Đặt kỳ vọng vào đường sắt cao tốc Bắc - Nam

29/07/2024 - 06:31

PNO - Việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc hiện đại Bắc - Nam sẽ là cuộc cách mạng cho hạ tầng đường sắt.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam nếu được triển khai sẽ ngốn khoảng 70 tỉ USD với tốc độ khai thác 350km/giờ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam nếu được triển khai sẽ ngốn khoảng 70 tỉ USD với tốc độ khai thác 350km/giờ - Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Khoảng 15-20 năm trở về trước, khách đi tàu hỏa luôn tấp nập, nhất là mỗi dịp lễ, tết. Khi đó, sân ga đông nghẹt người chầu chực, chen chúc, thậm chí phải thông qua “cò” mới mua được tấm vé tàu về quê.

Thế nhưng, theo thời gian, cùng với sự cạnh tranh, phát triển không ngừng của vận tải đường bộ, đường không, hành khách dần rời bỏ tàu hỏa, để lại những sân ga thưa vắng. Không thể phủ nhận ngành đường sắt đã có nhiều cải tiến về dịch vụ, chất lượng trong thời gian qua, nhưng vận tải đường sắt vẫn là loại hình yếu nhất, chỉ đáp ứng 1 - 2% tổng nhu cầu vận tải.

Trên trục giao thông Bắc - Nam, trong khi hệ thống đường bộ không ngừng được nâng cấp với sự hình thành nhanh chóng những tuyến đường cao tốc hiện đại thì hạ tầng đường sắt vẫn không thêm được gì ngoài tuyến đường duy nhất có tuổi đời hơn 100 năm và bị 2 cuộc chiến tranh tàn phá, nay đã lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Ngành đường sắt thế giới sử dụng khổ đường ray 1.435mm thì ngành đường sắt Việt Nam vẫn duy trì khổ 1.000mm nên tàu chạy chậm, ồn, rung lắc. Nguồn vốn đầu tư cho đường sắt ở Việt Nam chỉ chiếm 3 - 5% vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông hằng năm.

Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ các hạn chế và đặt ra những mục tiêu lớn để phát triển hệ thống đường sắt quốc gia, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với các mốc yêu cầu: hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2025, khởi công các đoạn ưu tiên (Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang) trong giai đoạn 2026-2030, hoàn thành toàn tuyến trước
năm 2045.

Có thể nói, việc hoàn thành đúng mục tiêu trên là cực kỳ khó khăn bởi dự án này đã “trầy trật” 15 năm nay. Trong cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chốt phương án xây tuyến đường sắt này với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, loại bỏ phương án tốc độ 200 - 250km/giờ, đồng thời đặt mục tiêu hoàn thành 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố vào năm 2035.

Với tuyến đường sắt cao tốc này, thời gian đi tàu từ TPHCM đến TP Hà Nội chỉ còn 5-6 giờ. Do đó, việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt này đúng tiến độ sẽ là bước đột phá lớn của ngành đường sắt, góp phần giải quyết bài toán chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để dự án khả thi, các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, với tinh thần “qua sông bắc cầu, qua núi khoét hầm, qua ruộng đắp nền” như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phải đặt tuyến đường sắt cao tốc trong bối cảnh liên kết, chia sẻ hiệu quả với các tuyến vận tải đã và đang hình thành trên trục giao thông Bắc - Nam, trong đó có 3 tuyến đường bộ gồm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến 70 tỉ USD, cần tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, phân kỳ đầu tư… từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau cho dự án đường sắt cao tốc này.

Việc quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc hiện đại Bắc - Nam sẽ là cuộc cách mạng cho hạ tầng đường sắt, là “xương sống” của vận tải khối lượng lớn, an toàn, ổn định, góp phần quan trọng tái cơ cấu các phương thức vận tải, hướng tới phát triển giao thông vận tải đa dạng, bền vững.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI