Đất đai chia cắt tình thâm: Tôi khốn khổ vì giao hết tài sản cho con

17/09/2020 - 05:33

PNO - Trước đây, nhìn những cảnh cha mẹ già khốn khổ vì giao hết tài sản cho con, tôi tự nhủ mình phải luôn chủ động mọi việc. Vậy mà...

Vợ chồng tôi có hai con trai. Hồi chồng còn sống, chúng tôi dự định sẽ cho các con ra riêng ngay sau khi lập gia đình, hai ông bà sẽ ở với nhau để khỏi phiền con cháu. Tránh cảnh cha mẹ già sống cùng con rồi nảy sinh mâu thuẫn, làm sứt mẻ tình cảm. Thôi thì lương hưu của hai vợ chồng tôi cũng thoải mái, nếu cần có thể thuê thêm người giúp việc.

Không may chồng tôi lâm bệnh, mất sớm, nên dự định đó đổ vỡ. Lúc đó, con trai đầu đã cưới vợ nhưng vẫn ở chung cùng gia đình, còn con trai út đang đi học. Tôi tính sau này sẽ ở cùng con út ở ngôi nhà của mình nên dồn gần như toàn bộ vốn liếng để hỗ trợ vợ chồng thằng cả xây nhà ra riêng.

Mấy năm sau, trai út cưới vợ, con dâu về ở với tôi. Tôi nghĩ mình sẽ không phải lo lắng vì có lương hưu, hàng tháng tôi đóng góp một khoản để con lo việc ăn uống.

Trong tay có tiền, tôi sống khá thảnh thơi, muốn đi đâu ăn uống gì đều tự lo được. Tôi và con dâu út cũng hợp, không va chạm gì nhiều. Tôi nghĩ, mình đang còn khoẻ thì phụ giúp con trông cháu lo chuyện bếp núp, sau này có ốm đau gì cũng nhờ con.

Khi chồng còn sống,
Trước đây, tôi dự định sẽ tự túc tuổi già, không phụ thuộc con cháu... nào ngờ chồng qua đời sớm nên mọi chuyện đổ vỡ. Ảnh minh hoạ

Con cả ở riêng nhưng cuộc sống chật vật với các khoản nợ ngân hàng. Thỉnh thoảng, nó ghé nhà mượn tiền tôi tiêu khi chưa có lương. Mỗi lần con hỏi tiền, thương con nên có bao nhiêu tôi cho bấy nhiêu. Con  út biết chuyện anh lấy tiền của mẹ thì không vui.

Nó bảo: “Mẹ sống với đứa nào thì lo cho đứa ấy chứ, sau này mẹ đau ốm thì vợ chồng con lo chứ có phải anh chị đâu”. Để xoa dịu con, tôi nói: “Mẹ sẽ để cho con cả căn nhà này, còn một ít tiền tiết kiệm sau này cũng phần con, đừng so với anh làm gì”.

Tôi không lường trước được sức khoẻ của mình, đang khoẻ mạnh bỗng dưng ngã bệnh. Lần đó tôi phát nhiều bệnh cùng lúc lại thêm biến chứng của huyết áp cao và tiểu đường, tưởng chừng không quá khỏi.

Trên giường bệnh, tôi hỏi tình hình sức khoẻ, bác sĩ bảo cứ yên tâm, họ đã trao đổi với người nhà. Khi tôi hỏi con thì nó im lặng, tôi nghĩ con giấu gì đó nghiêm trọng vì sợ tôi suy sụp.

Nhưng thỉnh thoảng tôi nghe loáng thoáng con nói chuyện điện thoại, có vẻ  tình hình của tôi rất nghiêm trọng. Tôi lo lắng gọi trai út đến giao chìa khoá tủ cá nhân, chỉ chỗ để sổ đỏ, sổ lương hưu và sổ tiết kiệm vì sợ mình ra đi đột ngột.

Nào ngờ, sau đó tôi xuất viện, con trai bảo bệnh của mẹ không đáng ngại nữa, bác sĩ cho về nhà điều trị tiếp. Tháng đó, tôi phải ký giấy uỷ quyền để con trai đi lĩnh lương hưu thay, nhưng khi về, nó không đưa cho tôi mà nói đã thanh toán tiền viện phí hết.

Khi có thể sinh hoạt ăn uống bình thường, tôi nhắc chuyện lấy lại sổ đỏ, sổ hưu và sổ tiết kiệm thì con tảng lờ. Tôi hỏi dồn thì nó nói: “Mẹ cứ để con lĩnh tiền để trả nợ, đợt mẹ ốm chi phí nhiều, con phải đi vay”, tôi chẳng biết làm thế nào.

Hơn một năm sau, tôi hỏi lần nữa thì con gắt gỏng: “Tiền lĩnh về con cũng lo cho mẹ ăn uống, có mất đi đâu. Mẹ lấy lại thì tự đi chợ nấu cơm mà ăn, có gì đừng gọi đến con”.

Tôi biết mình tuổi cao sức yếu, một bước đi một bước khó, nên đành nín nhịn. Từ đó, tôi như trở thành người phụ thuộc, muốn tiêu gì cũng phải ngửa tay xin tiền con.

Không có tiền trong tay, tôi thấy cuộc sống tù túng bí bách, con mua gì ăn nấy, không dám đòi hỏi. Từ ngày cầm được tất cả tài sản đất đai của tôi, con trai và con dâu cũng hỗn láo hẳn.

Giờ tôi phải lựa chọn giữa chuyện kiên quyết đòi lại đất đai tài sản và chấp nhận sống cô quạnh một mình hoặc giao cho con để rồi phụ thuộc hoàn toàn, sống phấp phỏng từng ngày ở tuổi xế chiều.
Giờ tôi phải lựa chọn giữa chuyện kiên quyết đòi lại đất đai tài sản và chấp nhận sống cô quạnh một mình hoặc giao cho con để rồi phụ thuộc hoàn toàn. Ảnh minh hoạ

Có lần đến đám giỗ bà ngoại , tôi bảo con đưa mấy triệu để lo việc như mọi năm. Nhưng con chỉ đưa năm trăm ngàn đồng và bảo: “Mẹ là con gái, đóng góp thế là đủ rồi, làm gì hẳn mấy triệu”. Tôi hụt hẫng, đau lòng.

Do con út nắm hết tiền bạc, tôi không có tiền cho con trai cả nên nó cũng ít lui tới thăm nom. Mới đây, thằng út “ép” tôi ký giấy sang tên sổ đỏ để nó thế chấp vay tiền ngân hàng làm ăn, tôi như ngồi trên đống lửa. Sợ một ngày mình không có chỗ dung thân vì quá hiểu tính liều mạng của con.

Trước đây, nhìn cảnh cha mẹ già khốn khó vì giao hết tài sản cho con, tôi từng tự nhủ mình phải luôn chủ động mọi việc. Nào ngờ, chỉ một cơn bệnh đã đẩy tôi vào tình cảnh thế này. Giờ tôi phải lựa chọn giữa chuyện kiên quyết đòi lại đất đai tài sản và chấp nhận sống cô quạnh một mình hoặc giao cho con để rồi phụ thuộc hoàn toàn, sống phấp phỏng từng ngày như hiện tại...

                                                     Thuý Loan

(Đồng Xoài, Bình Phước)                                                                               

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • ĐINH VAN LONG 17-09-2020 19:09:38

    Không phải mình chị bị như vậy đâu-khi còn khỏe còn trẻ từng ngày từng giờ mình lo hết cho những đứa con của mình .Đến nay khi mới về hưu được mấy năm các con đã thưa dần thăm hỏi-có đứa kinh tế hơn mình biết mình sẽ sửa nhà vậy là kiếm cớ giận mình để khỏi đến kẻo sợ phải ủng hộ tiền đó chị. Buồn và buồn mà thôi chứ làm gì bây giờ.

  • a letran2016 17-09-2020 15:26:48

    Thực ra gặp cảnh thế này chỉ nên trách mình vô phúc thôi. Nếu có phúc thì tự nó sẽ khác.

  • Sơn Lê 17-09-2020 15:12:55

    Thằng con trời đánh, đối xử với mẹ như thế có ngày ra đường xe ăn đó con.

  • mai hoang nguyen 17-09-2020 14:44:54

    Không có gì quý hơn độc lập tự do! Thà đau một lần mà sống trong dằn vặt, lo âu, nhất là tuổi già sống với con út và con dâu tham lam ích kỷ vậy, không an vui thì chết cũng không yên nữa. Đòilại và tách ra, càng rõ bộ mặt thật của 2 đứa đó, chẳng trông cậy gì đâu, tự thuê ô sin ở cho khỏe bác ạ. Tinh thần thoài mái là trên hết.

  • Thanh 17-09-2020 10:42:20

    Đọc bài xong thấy thương chị quá. Cả 2 người con như chị đã nêu trong bài, tôi thấy chị không thể nào sống yên vui với họ trong những ngày cuối đời. Tôi nghĩ chị nên gặp luật sư nhờ họ tư vấn để đòi lại giấy tờ đất đai nhà cửa khi chị còn sức khỏe đi lại và đầu óc còn minh mẫn. Sau đó thời gian chị còn khỏe thì chị sống 1 mình trong ngôi nhà của chị. Đồng thời chị nên nghĩ cách tìm cho mình 1 viện dưỡng lão để sống những ngày về sau nữa. Việt Nam hiện có những viện dưỡng lão có đóng phí sống cũng thanh thản đầu óc còn hơn ở cùng những đứa con chỉ biết đến tiền mà không có tình thương. Chị cũng hãy chấp nhận hoàn cảnh, đừng vì sợ sống cô quạnh mà dung dưỡng các con. Chúc chị có nhiều sức khỏe và tâm bình an.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI