Đặt món cho nhanh, con tự làm chi cho cực?

19/06/2022 - 06:00

PNO - Trong một buổi tiệc giã từ lớp cũ, các bạn học sinh hào hứng lên kế hoạch tự tổ chức nấu nướng. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại vận động nhau bảo con chỉ chế biến vài kiểu đơn giản, còn lại sẽ đặt người ta giao tới.

Trong khi một số phụ huynh xuôi theo đề nghị này thì nhận được phản hồi của đại diện “bọn con nít”. Các con trình bày rằng biết cha mẹ không muốn con cực khổ, rằng việc đặt đồ ăn sẵn thì quá dễ lại “chắc ăn”, tuy nhiên việc các con tự đi mua đồ, tẩm ướp, nấu nướng sẽ ý nghĩa hơn nhiều và còn tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ. Rằng các con đã học lớp Chín, đã trưởng thành hơn so với cha mẹ nghĩ; hãy cho các con cơ hội để chứng minh các con làm được. 

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Hai ý kiến trái ngược nhau ở tình huống này phần nào thể hiện trong mắt cha mẹ, các con vẫn còn bé bỏng dù đã bước vào tuổi teen. Điều đó không tùy thuộc vào giàu nghèo, ở nông thôn hay thành thị mà tùy phụ huynh có “cho phép” con lớn lên hay không. 

Hồi học lớp lá, bé Thảo Nhi (Q.4, TP.HCM) hăm hở cùng cả lớp đi tham quan khu du lịch trong nội thành. Mẹ bé lo lắng khi các con còn quá nhỏ, lớp quá đông mà các thầy cô quản lý đoàn quá ít. Tuy nhiên, bé giãy nảy, đòi đi. Mẹ cho con đi nhưng bí mật theo sau. Mẹ bịt khẩu trang, mặc trang phục lạ, đứng núp ở gốc cây nhìn theo từng động tĩnh của bé. Bất giác điện thoại mẹ reo, Thảo Nhi phát hiện ra mẹ, bé tức giận, khóc lăn ra đất làm náo loạn cả đoàn. 

Giờ Thảo Nhi đã học xong lớp Chín, khi con hẹn đi chơi với nhóm bạn, mẹ vẫn kè kè theo. Nhóm đi ăn, mẹ cũng vào quán đó nhưng ngồi riêng bàn khác. Nhóm xem phim, mẹ ngồi quán cà phê gần đó. Em mắc cỡ với bạn và không ít lần xung đột với cha mẹ. 

Sự đồng hành (theo cách nghĩ của mẹ) mà cũng là sự bất tiện (theo cách nghĩ của Thảo Nhi và nhóm bạn) đến từ việc cha mẹ không cho phép Thảo Nhi chạy xe đạp, cũng không cho tự bắt xe ôm, taxi.

“Xã hội giờ phức tạp lắm. Cha mẹ chỉ có mình con. Lỡ có gì ân hận suốt đời”, mẹ Thảo Nhi luôn nói vậy. Thảo Nhi biết chạy xe đạp nhưng hễ ra đường là phải có cha hoặc mẹ chạy xe máy cặp theo giám sát, mở lối. Việc dắt xe đạp ra cửa, qua bậc thềm, cha mẹ luôn đảm trách dù chiều cao của Thảo Nhi năm nay đã vượt xa cả mẹ lẫn cha.

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

Mỗi lúc con đòi nấu nướng, sửa chữa đồ gia dụng, cho chim ăn, vá chiếc áo sứt chỉ, đi chợ mua bó rau… liền có người ngăn cản, tước ngay “công cụ lao động”. Có khi con bị ức chế vì cha mẹ cứ ngăn cản con làm việc này việc kia nhưng lại so sánh “con nhà người ta cũng bằng tuổi mà sao việc gì cũng thạo”.

Tuy nhiên, cũng có những trẻ đã quen sống trong sự bảo bọc, sẽ lo sợ, bất an khi phải tự ra quyết định, tự làm một việc mà thiếu vắng sự hiện diện “hùng vĩ” của người lớn bên cạnh. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI