“Đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào lớp người trẻ”

14/11/2022 - 07:02

PNO - 5.500 quyển sách "Kính chào thế hệ thứ tư" được tặng cho Thành đoàn TPHCM, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Nhiều tác phẩm về ông cũng vừa được phát hành trong dịp này.

Kính chào thế hệ thứ tư tập hợp những bài nói chuyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cho đoàn viên - thanh niên, trong những năm ông giữ vai trò Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy TPHCM (1976-1982). Đây cũng chính là tình cảm, niềm tin, hy vọng mà ông dành cho thế hệ thứ tư - thế hệ trẻ của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong giai đoạn dựng xây đất nước. 

Triển lãm các ấn phẩm, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt diễn ra tại Đường sách TPHCM từ ngày 13 - 24/11 - ẢNH: S.G
Triển lãm các ấn phẩm, tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt diễn ra tại Đường sách TPHCM từ ngày 13 - 24/11 - Ảnh S.G

Tham gia buổi giao lưu cùng chủ đề tựa sách (trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào sáng 13/11, tại Đường sách TPHCM), bà Trương Mỹ Lệ - nguyên Quyền Bí thư Thành đoàn TPHCM, Phó chủ nhiệm thường trực câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn - chia sẻ: “Sau giải phóng, tôi được phân công về quận 11 đảm nhận vai trò bí thư quận ủy. Lúc đó tôi còn rất trẻ và vô cùng lo lắng về những vấn đề của thành phố. Khi gặp chú Sáu Dân, tôi có bày tỏ nỗi lo của mình. Chú Sáu nói với tôi rằng những năm sống trong lòng địch, bao phen nguy hiểm, tù đày còn vượt qua được, thì nhiệm vụ mới này Tư Liêm (bí danh của bà Trương Mỹ Lệ - PV) nhất định sẽ vượt qua, sẽ làm được. Nhờ có sự động viên, tin tưởng của chú Sáu mà tôi vững tin hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - nói điều luôn khiến bà nhớ và cảm phục đồng chí Võ Văn Kiệt là cách ông đối đãi với mọi tầng lớp nhân dân, ứng xử với đoàn viên - thanh niên, không phân biệt đối xử. “Lúc nào nói chuyện với các bạn trẻ, đồng chí cũng hỏi câu: “Các em có khỏe không?”. “Các em” bao gồm các cán bộ Thành đoàn, các chiến sĩ trở về từ chiến khu lẫn con em sĩ quan chế độ cũ. Đối với ông, thế hệ ấy - dù từng ở bên nào - chính là thế hệ sẽ cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước. Thanh thiếu niên, thiếu nhi cũng là đối tượng được ông đặc biệt quan tâm. Khi giao cho quận 11 xây dựng 1 khu vui chơi giải trí cho nhân dân, ông yêu cầu đó cũng phải là nơi dành cho cả trẻ em, thanh thiếu niên. Công viên văn hóa Đầm Sen chính là công trình đầu tiên mà đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo xây dựng cho thành phố. Trong ký ức của bà Trương Mỹ Lệ, cuộc gặp và trò chuyện với bà vào năm 1975, chú Sáu Dân đã giao quận 11 nhiệm vụ ấy. 

“Nếu các em và các bạn sau này có điều kiện ôn lại kỹ càng cả một giai đoạn cách mạng hào hùng đã qua của dân tộc, các em và các bạn sẽ biết thương yêu Tổ quốc Việt Nam ngàn lần yêu dấu, các em và các bạn sẽ mạnh lên gấp bội vì một niềm tin ở nhân dân và đất nước” - trích một trong các bài nói chuyện truyền lửa và cảm động của đồng chí Võ Văn Kiệt dành cho thế hệ thứ tư, vào dịp lễ kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/1977). Những lời nói, những trao truyền sức mạnh, niềm tin và hy vọng cho thế hệ thanh niên ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho thế hệ hôm nay. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI