Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM:

Đặt tên cho thành phố mới không phải cho “kêu”

08/10/2020 - 12:42

PNO - Tên gọi chỉ là một phần của bản thiết kế “tổng phổ” thành phố tương lai. Một thành phố được xem là đáng sống khi mọi người dân có được không gian sống chất lượng.


Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp ở ba quận phía đông của TPHCM - gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức - vừa có kết quả lấy ý kiến cử tri về việc thành lập đơn vị hành chính mới cũng như tên gọi cho thành phố tương lai này. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, các chuyên gia về lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc… cho rằng, ngoài tên gọi phù hợp, thành phố phía đông còn phải đảm bảo nhiều tiêu chí khác về chất lượng sống. 

Thành phố phía đông TPHCM được kỳ vọng sẽ là nơi đáng sống - Ảnh: Hoàng Nhiên
Thành phố phía đông TPHCM được kỳ vọng sẽ là nơi đáng sống - Ảnh: Hoàng Nhiên

Tên gọi cũng cần bền vững

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM - tên gọi của nhiều thành phố trên thế giới thường được bắt nguồn từ những yếu tố như điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, địa hình, đặc trưng nổi bật...), tên người sáng lập, một truyền thuyết, một sự kiện, địa danh cũ hay tên một vùng đất, một tộc người cổ xưa... Cũng có khi, tên một thành phố thể hiện kỳ vọng về tương lai của nó hoặc mang tên một nhân vật lịch sử. Nó giúp hình dung được một cách khái quát vị trí và phạm vi của thành phố, thậm chí có thể cung cấp hiểu biết về nguồn gốc hay lịch sử thành phố đó. 

Tiến sĩ Hậu cho rằng, nên đặt tên cho thành phố mới theo một trong những yếu tố đó, nhất là yếu tố mang tính bền vững qua thời gian. Đồng thời, tên gọi thành phố mới không nên quá xa lạ với phần lớn người dân ở đó để cộng đồng không cảm thấy mình bị mất một phần ký ức, thành phố mất một phần lịch sử và mối liên hệ với vùng xung quanh.

Tiến sĩ Hậu nói thêm, tên gọi một thành phố cho phép định vị thành phố trong một khu vực, vùng miền: vị trí địa lý, phân cấp hành chính, mối quan hệ với tỉnh, thành khác... Trong thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ và phổ biến, các thành phố lớn hình thành các đô thị vệ tinh với các chức năng chuyên biệt, do đó, tên gọi đô thị loại này cũng cần được phân biệt với đô thị mang tính chất “trung tâm hành chính” của các tỉnh, thành.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho rằng, việc thành lập một đơn vị hành chính (phố, phường, quận, thành phố và tương đương) là do cơ quan có thẩm quyền quyết định xuất phát từ nhu cầu thực tế và có sự đồng thuận của dân chúng. Nhà ngôn ngữ chỉ cho ý kiến về việc tên gọi đó có thích hợp hay không, hoặc góp ý cách đặt tên cho phù hợp với quy định, với lịch sử, thuần phong, mỹ tục. Thành lập một thành phố mới phải đáp ứng các tiêu chí của một thành phố dù ở cấp nào, trong đó phải tuân thủ về mặt diện tích, số đơn vị hành chính tối thiểu (đường phố, phường, quận), số dân, các cơ sở công thương nghiệp, các công trình giao thông và phúc lợi công cộng, công trình văn hóa, giáo dục, bệnh viện, y tế, ngân hàng… Nếu không, nó chỉ là “khu đô thị” chứ không phải thành phố. 

Hiện, các cơ quan có thẩm quyền của TPHCM chỉ mới tham khảo ý kiến người dân ở ba quận sẽ sáp nhập thành thành phố mới, trong khi thành phố mới liên quan đến mọi người dân của cả TPHCM. Ông Phạm Văn Tình nói, xuất hiện một thành phố mới là một điều thú vị, chứng tỏ TPHCM đã phát triển và việc tách một khu vực có vai trò, đặc thù riêng là rất cần thiết trong việc nới rộng phạm vi và quy mô một thành phố lớn. Thành phố trong thành phố là một mô hình đặc biệt. Theo ông, chỉ lấy ý kiến cư dân ba quận là chưa đủ, vì dân chúng các quận này đa số sẽ đồng tình do họ sẽ có được vị thế và lợi thế mới. Do đó, cần tham khảo ý kiến của cư dân không thuộc ba quận trên, ít nhất là lãnh đạo chủ chốt từ cấp phường trở lên để khách quan hơn. 

Theo kết quả lấy ý kiến cử tri trong mấy ngày qua, các tên gọi được đề xuất là: TP. Thủ Đức, TP. Đông, TP. Đông Sài Gòn, TP. Thủ Đức Mới, TP. Sài Gòn, TP. Thủ Thiêm, TP. Sài Gòn Gia Định… Khi được hỏi cái tên nào khả thi nhất, cả hai chuyên gia về lịch sử và ngôn ngữ đều lựa chọn “TP. Thủ Đức”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, tên gọi đó giữ được địa danh cũ có tính chất lịch sử - văn hóa, thể hiện quy mô và phạm vi của nó, đồng thời có thể nhận biết đây là một đô thị vệ tinh của TPHCM. Trong khi đó, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Văn Tình cắt nghĩa dưới góc nhìn ngôn ngữ học: “Tên gọi đó đại diện cho vùng địa danh ba quận này, kế thừa tên cũ, lại có nét riêng. Hai tiếng Thủ Đức rất hay về âm thanh và ý nghĩa”.

Tên hay thôi, chưa đủ

Tên gọi chỉ là một phần trong kế hoạch tổng thể thành lập thành phố mới. Một số chuyên gia cho rằng, kế hoạch hay, tên gọi hay nhưng làm dở thì “cũng chẳng để 
làm gì”. 

Hạ tầng là yếu tố quan trọng cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu cho việc thành lập thành phố Thủ Đức - Ảnh: Hải Long
Hạ tầng là yếu tố cốt lõi cần ưu tiên hàng đầu cho việc thành lập thành phố phía đông - Ảnh: Hải Long

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý, khi nhập ba quận lại, hạ tầng thành phố mới đã có sẵn mạng lưới giao thông liên kết vùng như Quốc lộ 1A, đường vành đai, tuyến metro sắp khai trương và cũng có quỹ đất khá rộng liên kết với trung tâm tài chính của TPHCM, khu công nghệ cao, các trường đại học. “Nhưng đừng quên, gần một nửa diện tích đất của Thủ Đức đã được xây dựng và địa phương này hiện cũng đang đối mặt với những vấn đề mà cả TPHCM đang gặp phải: kẹt xe, ngập nước, thiếu mảng xanh và không gian công cộng. Thu nhập bình quân của người dân nơi đây cũng không cao, đa số là công nhân” - ông Nam Sơn nhận định.

Thành phố tương lai này được kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM và 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, đây là một mục tiêu không hề dễ dàng và sẽ khó đạt được nếu chỉ dựa vào quy mô dân số khoảng trên 1 triệu người như hiện nay. Cần thêm nửa triệu dân số là nhân lực chất lượng cao để kéo thành phố đi lên. 

Theo ông, bản thiết kế cho thành phố này phải đảm bảo được hai điều cốt lõi. Trong đó, điều đầu tiên cần làm là xây dựng một không gian đô thị đủ sức hút đối với những người tài không chỉ ở trong nước. Nhóm dân số này sẽ làm ra những sản phẩm có giá trị, sức sáng tạo cao và vươn ra quốc tế. Chúng ta không thể đạt được các chỉ số kinh tế nói trên bằng nguồn nhân lực chất lượng thấp hoặc bậc trung với những công xưởng gia công hiện tại. Điều thứ hai là cần phải chỉnh trang đô thị hiện hữu để giảm bớt nạn kẹt xe, ngập nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân. 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói, thành phố tương lai sẽ chỉ được xem là một đô thị hiện đại, một thành phố đáng sống cho tất cả người dân khi không gian kiến trúc không chỉ có chung cư, nhà cao tầng mà còn phải có đủ diện tích mặt nước, mảng xanh tương đương với mật độ dân số, có đầy đủ không gian công như bệnh viện, trường học, không gian văn hóa mà mọi người dân đều có thể tiếp cận. 

Lấy tên “thành phố Thủ Đức”: Nơi ủng hộ cao, nơi thấp

HĐND các quận 2, 9, Thủ Đức đã có kết quả sơ bộ về việc lấy ý kiến cử tri. Về sáp nhập ba quận thành một đơn vị hành chính mới, quận 2 có hơn 72.500 người đi bỏ phiếu, trong đó 82% số cử tri đồng ý, 15% cử tri không đồng ý, 142 ý kiến khác; quận 9 có hơn 142.000 người cho ý kiến, trong đó 97,28% cử tri đồng ý, 2,29% cử tri không đồng ý và 152 ý kiến khác; quận Thủ Đức có gần 197.000 cử tri bỏ phiếu, trong đó 97,89% đồng ý, 0,78% cử tri không đồng ý.

Về việc lấy tên đơn vị hành chính mới là “thành phố Thủ Đức”, quận 2 có 76,85% cử tri đồng ý, hơn 20% không đồng ý và 1.149 cử tri có ý kiến khác; quận 9 có 96,08% cử tri đồng ý, 3,19% không đồng ý và có 586 ý kiến khác; quận Thủ Đức có 97,51% cử tri đồng ý, 1,15% không đồng ý và có 98 ý kiến khác.

Dự kiến, kết quả lấy ý kiến cử tri về tên đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập ba quận phía đông TPHCM sẽ được HĐND ba quận thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM vào ngày 10/10 tới. HĐND TPHCM sẽ xem xét, ra nghị quyết về việc lấy ý kiến cử tri này tại kỳ họp ngày 12/10.

Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được Bộ Nội vụ nhất trí, ba quận 2, 9, Thủ Đức sẽ sáp nhập, hình thành nên thành phố trực thuộc TPHCM. Theo kế hoạch của UBND TPHCM, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở cấp phường tán thành, HĐND các cấp liên quan sẽ thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp ba quận phía đông. HĐND TPHCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10 và UBND TPHCM sẽ trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.

Thành phố Thủ Đức (tên tạm gọi của thành phố phía đông) sau khi sáp nhập có diện tích gần 212km2, dân số hơn 1 triệu người, được kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển không chỉ ở TPHCM mà cả vùng Đông Nam Bộ.

Du Nguyên - Bảo Uyên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Doan thanh hung 12-10-2020 19:18:04

    Trước đây ví Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông (Viễn Đông là các nước trong vùng Đông Á), theo tôi nên đặt tên là thành phố Viễn Đông: âm nghe rất hay, đọc thuận miệng, chỉ gồm 2 từ ngắn gọn đỡ tốn giấy mực in ... giải nghĩa nôm thì là viễn cảnh phía Đông... Rồi người nước ngoài phát âm cũng dễ dàng, phù hợp với hội nhập quốc tế ...

  • Phàm ngọc Hà 10-10-2020 11:32:15

    Nếu có thay tôi xin đóng góp cái tên gọi là Thành Phố Đông Hồ (Phía Đông TP Hồ Chí Minh)

  • Dương Văn Huệ 09-10-2020 04:12:24

    Cái tên Thủ Đức đã hằn sâu vào ký ức của nhiều người dân thành phố. Nên trả lại tên cho đúng vị trí, cũng vì chia tách mới có quận 2 và 9 ...cần tôn trọng lịch sử của Thủ Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI