PNO - Nhận đất rừng trồng keo, nhưng đến vụ người dân lại không được thu hoạch. Bao vốn liếng, công sức đổ vào cây keo trong suốt 8 năm qua giờ đành phải để lại trong rừng. Chuyện đang xảy ra ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Chỉ những gốc keo có đường kính hơn 40cm gãy đổ ngổn ngang giữa rừng, ông Đinh Hữu Anh (xóm 9, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) cho biết, những cây keo này gãy đổ đã gần 1 năm, nay đã khô, không còn làm được gì trừ làm củi. Năm 2007, ông Anh được UBND xã giao 5ha đất rừng để trồng keo với mục tiêu “vừa phát triển kinh tế vừa phủ xanh đất trống đồi trọc”. Thời điểm đó, khu vực được giao là rừng nghèo kiệt, chỉ toàn cây bụi và lau lách. Ngoài gia đình ông Anh, hơn 30 hộ dân xóm 9 cũng được giao mỗi hộ 5 - 7ha với cùng mục tiêu.
8-9 năm trước, người dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã bỏ vốn và công sức ra trồng keo. Nay cây keo đã quá lứa, gãy đổ, nhưng dân lại không được thu hoạch vì đất bị quy hoạch thành rừng đặc dụng - Ảnh: Phan Ngọc
“Xã giao đất và yêu cầu trong 2 năm phải trồng cây, ai không trồng sẽ bị thu hồi nên nhà nào không có tiền cũng gắng đi vay mượn ngân hàng để cải tạo đất, mua cây giống về trồng” - ông Anh nói. Đến năm 2014-2015, người dân lần lượt khai thác keo và đầu tư trồng lứa thứ hai. Năm 2021, đến thời điểm khai thác, thì dân bị lực lượng bảo vệ rừng ngăn cản với lý do: khu vực đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng. Đến giữa năm 2022, keo đổ gãy hàng loạt sau đợt mưa lớn. Tiếc của nhưng người dân cũng chỉ đứng nhìn bất lực.
Ông Nguyễn Viết Vinh (xóm 9, xã Nam Thanh) cho biết, gia đình nhận 7ha đất rừng ở mỏm núi Đại Huệ để trồng keo. Trung bình, mỗi héc-ta keo, gia đình ông phải đầu tư gần 35 triệu đồng tiền giống, nhân công… “Nếu biết khu vực này quy hoạch thành rừng đặc dụng thì tôi đã không dốc tiền của vào đây. Tại sao khi chúng tôi trồng thì không ai nói gì, bây giờ, khi tiền của đã đổ hết vào đây lại không cho chúng tôi thu hoạch? Chúng tôi chỉ mong được thu hoạch để lấy lại vốn liếng, sau đó, nếu Nhà nước không cho trồng nữa thì sẵn sàng trả lại đất” - ông Vinh bức xúc.
Ông Nguyễn Hùng Tám - Trưởng xóm 9, xã Nam Anh - cho biết, hơn 2/3 người dân trong xóm sống phụ thuộc vào việc trồng cây keo, cho nên việc rừng keo bị quy hoạch thành rừng đặc dụng không chỉ khiến họ đau đầu với những khoản vay để đầu tư mà còn làm họ mất đi kế sinh nhai. “Cho đến hiện tại, gần 70ha keo đã bị gãy đổ, chúng tôi đã đi kiểm tra, thống kê rồi xin phép cơ quan chức năng cho phép khai thác, nhưng không được” - ông Tám nói.
Phó chủ tịch UBND xã Nam Thanh Võ Văn Sơn bảo rằng, thời điểm rừng keo được quy hoạch thành rừng đặc dụng, chính quyền xã cũng không hay biết để thông báo cho người dân. Trong thời gian qua, địa phương cũng luôn phải tuyên truyền và theo dõi sát sao để người dân không tự ý vào rừng khai thác.
Tình cảnh trên cũng diễn ra ở nhiều xã khác ở huyện Nam Đàn.
Hậu quả của việc quy hoạch rừng trên bản đồ
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch rừng đặc dụng với diện tích hơn 3.000ha gắn với di tích lịch sử tại huyện Nam Đàn. Nhưng trước đó, như đã nói ở trên, vào năm 2007, một số diện tích đất trong 3.000ha quy hoạch rừng đặc dụng đã được chính quyền giao và cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163; khi lập hồ sơ đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, đơn vị quản lý rừng và UBND các xã không thông báo rõ với dân nên dân vẫn tiếp tục trồng keo. Giờ đây, khi sự việc đã lỡ, dân đã nhiều lần kiến nghị cho khai thác keo nhưng huyện không thể xử lý vì vượt quá thẩm quyền.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho rằng, đây là hậu quả của việc quy hoạch rừng trên bản đồ. Khi quy hoạch khu vực rừng keo ở xã Nam Thanh vào rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn có đi khảo sát thực tế nhưng không thông báo với dân, cũng không đụng chạm gì nên chẳng ai hay biết. Nhiều nơi ở Nghệ An cũng đang có tình trạng quy hoạch rừng chồng lấn. Đây là một vấn đề bất cập, UBND tỉnh Nghệ An đang cho rà soát lại để có phương án trình Thủ tướng xin chuyển đổi một số diện tích không phù hợp.
“Sau khi rà soát lại, nếu chỗ nào đất sản xuất bằng phẳng, sát nhà dân thì mạnh dạn chuyển thành rừng sản xuất để người dân có đất canh tác, chứ chỗ nào cũng khoanh thành rừng phòng hộ, đặc dụng thì dân lấy gì mà ăn” - ông Tuấn nói.
Ông Đậu Ngọc Cần kể, năm 2006, gia đình ông cùng 24 hộ khác ở xóm 4 (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) di chuyển nhà đến vị trí cách chỗ cũ chừng 500m theo chủ trương giãn dân và xây dựng kinh tế mới của tỉnh. Đến năm 2007, phần đất ở, đất canh tác của phần lớn những hộ này bị quy hoạch thành đất rừng phòng hộ, dẫn đến nhiều chuyện phiền toái. “Giờ muốn sửa chữa, cơi nới nhà cửa phải xin phép ban quản lý rừng phòng hộ; muốn chặt cây do chính mình trồng trên đất của mình cũng phải xin phép” - ông Cần nói.
Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân Nguyễn Thành Tâm cho hay, khoảng 70ha đất ở, đất canh tác của dân đã có bìa đỏ bị quy hoạch chồng chéo thành rừng phòng hộ, gây khó cho dân. Phần lớn số diện tích này là đất trồng keo, trồng dứa và trồng ngô (bắp).
Ông Nguyễn Khắc Hải - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho rằng, đúng ra khi đưa phần diện tích đất đã giao cho dân trước đó vào rừng phòng hộ, cơ quan chức năng phải xem xét bồi thường, thu hồi.
“Nhà cửa, trang trại người ta xây dựng rồi cũng quy hoạch rừng phòng hộ là không đúng” - ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - nói. Theo ông Dinh, huyện này đang phối hợp cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An tiến hành rà soát lại diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn. Sau khi rà soát, địa phương sẽ đề xuất đưa những vùng không xung yếu ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ để người dân yên tâm sản xuất, còn khu vực nào cần thiết thì đề nghị đền bù cho người dân để thu hồi đất. Dự kiến có gần 500ha đất rừng phòng hộ trên địa bàn huyện cần phải chuyển thành rừng sản xuất.