Gợi dẫn từ một "tập đại thành" về Nam kỳ
Bộ sách hai tập Nam kỳ và cư dân - do Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TP.HCM và Omega Plus ấn hành - của bác sĩ thuộc địa J.C.Baurac - tập đại thành về Nam kỳ thế kỷ XIX - vừa được xuất bản tại Việt Nam, nối dài thêm những cuốn sách “địa phương học” của các học giả người Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nam kỳ và cư dân không phải là sách đầu tiên của một học giả người Pháp viết về vùng đất Nam kỳ. Nhưng theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, “nếu những cuốn trước đó được viết dưới dạng hồi ức quân sự mang tính cá nhân, liên quan đến cuộc chiến tranh Pháp - Việt thì đến J.C.Baurac, mới có một tác phẩm có tính biên khảo với sự khảo cứu kỹ lưỡng của một người “đi dày dặn” trong vùng đất Nam bộ, mà mỗi một nơi, đều được tác giả miêu tả hết sức tỉ mỉ về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, xen lẫn cả những yếu tố lịch sử quan trọng, trong đó có những câu chuyện vượt khỏi tầm hiểu biết của chúng ta thời gian trước đó”.
Bộ sách hơn 1.100 trang của Baurac với nhiều hình ảnh, thông tin, kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam kỳ gồm hai tập: Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây, Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông.
Tập đầu được chia làm hai phần. Phần một gồm tám chương giới thiệu tổng quan vùng đất Nam kỳ (Nam kỳ lục tỉnh xưa). Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu).
Tập hai đã đi thẳng vào việc giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam kỳ (Mỹ Tho, Gò Công, Tân An (theo cách sắp xếp của người Pháp, ba địa phương này thuộc miền Đông Nam kỳ, khác với ngày nay là thuộc miền Tây Nam bộ), Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay).
Phải liệt kê sơ bộ như vậy để thấy tính chất “địa phương học” trong cuốn sách quý của bác sĩ Baurac, một lĩnh vực mà thậm chí tới cả ngày nay, cũng chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ về giá trị.
Địa dư là cơ sở của sử ký
Rõ ràng, nhìn lại ghi chép của các học giả người Pháp vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đã có không ít chuyên đề nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, đi vào nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, thư tịch học, văn học, đặc biệt là địa phương học. Không chỉ khảo sát ở đô thị, đồng bằng, họ trở thành “phượt thủ” trong văn hóa Việt Nam, “bản địa hóa” chính họ để đi về vùng sâu vùng xa, những vùng đất chưa ai khảo sát bao giờ. Có thể nói, thị hiếu chung của các học giả người Pháp thời đó là hướng về địa phương học.
Một số tác giả gắn với những tác phẩm đặc biệt đã được xuất bản tại Việt Nam như nhà nhân học Jacques Dournes với Forêt, Femme, Folie (Rừng, Đàn bà, Điên loạn), Les Populations montagnardes du Sud-Indochinois (Miền đất huyền ảo), Pötao, une théorie du pouvoir chez les Indochinois Jörai (Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương), Le pays Jörai (Xứ Jörai); tác giả Henri Maitre với Les Jungles Moi (Rừng người Thượng); nhà nghiên cứu Georges Condominas với Nous avons mangé la forêt (Chúng tôi ăn rừng); nhà giáo Hippolyte Breton với Le Vieux An - Tĩnh (An - Tĩnh cổ lục); giáo sĩ Henri Emmanuel Souvignet với Variétés Tonkinoises (Bắc kỳ tạp lục)… Mới nhất, chính là bộ sách về Nam kỳ của J.C.Baurac.
Trong bài tiểu dẫn cho Nam kỳ lục tỉnh địa dư chí - tác phẩm thể loại địa dư của tác giả Duy Minh Thị soạn bằng chữ Hán năm 1872 (Thượng Tân Thị dịch và chú giải), nhà văn Hồ Biểu Chánh - khi đó là giám đốc của tờ báo Đại Việt tập chí - đã viết: “Địa dư là cơ sở của sử ký”; “Người xưa dầu phải biết, mà quê xưa lại cần phải biết nhiều hơn. Muốn biết quê nhà đất tổ, tức nhiên phải học địa dư”… Trong phần bài tựa, nhà thơ Thượng Tân Thị đặt vấn đề: “Sách “địa dư” ở trong đời không thể không có được. Tại sao vậy? Lớn là một nước, ắt phải có bờ cõi núi sông. Nhỏ là một ấp cũng phải có giới hạn đất cát. Huống chi Nam kỳ gồm sáu tỉnh, có lẽ nào lại xem sơ lược được?”.
|
Nam Kỳ và cư dân" gồm hai tập, là một trong những cuốn sách quý về vùng đất Nam Kỳ xưa. |
Khi viết dẫn nhập cho chính cuốn Le Vieux An - Tĩnh, tác giả Hippolyte Breton, cũng lấy hai chữ “địa phương” làm ý hướng cho tác phẩm của mình. Theo ông, “người ta khuyên dùng lịch sử địa phương để dạy lịch sử dân tộc”. Ông cũng nói: “Chủ nghĩa địa phương không những là một tình cảm, mà còn là một phương pháp logic” (cái gì cũng bắt đầu từ cụ thể rồi mới khái quát - PV). Những quyển sách địa chí, hay gọi một cách trìu mến là “những quyển sách quê hương nhỏ”, sản phẩm của một thứ chủ nghĩa địa phương chân chính - chính nó đã ra sức cổ vũ tình yêu Tổ quốc…
Chỉ bấy nhiêu cũng cho thấy những trí giả thời xưa, dù Đông hay Tây, dù ở xuất phát từ điểm nhìn nào, cũng đều nhận ra vai trò của những tri thức bản địa, những tri thức địa phương trong quá trình tìm hiểu lịch sử của cả một dân tộc. Hiểu Việt Nam, hay nói một cách khác đi, phải hiểu từng ngọn cây cọng cỏ, phải hiểu từng tấc đất thớ ruộng, hiểu phong tục tập quán, hiểu hệ thống ao hồ sông rạch… hiểu đất đó, người đó, được khởi đi từ chỗ nào của tất cả các quê hương nhỏ trong một quê chung đó.
Những ngoại vi khác của Hà Nội, TP.HCM
Một lần, khi chia sẻ về những cuốn sách viết về Hà Nội hiện nay, tiến sĩ Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) nói, anh “thèm” đọc những công trình nghiên cứu, những cuốn sách về ngoại vi Hà Nội, tức những vùng nằm ngoài bán kính 3 - 5km, tính từ hồ Hoàn Kiếm - khu vực rất nhiều tác giả chọn làm điểm nhìn trung tâm để khảo sát. Cái ý hướng “ngoại vi” mà Mai Anh Tuấn nói, chính là những tri thức bản địa khác, những gương mặt khác của Hà Nội, những Đông Anh, Sóc Sơn, những Hà Nội khác Hà Nội người ta thường nói, mà nếu chịu khó tìm hiểu, có lẽ vẫn còn nhiều điều thú vị.
Trong cuộc nói chuyện về Nam kỳ và cư dân: Tập đại thành về Nam kỳ thế kỷ XIX qua con mắt của người Pháp diễn ra vào tối 12/3, khi nói về những cuốn sách/công trình nghiên cứu của các học giả người Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những cuốn địa chí, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói: “Mảng tư liệu này cực kỳ quan trọng. Nó khiến chúng ta không chỉ nhìn về một dòng lịch sử chính là lịch sử chiến tranh, mà còn có một mảng lịch sử lớn chưa được khai thác nhiều, thậm chí chưa được biết đến. Đó là lịch sử địa chí, lịch sử xã hội, trong đó có lịch sử văn hóa, lịch sử của đời sống, lịch sử của cộng đồng các tộc người, lịch sử các ngành nghề… Chính mảng tư liệu này ngày càng cung cấp cho chúng ta một góc nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về những giai đoạn lịch sử đã qua, đặc biệt những giai đoạn có các sự kiện quan trọng, làm thay đổi cả vận mệnh đất nước”. |
Không kể những cuốn sách/công trình địa phương chí do các địa phương tự soạn, “những cuốn sách quê hương” của các tác giả người Việt được biết đến hiện nay trên thị trường sách, chủ yếu vẫn là những cuốn viết về Hà Nội hoặc TP.HCM - hai trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa lớn nhất cả nước, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần. Một số cái tên ghi dấu ấn có thể kể ra là Lê Văn Nghĩa, Phạm Công Luận, Nguyễn Vĩnh Phúc, Giang Quân, Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Đức Hiệp… Thảng hoặc, mới có những cuốn sách viết về những địa phương khác, được xuất bản như biên khảo Chuyện xưa xứ Quảng của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Hữu Đăng Đạt (NXB Kim Đồng)… NXB Trẻ cũng từng cho ra một bộ sách Việt Nam các vùng văn hóa gồm nhiều cuốn viết về các tỉnh, thành trên cả nước; tuy nhiên, bộ này được xếp vào sách chính trị, không được bạn đọc biết đến nhiều. Và trong số những sách viết về các khu vực ngoại vi, đặc biệt, không thể không nhắc đến “ông già Nam bộ” - nhà văn Sơn Nam - người mà cả cuộc đời, gần như chỉ viết về Nam kỳ lục tỉnh, về đất và người, về lịch sử khẩn hoang, phát triển của toàn bộ vùng đất này.
Sách viết về địa phương có ăn khách không? Nhìn những tác giả dành cả đời để viết về một nơi chốn nào đó và được định danh trong lòng bạn đọc ở trên, dẫu không phải tác giả nào cũng là tác giả “best seller” nhưng chắc chắn, họ đều có một bộ phận độc giả của mình. Quan trọng là cách tiếp cận và kể lại câu chuyện đất và người đó như thế nào cho hấp dẫn. Điều này mở ra một khoảng trống còn quá nhiều điều chưa được kể trong câu chuyện “hiểu Việt Nam”, vẫy gọi những tác giả, những người yêu văn hóa, cũng như những đơn vị làm sách, đồng thời, cũng làm đa dạng hóa thị trường xuất bản hiện nay.
Đậu Dung