Hơn ba năm trước, một triển lãm tranh của người họa sĩ được giới thiệu là cựu binh từ chiến trường K. - Bùi Quang Lâm thu hút tôi đến phòng trưng bày. Những bức tranh có gam màu trầm, lạnh, đẹp và buồn. Buổi trò chuyện ấy, anh có nói rằng năm tháng chiến đấu ở chiến trường K. là quãng thời gian quý giá nhất đời. Ba năm sau, bất ngờ nghe tin anh xuất bản cuốn sách Đất “K” (truyện ký, nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tác phẩm cũng vừa được trao giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020.
1. “Mười hai giờ trưa chúng tôi có mặt tại quân trường Thị Vải. Khu đất trống mênh mông, lác đác vài cây to, tán rậm mát. Ngang cổng tấm bảng ghi: Đoàn Cao Bắc Lạng. Đây là đơn vị huấn luyện. Tôi về trung đội 1…” - Đất “K” được mở đầu như vậy. Giọng văn trần thuật, bình thản nhưng cũng mở ra đoạn đường dài phía trước của người chiến sĩ thư sinh vừa gác bút nghiên cầm súng ra chiến trường.
Sau ba tháng huấn luyện thao trường, các tân binh được đưa qua biên giới Kà Tum (Tây Ninh) sang Campuchia, chính thức bước vào trận chiến. Hình ảnh thấy ngay trước mắt là những chuyến xe chở thương binh, tử sĩ trở về. Những đêm trong rừng lạnh buốt, đói khát thường trực, hiểm nguy rình rập không ám ảnh người lính bằng hình ảnh đồng đội hy sinh ngay trước mắt, những làng mạc bị đốt cháy, những đoàn người tản cư đi như vô hồn trên đất K... Bản thân Bùi Quang Lâm cũng nhiều lần đứng trước lằn ranh sinh tử, thậm chí có lúc lạc rừng một mình mà gặp Pol Pot truy lùng, may được rừng che chở. Trung đội anh có 22 người, tàn cuộc chiến chỉ có ba người may mắn sống sót trở về Việt Nam.
Ký ức ấy quá khốc liệt, quá đau đớn đến mức Bùi Quang Lâm chỉ muốn vĩnh viễn quên đi. Nhưng rồi trong những lần họp mặt cựu chiến binh, nhiều đồng đội đã nhắc anh sao chỉ vẽ tranh thôi mà không viết sách. Trong tranh, anh khắc họa những khung cảnh thật bình yên. Rất nhiều bức tranh không có sự hiện diện của con người.
Anh đã từng vẽ trong tâm tưởng khi ngồi giữa chiến trường: “Đêm trăng non, bầu trời như thu nhỏ lại. Cánh rừng thông trải dài trên đồi dốc, vừa buồn vừa lãng mạn. Không gian thật tuyệt vời dành cho thi sĩ một tác phẩm của tạo hóa. Vậy mà…” - những tâm tư bỏ dở, khi thực tại của anh và đồng đội là bữa ăn vội với chút lương khô, tranh thủ chợp mắt để còn hành quân đường trường. Sự sống và cái chết có thể đến chỉ trong chớp mắt. Không nguôi ám ảnh trước những cuộc hành quyết man rợ của kẻ thù.
Những gam màu bình yên trong tranh sau này thật ra là một liệu pháp chữa lành cho chính người cựu binh chiến trường K., anh từng nói vẽ để “chữa lành nỗi đau trong tâm hồn”. Còn trong tác phẩm thai nghén gần bảy năm - Đất “K”, Bùi Quang Lâm đã không tránh né điều gì. Tất cả những nỗi ám ảnh anh muốn quên đã cùng trở lại trên trang viết.
Hơn 300 trang sách ấy không giản đơn là những câu chuyện kể, mà gói trọn cả cuộc đời anh. “Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần nhắc đến thì hình ảnh khốc liệt và cái vuốt mắt đồng đội hy sinh vẫn trở lại mới toanh trong tiềm thức. Tôi cố quên nhưng không sao quên được. Điều gì cố quên là điều đó đang in đậm trong trí nhớ. Quá khứ thường quay lại trong tôi bất cứ lúc nào, nhất là trong giấc ngủ” - anh chia sẻ. Viết cũng là một cuộc cứu rỗi. Viết cũng có nghĩa là để được quên đi.
“Mặt mũi rằn ri mái tóc dài/ Lằng nhằng ăn nói chẳng giống ai/ Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu/ Hết tiền cơm nguội báo oan gia…” - tác giả tự bạch bằng đôi dòng như thế trong truyện ký Đất “K”. Trên bìa gấp, anh cũng giới thiệu về mình đơn giản: “Sinh tại Sài Gòn, bộ đội xuất ngũ chiến trường K. Hiện đang vẽ và hoạt động báo chí tại TP.HCM”.
Ba năm trước, Bùi Quang Lâm chia sẻ nhiều về ký ức chiến trường, nỗi nhớ đồng đội nhưng không bày tỏ gì về cuộc sống sau xuất ngũ. Lần đầu tiên trong Đất “K”, khoảng đời ấy được kể lại chi tiết, từng đoạn dốc, từng tâm tư, những được mất, thành bại. Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường, anh trở về làm đủ nghề kiếm sống: đóng đàn, đạp xe ba gác, làm công nhân xí nghiệp, thợ bạc. Rồi gặp biến cố trắng tay, sống lang thang vạ vật cho đến khi may mắn được nhận việc làm vẽ pano quảng cáo, từ chân tô màu phụ cho đến khi học vẽ từ người thầy Trần Thanh Vân (giảng viên trường đại học Mỹ thuật TP.HCM) và trở thành họa sĩ…
Tác giả Bùi Quang Lâm
Phần đời sau chiến trường được viết như tự truyện, tác giả cũng không né tránh những mặt tốt - xấu trong tính cách/những góc khuất của một đoạn đời mưu sinh của mình và đồng đội - những người trở về. Không ngã giá cũng không tiếc nuối với tất cả lựa chọn. Điều đó khiến Đất “K” khác hẳn những tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tác phẩm không dừng lại ở cuộc chiến chính nghĩa, với những hy sinh xương máu, lý tưởng sống và sự anh dũng kiên cường của thế hệ trẻ một thời; mà còn chứa đựng cả những gam màu hiện thực đời sống của người cựu binh, dẫu có xót xa.
2. Đất “K” của Bùi Quang Lâm là một hành trình trở về ký ức, tâm thức với những trang viết đẹp và buồn. Như thơ. Như tranh. “Cha cõng giấc mơ Nam tiến/ Khi chiến tranh loang lổ quê hương…”, “Mẹ ơi! Ngày con về/ Là lúc chuyến tàu hoàng hôn/ Đưa mẹ về bên kia triền núi/ Hết những buồn vui cơm áo đời người”, “Dậy về thôi em ơi/ Mang dép đi mình về đất mẹ”… Những bài thơ anh viết cho cha mẹ, cho em trai - liệt sĩ Bùi Thanh Tùng (đã hy sinh ở chiến trường K.) khép lại trang sách
bùi ngùi.
Sáng 19/2 (mùng Tám tết) vừa qua, họa sĩ - cựu binh Bùi Quang Lâm chính thức được trao giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2020 cho tác phẩm đầu tay. Anh đã hoàn thành một giấc mộng chữ nghĩa mà năm xưa trước cuộc sống áo cơm đã có lúc nghĩ rằng “mộng văn chương thi sĩ bất thành, phải chuyên tâm làm việc để trả nợ”. Người cựu binh ấy, trên khuôn mặt có một vết sẹo - dấu vết chiến trường mà anh vẫn thường nói vui rằng người khác nhìn vào có khi thấy sợ. Nhưng tôi lại thấy phía sau khuôn mặt ấy, là một người rất hiền, cũng rất cô đơn…
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.