vốn để kịp thời đầu tư vụ tiếp theo.
"Với các hộ nuôi quy mô lớn, các khoản chi rất cao và liên tục phát sinh, kể cả sau thu hoạch. Đó là chưa tính đến dịch bệnh, người nuôi tôm có khi lỗ hoặc mất trắng, nên không kịp chuẩn bị nguồn vốn để thanh toán nợ gốc với ngân hàng” - bà Nhiệm nói.
Cũng theo bà Nhiệm, các hồ sơ duyệt vay không được nhận tiền mặt, phải qua tài khoản trung gian. Khi giải quyết vay vốn, ngân hàng định giá trị đất quá thấp so với giá thị trường, như đất mặt tiền giá 2 triệu đồng/m2 nhưng chỉ được định giá 90.000 đồng/m2, từ đó cho vay mức 70% của giá trị đất được định giá, nên nông dân không đủ chi phí đầu tư sản xuất.
Bà Nhiệm còn cho biết, hiện các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và những nông dân nuôi trồng thủy sản ở H.Cần Giờ có nhu cầu cất nhà tạm để chứa vật tư nông nghiệp, làm chỗ trông coi khu vực nuôi trồng, nhưng gặp khó khăn, rào cản pháp lý về xây dựng trên đất nông nghiệp. Bà kiến nghị, lãnh đạo TP.HCM sớm nghiên cứu, ban hành chính sách cho phép xây dựng các công trình phụ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.
|
Cơ sở nuôi trồng nấm mối bằng công nghệ “ba sạch” của ông Nguyễn Trương Hoài Thương tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tương tự, ông Lê Hữu Thiện - 41 tuổi, ở xã Bình Lợi, H.Bình Chánh - nhận định, sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao, đất hoang hóa còn nhiều, một bộ phận nông dân không an tâm đầu tư vào sản xuất.
Các chi phí như vật tư, phân bón, công lao động ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, vật giá leo thang, đầu ra không ổn định, sản phẩm nông nghiệp thường bị tư thương ép giá.
Theo ông Thiện, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn. Lãnh đạo thành phố có định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí lao động, tăng năng suất.
Nhưng để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cần phải có các công trình hỗ trợ, như trồng nấm thì phải có nhà lồng, trồng rau phải có nhà sơ chế, nhà chứa sản phẩm, phân bón, trồng lan phải có nhà chứa vật tư, nhà lưới.
Hiện một số hộ dân, HTX muốn đầu tư, ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nhưng không được cấp phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - ông Thiện cho hay.
Quỹ đất lớn, hiệu quả chưa tương xứng
Cũng theo ông Thiện, UBND TP.HCM nên xem xét quy hoạch vùng tập trung cho sản xuất nông nghiệp và cho phép nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm sang đất trồng cây lâu năm hoặc từ đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.
Như ở xã Đa Phước, hiện có trên 70 hộ nuôi tôm với tổng điện tích hơn 30ha, tập trung nuôi ở vùng ngập nước theo thủy triều, hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, diện tích đất nuôi tôm còn hạn chế do nằm ngoài kênh ngăn mặn của cánh đồng trồng lúa. Từ đó, một số hộ dân đã đào ao nuôi tôm phía trong kênh, hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa.
Tại xã Lê Minh Xuân, nông dân trồng tổng cộng 82ha dừa, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa, mía. Nông dân xã Lê Minh Xuân mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất trồng lúa, mía sang đất trồng cây lâu năm để phát triển việc trồng dừa kết hợp với du lịch sinh thái.
Ban thường vụ Hội Nông dân TP.HCM kiến nghị, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất đai; sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa, trồng mía, đất trồng khác kém hiệu quả sang đất trồng rau quả, nuôi tôm, chăn nuôi có hiệu quả hơn.
Hội cũng kiến nghị cho phép thí điểm việc xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đối với công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp theo loại hình nuôi trồng phổ biến nhất, như mô hình trồng dưa lưới, trồng nấm, trồng rau, hoa lan, cây kiểng và nuôi tôm công nghiệp, nuôi cá kiểng, nuôi heo, dê, trâu, bò…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - ghi nhận ý kiến của nông dân và Hội Nông dân TP.HCM.
Nông nghiệp đóng góp khoảng 0,6% GRDP của TP.HCM, tuy không lớn nhưng tăng trưởng ngày càng bền vững theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp.
Theo bà, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quỹ đất dành cho nông nghiệp khá lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng, do quy hoạch và sử dụng đất chưa tốt, hoặc có dự án đã quy hoạch nhưng vẫn chưa được thực hiện.
“Cần nhìn nhận rằng, sự kết nối giữa nhà sản xuất, trung gian và người tiêu dùng chưa tốt. Tôi đi thăm, thấy các anh chị tuân thủ quy trình VietGap nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Đó không hoàn toàn do nhà phân phối mà còn do nhà sản xuất lúc sản xuất nhiều, lúc ít, không ổn định” - bà nói.
Bà Dung đề nghị phải tìm cách khai thác hiệu quả quỹ đất. Hiện đất chưa sử dụng rất lớn, nhưng không đưa vào sản xuất nông nghiệp được do còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Đô thị hóa làm đất nông nghiệp giảm trên 500ha/năm TP.HCM hiện có 114.580ha đất nông nghiệp, chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 66.001,8ha, đất lâm nghiệp 35.684,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798,5ha, đất làm muối 1.708,9ha và 386,2ha đất nông nghiệp khác. Hằng năm, diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa. TP.HCM hiện có 52.593 hộ hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, bình quân 5,5%/năm giai đoạn từ 2011-2016 và các năm gần đây đạt mức tăng trưởng bình quân 6%/năm. Năm 2018, đóng góp của ngành nông nghiệp cho GRDP của TP.HCM đạt mức 0,7%/năm, tương đương gần 21.000 tỷ đồng. Sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và không xin được chứng nhận VietGap do không quy hoạch vùng sản xuất tại một số quận và hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Công tác đền bù giải tỏa gặp khó khăn, do giá đền bù theo khung giá thấp so với giá chuyển nhượng đất trên thị trường hàng chục lần. Bên cạnh đó, nhiều dự án đã đền bù, giải tỏa nhưng không thực hiện mà để đất hoang, vừa gây lãng phí đất sản xuất nông nghiệp, vừa là nơi để muỗi, chuột, bọ, sâu, rầy sinh sôi, gây dịch bệnh. Việc phát triển HTX, nhất là HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa đạt yêu cầu. Sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, HTX với doanh nghiệp còn hạn chế. Gần phân nửa diện tích trụ sở của HTX (49,9%) đang phải thuê, mượn của người dân hoặc được chính quyền địa phương cho mượn tạm. Việc vay vốn để mở rộng sản xuất của các HTX gặp nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp và do định giá đất nông nghiệp thấp nên số tiền được duyệt vay không đủ đầu tư sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Năng lực quản lý điều hành của thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, kế toán trưởng các HTX còn hạn chế, gặp khó khăn khi tham gia vào kinh tế thị trường. (Trích báo cáo của Hội Nông dân TP.HCM) |
Quốc Ngọc