Giảng viên nói “không được phân công”
Theo phản ánh của tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, ông từng được Bộ GD-ĐT cử đi học tiến sĩ tại Pháp bằng ngân sách nhà nước, sau khi trở về được phân công giảng dạy tại Trường đại học (ĐH) Bách khoa. Trong hơn 20 năm giảng dạy tại trường, ông không vi phạm quy chế làm việc, không vi phạm kỷ luật mà còn được Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục theo quyết định của Bộ GD-ĐT (năm 2022), đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” theo quyết định của trường vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, ngày 24/10/2023 vừa qua, nhà trường lại đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Duy vì lý do ông đã có 3 năm liên tiếp, từ 2020-2022, không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc làm này của nhà trường, theo ông Duy, là không khách quan, không đúng căn cứ pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của ông. Cụ thể, trước năm 2020, ông Duy được phân công giảng dạy nhiều môn, giảng dạy bậc cao học. Tuy nhiên từ năm 2020-2022, ông không được phân công giảng dạy đầy đủ, các giờ giảng dạy có được trong năm là do hướng dẫn luận văn/đồ án ở bậc ĐH, giảng dạy một số môn tự chọn chuyên ngành và giảng dạy một số lớp cao học nhưng do khoa khác phân công.
“Trưởng bộ môn, trưởng khoa và đa số giảng viên được ưu ái có số giờ giảng vượt xa định mức, trong khi tôi và một số giảng viên lại có số giờ giảng thấp hơn nhiều so với định mức. Mặc dù bộ môn không có đủ số môn học và số giờ dạy tương ứng để giảng viên đạt định mức nhưng bộ môn vẫn thuê giảng viên ngoài và tiếp tục tuyển thêm giảng viên mới” - ông Duy phản ánh.
|
Đơn cầu cứu của tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy gửi đến Báo Phụ nữ TPHCM |
Mặt khác, từ năm 2011-2015, ông Duy vẫn được phân công làm giáo viên chủ nhiệm các khóa, nhưng kể từ năm 2019 đến nay, không biết vì lý do gì, ông không còn được phân công. Đồng thời, từ năm học 2020-2021, do đại dịch COVID-19 nên ông Duy không thể nghiên cứu để có thể xuất bản các bài báo cáo khoa học, cũng là nguyên nhân dẫn đến số giờ của nhiệm vụ 2 (nhiệm vụ nghiên cứu khoa học) không cao. Ông Duy khẳng định, ông đã có giải trình lý do về việc bị đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ” và đề nghị được tạo điều kiện phân công giảng dạy đúng chuyên môn nhưng phía khoa không giải quyết.
Khoa Kỹ thuật hóa học sử dụng tiêu chí đánh giá nhiệm vụ 3 (nhiệm vụ khác) cho năm 2022 nhưng không lấy ý kiến đại diện tập thể viên chức, người lao động trong khoa, không công bố rộng rãi cho người lao động biết, không tổ chức cuộc họp, không để ông Duy trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác. “Có giảng viên trong bộ môn mặc dù có 3 năm liên tiếp bị đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn tiếp tục công tác. Trong khi đó, tôi là người có thâm niên công tác nhiều hơn, học vị cao hơn, trong năm 2022 đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trong năm 2023 đang là chủ nhiệm đề tài B cấp ĐH Quốc gia…” - ông Huỳnh Khánh Duy thông tin.
Trường bảo do “giáo viên không chủ động đăng ký”
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - cho biết, nhà trường đã xây dựng và ban hành quy định chế độ làm việc của viên chức lao động theo 3 nhiệm vụ: giảng dạy (nhiệm vụ 1), nghiên cứu khoa học (nhiệm vụ 2), nhiệm vụ khác (nhiệm vụ 3); tổng 3 nhiệm vụ là 100 điểm, nhưng điểm của thầy Huỳnh Khánh Duy không đạt. Trong năm 2022, nhà trường đã có công văn nhắc nhở, yêu cầu cá nhân, đơn vị giải trình việc liên tiếp 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ trước đó, nhưng năm 2022 thầy Duy lại tiếp tục không hoàn thành nhiệm vụ.
Về việc thầy Duy phản ánh không được khoa, bộ môn phân công giờ dạy dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ 1, ông Huỳnh Kỳ Phương Hạ cho rằng, chủ nhiệm bộ môn phân công theo nguyên tắc “phân công theo khối chuyên môn, năng lực và nhu cầu cá nhân”. Các môn tự chọn mà thầy Duy phụ trách trước nay thì vẫn giao thầy Duy, đồng thời trưởng bộ môn thực hiện việc thông báo để giáo viên đăng ký môn học nhưng thầy Duy không đăng ký dạy môn nào. Sau khi cân đối giờ dạy trong toàn bộ môn từ năm 2017-2022, thầy Duy chưa bao giờ báo cáo cho bộ môn hay ban chủ nhiệm khoa là thầy có nhu cầu dạy bộ môn hóa hữu cơ chung. Thậm chí, ngay khi trưởng bộ môn cho đăng ký nguyện vọng dạy bộ môn nào, thầy Duy cũng không đăng ký.
Thống kê khối lượng giảng dạy các năm học mà thầy Duy phản ánh cho thấy tổng giờ trung bình của bộ môn hữu cơ không thiếu. Tuy nhiên do thầy Duy ít tham gia hướng dẫn hoặc không tham gia hướng dẫn nên không có phần giờ này. “Mỗi năm, ban chủ nhiệm khoa có 3 lần email nhắc nhở thầy cô trong khoa phải kiểm tra khối lượng giảng dạy và yêu cầu phản hồi nhưng thầy Duy chưa phản hồi hay khiếu nại gì” - ông Huỳnh Kỳ Phương Hạ thông tin.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy phản biện, ban chủ nhiệm khoa mỗi năm có 3 lần email nhắc thầy cô kiểm tra khối lượng giảng dạy chỉ nhằm đối chiếu so sánh giờ dạy ghi nhận từ phòng đào tạo so với giờ dạy thầy cô được phân công nhằm tránh sai sót. Nguyên tắc phân công giờ giảng theo “khối chuyên môn, năng lực, nhu cầu cá nhân” không có trong bất kỳ quy định nào mà do trưởng bộ môn tự lập ra. Việc “đăng ký môn học tham gia giảng dạy” cũng không có trong quy định hay quy chế nào, chỉ mới bắt đầu áp dụng năm 2023 nên dù ông Duy có đăng ký cũng không thay đổi được bản chất sự việc đã diễn ra trong các năm 2020-2022.
“Giảng viên chỉ làm công tác chuyên môn giảng dạy nhưng lãnh đạo lại yêu cầu giảng viên liên hệ nhà máy để đưa sinh viên đi thực tập thì trách nhiệm của lãnh đạo bộ môn ở đâu? Đó là chưa kể, thời điểm đó đang diễn ra dịch COVID-19, không có nhà máy nào chịu nhận sinh viên đến thực tập cả. Còn về nhiệm vụ 2, nhà trường yêu cầu giảng viên phải đăng ký đề tài, vậy trong trường hợp đã đăng ký mà không được duyệt nhưng trường không có quy chế nào điều chỉnh, lại đưa ra quy định không đạt đủ giờ thì không hoàn thành nhiệm vụ là chưa phù hợp” - ông Huỳnh Khánh Duy nói.
Cần xem xét trách nhiệm của khoa và bộ môn Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng văn phòng luật sư Xuân Phú, Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, trách nhiệm bố trí, giao nhiệm vụ và bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức, giảng viên thực hiện nhiệm vụ thuộc về người đứng đầu đơn vị sử dụng lao động. Trong đó, việc bố trí, giao nhiệm vụ cho viên chức, giảng viên phải bảo đảm phù hợp giữa nhiệm vụ được giao với chức danh nghề nghiệp, được quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 26; điểm c, khoản 1, khoản 2 điều 66 Nghị định 115/2020 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Quyết định số 1832 và Quyết định số 3192 của Trường ĐH Bách khoa cũng đã quy định cụ thể, việc phân công, giao nhiệm vụ và điều phối việc giảng dạy, để đảm bảo cho giảng viên hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy là do cấp khoa, bộ môn của trường thực hiện. Có thể thấy, việc viên chức, giảng viên có hoàn thành nhiệm vụ theo đánh giá của nhà trường hay không là phụ thuộc vào khối lượng nhiệm vụ, công việc được giao. Nếu thực tế, viên chức, giảng viên không được phân công giảng dạy đầy đủ, thì không thể đạt điểm ở các tiêu chí đánh giá. Việc này đã được quy định rõ tại điều 2 Nghị định số 90/2020 của Chính phủ (được bổ sung bởi khoản 1 điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP), theo đó, việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo khách quan, cần xem xét, đánh giá lại quy trình phân công, giao nhiệm vụ cho viên chức, giảng viên của phía nhà trường có đầy đủ, để đảm bảo cho giảng viên hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy không. Ngoài ra, theo trình bày của giảng viên, mỗi năm, giảng viên đều có giải trình lý do và đề nghị được phân công giảng dạy đầy đủ, nhưng số giờ dạy vẫn không được giao thêm. Việc này cần xem xét trách nhiệm ở khoa và bộ môn. Bởi theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 9 về Quy chế chi tiêu nội bộ, ban hành theo Quyết định số 1818, khoa và bộ môn là đơn vị quản lý viên chức, giảng viên, sau khi nghe giải trình phải có hướng xử lý cải thiện. |
Thanh Hoa