PNO - Những bộ tranh minh họa đặc sắc đã mang đến cho các tựa/bộ sách tranh đề tài khám phá văn hóa Việt sức hấp dẫn đặc biệt. Vẻ đẹp bản sắc của các vùng đất đã và đang tiếp tục được khai thác trong sách tranh thuần Việt.
Trong chuỗi hoạt động quảng bá sách tháng Tư của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, nổi bật có các chương trình giới thiệu những ấn phẩm khai thác cảnh sắc, văn hóa Việt. Trong đó có thể kể đến Đất nước gấm hoa (biên soạn: Võ Thị Mai Chi, tranh: Hồ Quốc Cường). Đây được xem là bản Atlas Việt Nam bằng tranh, khám phá 63 tỉnh thành với những thông tin, kiến thức về văn hóa - lịch sử mỗi vùng đất.
Bộ sách Câu chuyện dòng sông có tranh minh họa bắt mắt
Bên cạnh những giá trị tổng hợp và bao quát về nội dung, bộ tranh minh họa cho người đọc cách tiếp cận trực diện, nắm bắt thông tin, kiến thức bằng hình ảnh trực quan sinh động. Đó cũng là lý do Đất nước gấm hoa nổi bật và trở thành tựa sách best-seller, được tái bản chỉ trong thời gian ngắn sau khi phát hành. Cùng thời điểm, NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương. Tác phẩm kết hợp giữa phần lời là các trích đoạn văn xuôi nổi tiếng của văn học Việt Nam và phần tranh minh họa thể hiện dấu ấn cảnh quan văn hóa được kể trong các đoạn trích. Vợ chồng A Phủ, Lặng lẽ Sa Pa, Người lái đò sông Đà, Bên kia sông Đuống… trở lại trong ấn bản có tranh minh họa, cho người đọc trải nghiệm cách đọc mới, nhiều cảm xúc với những bức vẽ đẹp, thi vị và ấn tượng. Tranh đang ngày càng chứng tỏ “sức mạnh” trong việc tạo dấu ấn đặc biệt cho tác phẩm.
Đến thăm thành phố của em là bộ sách tranh (gồm 6 cuốn, vừa được NXB Trẻ ấn hành), với các tựa: Bắc Ninh ngọt ngào quan họ, Sa Pa mù sương, Huế miền đẹp miền thơ, Lý Sơn kỳ vĩ, Thành phố Hồ Chí Minh sống động từng giây và Cần Thơ bồng bềnh sông nước. Chọn những lát cắt, dấu ấn mang đậm tính bản sắc của mỗi vùng đất, bộ sách kể với bạn đọc nhỏ tuổi nhiều điều thú vị về làng tranh Đông Hồ, hội Lim, lễ hội Cầu Ngư của người dân miền biển; khám phá đất kinh kỳ hay đến thăm thành phố nằm bên dòng sông Hậu… Một trong những bộ sách tranh có cách tiếp cận thú vị còn có Câu chuyện dòng sông (bộ 3 tập, tác giả Thủy Nguyên), với những câu chuyện kể về lịch sử - văn hóa 2 miền từ sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Bộ sách Đến thăm thành phố của em cho trẻ nhỏ khám phá cảnh sắc, văn hóa của các vùng đất
Nhiều năm trước, có rất ít những tựa/bộ sách tranh khai thác đề tài văn hóa Việt. Một số tác phẩm sách tranh/sách minh họa ấn tượng trước đó có thể kể đến: Sài Gòn của em (2019), Việt Nam dọc miền du ký (2020), bộ sách Miền Trung (2020)… Hiện nay, cảm hứng từ văn hóa - lịch sử đất nước được khai thác trong sách tranh ngày càng đa dạng, hình thức thể hiện phong phú, độc đáo khiến cho thể loại này ngày càng tạo dấu ấn và cùng góp phần làm nên dòng chảy mạnh mẽ cho sách tranh thuần Việt.
Khám phá, hiểu biết để yêu thương
“Đất nước gấm hoa” trong sách tranh thuần Việt không chỉ có cảnh sắc văn hóa - lịch sử - con người mà còn chứa rất nhiều câu chuyện kể nhân văn về thế giới tự nhiên và muôn loài, trong những bối cảnh gần gũi, thân thuộc. Sau dự án Em yêu Việt Nam mình với những câu chuyện kể từ 3 miền Bắc - Trung - Nam và Tây Nguyên, Lionbooks tiếp tục cho ra mắt các ấn bản sách khám phá đại dương, biển đảo. Từ ngày 7 - 28/5, đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện “Đại dương là nhà” tại TPHCM và Hà Nội nhân dịp ra mắt bộ sách Bật mí tí ti - Thế giới diệu kỳ (với 2 tựa: Rùa biển và San hô). Chị Nguyễn Chiều Xuân - Giám đốc Lionbooks - cho biết, không gian triển lãm sẽ có tranh, ảnh, vật phẩm, mô hình…; đồng thời có sân chơi tương tác: tìm hiểu về hóa thạch, sáng tạo tranh từ vật liệu tái chế về các sinh vật biển… Chuỗi workshop nhằm góp phần giúp trẻ nhỏ hiểu biết hơn về đại dương và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn rùa biển.
Trong khi đó, NXB Trẻ thực hiện bộ sách Thiên nhiên kỳ thú, kể chuyện về các loài động vật hoang dã, quý hiếm tại Việt Nam. Trước đó, NXB Kim Đồng có bộ sách tranh Chang hoang dã (đã ra mắt được 2 tập: Chang hoang dã - Gấu và Chang hoang dã - Voi)… “Muốn cho các bé yêu thương, bảo vệ một đối tượng nào đó thì phải cho bé hiểu biết trước về đối tượng đó. Người lớn không thể bảo các bé phải như thế này hay thế kia, mà là gieo vào lòng trẻ tình yêu thương, tự khắc các con sẽ có hành động cụ thể” - tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (tác giả bộ sách Hít hà mùi đất nước) bày tỏ.
Cho trẻ khám phá cảnh sắc, văn hóa của mỗi vùng đất cũng chính là cách gieo vào tâm hồn trẻ thơ tình yêu quê hương đất nước. Kể những câu chuyện lịch sử gắn với di tích để xây đắp niềm tự hào. Một câu chuyện nhỏ về loài vật: voi rừng, rái cá, rùa biển, trĩ sao… cũng là cách truyền tải thông điệp nhẹ nhàng về ý thức bảo vệ, bảo tồn. Sách tranh đã và đang gieo mầm, truyền tải nhiều thông điệp rất ý nghĩa cho trẻ nhỏ. Các mẩu chuyện được kể trong không gian văn hóa Việt - điều mà sách tranh nước ngoài không thể có được. Sách tranh thuần Việt với “sự vào cuộc” của các tác giả, họa sĩ, đơn vị làm sách đã và đang tạo được dấu ấn, sức cộng hưởng lớn và lan tỏa giá trị tích cực. Đó là điều rất đáng mừng.