Đất nước nơi đầu sóng

20/05/2022 - 06:29

PNO - Có lẽ, bất kỳ ai một lần đến với Trường Sa đều sẽ giữ mãi trong tim những hình ảnh không thể nào quên về đất nước nơi đầu sóng.

Nâng niu chiếc lá to xanh gần gốc mồng tơi, người lính đảo nói với chúng tôi rằng, mỗi lần thu hoạch, anh và đồng đội đều phải để lại cho cây những chiếc lá này, mới nuôi được cây xanh tốt lâu hơn. 

Những đứa trẻ trên đảo Trường Sa lớn đang vui đùa cùng nhau.... Ảnh: Nguyễn Hồng/Báo Quốc tế
Những đứa trẻ trên đảo Trường Sa lớn đang vui đùa cùng nhau.... (Ảnh: Nguyễn Hồng/Báo Quốc tế)

Những loài rau trên đảo phổ biến nhất là dền, mồng tơi, muống, cải xanh, đay, bầu, bí, mướp... Chỉ có thể tưới bằng nước lợ nên mỗi ngọn rau sống được đều vô cùng quý giá. Giữa trùng khơi, nhìn thấy màu xanh của sự sống, lòng người đất liền rưng lên nỗi thương và sự trân trọng. Nơi đầu sóng, thiếu thốn rất nhiều thứ, nhưng từ trong điều kiện gian khó, khắc nghiệt ấy, vẫn nảy lên những mầm sống. 

Nhìn những chậu hoa giấy, cây đa được đoàn công tác đưa từ đất liền ra tặng cho các điểm đảo, tôi cứ hình dung mai đây, những cây con hôm nay sẽ vươn lên, tỏa bóng nơi này, như bàng vuông, phong ba, mù u, tra biển đã rắn rỏi vươn lên và gắn bó với Trường Sa qua biết bao mùa biển yên, biển động. 

Cây của biển, cây từ đất liền bám vào đất, vào đá san hô trên đảo mà sống, mà vững vàng, chở che. Có những khoảnh khắc ngồi dưới tán cây bàng vuông di sản, đi qua những hàng phong ba, nghe tiếng chuông chùa, không hiểu sao, tôi cảm thấy thật thân thuộc và bình yên, như thể đất liền trong tâm tưởng đã được nối gần với hình ảnh của lớp học ê a tiếng trẻ thơ, với những mái nhà quần tụ của người dân, của bóng cây xanh mát và có cả tiếng chim. Chợt nhớ những câu thơ trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông: “Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây, có cửa, có nhà/ Vẫn là đất nước của ta…”. “Đất nước của ta” nơi xa xôi ấy chính là Trường Sa. 

Lúc dừng chân trên đảo Sinh Tồn, tôi ngồi với các phụ nữ cùng gia đình đang sinh sống trên đảo. Nghe các chị kể chuyện sống ở đảo xa mà thương, mà mừng. Có chị bảo, khi còn ở đất liền hay bị ốm, không hiểu sao khi ra đảo, lại không bị ốm vặt nữa. Chị bảo, có lẽ sóng nước và nắng gió Trường Sa đã từng ngày rèn luyện sức khỏe cho chị, cho cả những đứa trẻ theo cha mẹ đến sống nơi này. 

Bọn trẻ con trên những điểm đảo mà tôi đã gặp như Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn hồn nhiên nô giỡn ngoài sân trường, vui vẻ với mọi điều chúng có và hầu như đều có những giấc mơ đậm dư vị của biển cả. Có em muốn lớn lên trở thành chiến sĩ hải quân, có em muốn trở thành ngư dân giong buồm chinh phục biển khơi.

Ngày ra đảo, các bé chỉ đang ở tuổi học mẫu giáo, lớp Một. Ngày trở về, các bé đều đã có thêm năm năm trưởng thành ở đảo xa với đầy kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm mà trẻ em ở đất liền không thể nào có được. Những hiểu biết của chúng về biển cả, về trăng sao có thể khiến người lớn bất ngờ. 

Hôm trước, tôi có dịp ngồi lại với cựu chiến sĩ Trường Sa Nguyễn Thanh Phong. Anh từng có thời gian công tác trên đảo Song Tử Tây. Anh ra đảo với niềm háo hức và tinh thần của một người lính trẻ. Anh nói, những ngày tháng sống và thực hiện nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây sẽ mãi là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời.

Tôi cũng đã nghe những tâm tình này của nhiều chiến sĩ ở các điểm đảo, chứng kiến niềm xúc động đến không thể kìm nổi nước mắt khi được gặp đoàn công tác ra thăm, chỉ vì “rất lâu rồi mới lại nghe giọng nói từ đất liền…”. Trên hải trình, những người mẹ ra đảo thăm con đều nói, ngày còn ở nhà, các con có thể là những chàng trai vô tư, nhiều thiếu sót nhưng sau thời gian ở đảo, người họ thấy các con trưởng thành, giỏi giang và có trách nhiệm hơn rất nhiều. 

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy từng nói rằng, ngoài màu xanh của biển trời, của cây cối và những vườn rau, Trường Sa còn có “màu xanh của sức trẻ và tâm hồn của những người lính biển”. Trên những đảo chìm, đảo nổi Đá Nam, Đá Lát, Đá Thị, Len Đao, Cô Lin, An Bang, Tiên Nữ, Phan Vinh, Tốc Tan, Nam Yết, Sơn Ca… hết thế hệ này đến thế hệ khác đã cùng nhau gìn giữ, dựng xây và phát triển từng ngày. Có lẽ, bất kỳ ai một lần đến với Trường Sa đều sẽ giữ mãi trong tim những hình ảnh không thể nào quên về đất nước nơi đầu sóng. 

Thấy được sự hy sinh lớn lao của những con người ngày đêm giữ biển, tuổi trẻ chúng tôi hiểu được rằng mình phải làm gì để góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước, xây dựng quê hương.

Đêm chia tay Trường Sa Lớn ở lại trong ký ức tôi, để mỗi lần nhắc đến là có thể rơi nước mắt. Trên tàu, dưới bến cảng, các chiến sĩ và nhân dân cùng nhau hát vang những bài ca tạm biệt. Những ca khúc hào hùng, những cái vẫy tay chào nhau và những nụ cười thật tươi dành cho nhau khiến ai cũng nghẹn lại. 

“Tổ quốc yêu Trường Sa”, “Trường Sa vì Tổ quốc”. Lời chia tay đặc biệt trên bến cảng chiều ấy là tình yêu lớn trao gửi của đất liền, của đảo xa. 

Bây giờ, nơi ấy, hoa bàng vuông vẫn nở, hàng phong ba vẫn xanh. Và Trường Sa thân yêu vẫn rất gần… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI