Đất đai chia cắt tình thâm: Tôi không muốn về già dựa vào con

11/09/2020 - 05:06

PNO - Bước qua tuổi 60, sức khoẻ bắt đầu giảm sút, tôi bắt đầu "thủ". Tôi nghĩ, chuẩn bị được tài chính, có tiền phòng thân để sống và chi phí chữa bệnh khi cần cũng là cách tránh xào xáo, bất hoà trong gia đình.

Nhân dịp vợ chồng anh Trung về quê sau gần một năm chuyển vào Sài Gòn ở với con, hội bạn của tôi mới được gặp nhau. Mọi người ngạc nhiên khi nhìn anh chị già yếu đi nhiều. Hỏi ra mới biết, anh chị vừa mua một căn chung cư cũ để ở riêng, vì mâu thuẫn với con trai và con dâu, không thể nhìn mặt nhau nữa.

Số tiền mua nhà cũng phải vay mượn nhiều, do tiền bán nhà cửa đất đai ở quê, anh chị đều đã chia hết cho các con. Cuộc sống tù túng trong không gian chung cư nhỏ khiến anh chị bức bối mệt mỏi. Con cái ít lui tới thăm nom cha mẹ, mà có đến cũng chỉ xin tiền.

Anh Trung than thở: "Biết thế này thì chẳng nghe con “dụ” bán đất hương hoả để theo vào thành phố. Về già lại rơi vào nợ nần, mà trở về quê thì cũng khó".

Nghe chuyện, cô bạn vừa nghỉ hưu của tôi chép miệng: “Thời buổi này, đừng trông mong con cái báo hiếu, chúng nó sống yên, không phiền đến mình là may rồi”. Nhưng chẳng phải ai cũng đồng tình với quan điểm đó, nhiều người phản đối: “Trẻ cậy cha, già cậy con, sinh con rồi nuôi lớn chỉ mong sau này về già nó chăm nom, chứ tiền núi mới vào được nhà dưỡng lão".

Chăm lo sức khoẻ và chủ động tài chính khi đối mặt tuổi già sẽ thấy an tâm hơn khi phụ thuộc vào con cái. Ảnh minh hoạ
Chăm lo sức khoẻ và chủ động tài chính sẽ an tâm hơn phụ thuộc vào con cái. Ảnh minh hoạ

Tất nhiên mỗi người mỗi cảnh, không thể kết luận đúng sai trong chuyện này. Tôi thì nghĩ, ở bất cứ lứa tuổi nào, sự chủ động luôn mang lại cảm giác an tâm, hơn là trông chờ vào người khác, dù là ruột thịt.

Cách đây 10 năm, tôi ngạc nhiên thấy chị gái sốt sắng tìm mua đất nghĩa địa để chuẩn bị hai chỗ an nghỉ ngàn thu, trong khi anh chị còn khoẻ mạnh. Lúc đầu, anh rể bực bội cho là “điềm gở”, nhưng về sau nghe vợ phân tích, anh cũng xuôi.

Chị rất lo xa, rủ anh viết đi viết lại bản di chúc, cất thật kỹ trong két sắt. Chị cũng thu xếp mọi công đoạn hậu sự theo kiểu: lỡ may có ra đi đột ngột cũng chẳng có gì rối loạn.

Các con đều lập gia đình và ở riêng, lâu nay anh chị tự lo cho cuộc sống của mình. Trước đó, con trai muốn mua ô tô còn con gái cần sửa nhà đã không ít lần về năn nỉ bố mẹ bán nửa mảnh đất đang ở để lấy tiền, nhưng chị nhất quyết không chịu. Chị chỉ đồng ý phụ giúp các con một ít tiền, chứ không bán dù là vài mét đất.

Chị bảo, đất đai nhà cửa thì trước sau gì cũng cho con cái, trong di chúc ghi kỹ rồi, nhưng không phải bây giờ. Cứ phải có tài sản gì "thủ" trong tay mới an tâm mà sống. Mấy chục năm nuôi con, lo lắng như thế là đủ, cứ dốc hết sức, dồn hết của cải cho con, biến mình thành người trắng tay khi tuổi già cận kề là quá mạo hiểm.

Chị tâm sự, lỡ có đau ốm nằm liệt giường, con cái không chăm không nuôi được cũng không trách, có thể thuê người giúp việc đỡ đần bằng tiền tiết kiệm tích luỹ. Công cuộc chuẩn bị cho những năm tháng về già của anh chị diễn ra từ lâu khi mới bước sang tuổi ngũ tuần. Trong đó, vai trò của con cái rất mờ nhạt, hầu như ba mẹ tự lo liệu mọi việc.

Không phải ai cũng như chị gái tôi, có người dồn toàn bộ sức lực, tiền của cho con với hy vọng khi về già sẽ có chỗ nương tựa. Nhưng không ít trường hợp nhận phải “quả đắng” khi con cái bất hiếu, hắt hủi cha mẹ khi trong tay ông bà không còn chút tài sản nào.

ở bất cứ lứa tuổi nào, sự chủ động của bản thân luôn mang lại cảm giác an tâm nhất hơn là trông chờ vào người khác dù là ruột thịt.
Cuộc sống đổi thay, lòng người khó lường. Nhiều người già đành phải nhờ dịch vụ dưỡng lão chứ chẳng trông mong gì con cháu. Ảnh minh hoạ

Tôi nhớ, bà cụ hàng xóm sống một mình rồi ra đi lặng lẽ, trong khi có năm đứa con đủ nếp đủ tẻ. Chồng mất sớm, lúc còn khoẻ mạnh, bà ở với con trai út, bao nhiêu vốn liếng đất đai đều cho con vì nghĩ mình ở với nó. Cách đối xử thiên lệch này khiến các con xào xáo nhau do mẹ không công bằng.

Đến khi bà đau ốm, vợ chồng con út bỏ bê, nhất quyết đòi ra riêng để mẹ ở một mình. Bốn đứa còn lại cũng chỉ về thăm chứ không chăm sóc hàng ngày được. Có đứa còn bóng gió: “Lúc khoẻ mẹ lo cho ai thì giờ đau bệnh người đó phải chăm mới đúng”. Các con đùn đẩy trách nhiệm khiến bà phải sống cô quạnh trong những năm tháng cuối đời.

Trước đây, tôi lạc quan vô âu lo với chuyện tuổi tác, nhưng khi bước qua mốc 60, sức khoẻ bắt đầu giảm sút thì khác. Nhìn gương bạn bè, tôi thấm thía: Nếu không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho tuổi xế chiều chắc hẳn sẽ rơi vào tình thế hụt hẫng. Việc quan trọng là phải giữ gìn sức khoẻ, cân bằng cuộc sống để tránh bệnh tật.

Tôi bây giờ sợ nhất cảnh tự nhiên đổ sập xuống, nằm một chỗ, sinh hoạt phụ thuộc vào con cháu. Chúng còn phải đi làm, còn sống cuộc đời của chúng chứ. Chăm bệnh cho mẹ vài năm, có khi chục năm thì hết thanh xuân rồi hết cả trung niên của con còn gì.

Thêm nữa, chuẩn bị được tài chính, có tiền phòng thân đủ để sống và chi phí chữa bệnh khi cần cũng là cách tránh xào xáo, bất hoà trong gia đình. 

                                                                     D. Chi

( Biên Hoà, Đồng Nai

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI