Đất đai chia cắt tình thâm: Mẹ đã buông miếng đất như buông tờ giấy trắng

11/09/2020 - 12:28

PNO - Chỉ đến khi rời khỏi những "mớ bòng bong" về việc tranh chấp đất đai, mẹ tôi mới có lại những ngày vui vẻ, tinh thần thoải mái...

Có 1.001 những vấn đề về gia đình khiến người ta phải mệt mỏi, nhưng điều luôn khiến tôi thấy sợ nhất chính là bốn chữ này: tranh chấp đất đai. Đã chứng kiến, đã nghe, đã đọc không biết bao nhiêu bài báo về những vụ việc đau lòng.

Đụng tới bốn chữ đó, coi như đã thấy trước hậu quả hoặc gia đình tan tác xào xáo hoặc có "thắng kiện/thắng cuộc" hay gì thì người trong cuộc cũng lao đao mệt mỏi. Ăn không ngon ngủ chẳng yên. Đó là chưa dám nói đến những hậu quả đau lòng, khủng khiếp từ việc tranh chấp này.

Sợ, cho nên khi chẳng may gia đình mình cũng có lúc "suýt" lâm vào tình cảnh ấy, tôi là người đầu tiên lên tiếng ngăn cản mẹ. Thật ra, cũng không phải là việc anh em trong gia đình tranh giành với nhau cái gì - ngược lại, người giàu có hơn sẵn sàng cho đất, cho tiền các em lập nghiệp. Vấn đề nằm ở chỗ, mảnh đất thuộc diện "tranh chấp" ấy là đất ở quê, mẹ tôi sở hữu được từ thời ông bà ngoại sẻ đất cho con cháu ra riêng.

Sự bình an của người già mới là trên hết. Ảnh minh họa
Sự bình an của người già mới là trên hết. Ảnh minh họa

Đất ấy khi gia đình tôi chuyển nhà đi nơi khác, mẹ để cho đứa cháu - cũng nghèo tá túc. Cứ thế thời gian trôi vùn vụt qua mấy mươi năm. Mẹ còn giữ giấy chủ quyền nhưng cũng không nghĩ đến việc đòi lại đất. 

Chuyện bắt đầu khi vợ chồng người cháu ấy sinh tệ, đối xử không ra gì với mẹ ruột (là chị của mẹ, tôi gọi bằng dì). Rồi đến khi dì qua đời, gia đình họ vẫn không hối hận, vẫn đối xử tệ với họ hàng bên ngoại. Mẹ tôi giận quá, nghĩ rằng cần đòi đất lại cho... gia đình ấy chừa cái thói hung hăng, vô ơn ngang tàng. Cái lý ở phần mình, mọi việc hoàn toàn có thể giải quyết nhanh chóng nếu đưa ra kiện tụng.

Nhưng sự thật không đơn giản thế. Những ngày bàn bạc với các con việc về quê, ra xã, thảo đơn, kiện tụng..., mẹ tôi đã không thể ngủ ngon. Một người già ngoài tuổi 70, phải đối diện với những câu hỏi, những cuộc gặp mặt trao đổi từ phía chính quyền, rồi những lo lắng, mệt mỏi...Tôi nhìn không thể nào chịu nổi. 

Mảnh đất ấy, bao năm qua không có cả nhà cũng không có vấn đề gì cả. Những năm thiếu thốn, đói khổ nhất còn không nghĩ đến việc đi đòi lại. Giờ thì ít ra kinh tế gia đình ai cũng đủ ăn đủ mặc, đủ vui đủ chơi. Sao lại phải vướng vào bốn chữ "tranh chấp đất đai" này để mà làm gì? Dẫu biết, mảnh đất ấy bây giờ nếu lấy lại rồi rao bán, cũng rất có giá.

Phúc cho gia đình nào cả đời không phải vướng vào bốn chữ: tranh chấp đất đai
Phúc cho gia đình nào cả đời không phải vướng vào bốn chữ: tranh chấp đất đai

Tiền thì ai cũng cần, nhưng cái "giá" trước mắt mà gia đình, nhất là mẹ phải đối mặt tôi thấy nó mệt mỏi. Tôi cảm thấy, mảnh đất ấy nó chẳng thể quan trọng bằng giấc ngủ ngon của mẹ. Đó là chưa dám nói đến những hệ lụy nào có thể xảy đến khi mà con người ta bất chấp tình lý, mà trong mắt chỉ còn hai chữ "tài sản" của mình. 

Tôi đề nghị "bỏ" mảnh đất ấy, nhẹ nhàng như buông xuống một tờ giấy trắng. Anh em trong nhà rồi cũng mỗi người góp một câu. Cuối cùng mẹ tôi đồng ý không kiện tụng gì nữa. Tự nhiên mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, những cuộc gặp mặt không còn căng thẳng, sự tức giận của mẹ rồi cũng lắng xuống. Các anh tôi không phải đi đi về về để cùng nhau giải quyết vụ việc, khuôn mặt mẹ cũng giãn ra, cười nhiều hơn và đã trở lại những đêm ngon giấc.

Đất đai của mình, mồ hôi nước mắt của mình, tất nhiên ai cũng muốn giành về. Nhưng trong nhiều trường hợp, người với người tranh giành nhau vì lòng tham, tính ích kỷ cố hữu thì rồi mọi mệt mỏi khổ ải chính mình nhận lấy trước. Được vạ thì má đã sưng, đòi được đất rồi cũng "trầy vi tróc vảy". Những nghịch cảnh đau lòng xảy ra trước mắt, như chuyện con đánh đập mẹ già vì không được chia tài sản, người ngoài nghe còn thấy thắt lòng, huống gì là mẹ...

Nói thì dễ, buông mới khó. Nhưng đã nhìn thấy những hậu quả đau lòng chỉ vì "tranh chấp đất đai" rồi, gia đình tôi đã sớm tránh cho mẹ những mệt mỏi tuổi già. Ai làm sai làm quấy, tự khắc có luật nhân quả. Nghĩ như thế để thôi sân hận, trách móc. Mà nếu họ sống yên ổn vui khỏe thì thôi, cũng mừng cho họ.

Cuộc đời này, nghĩ dài thì quá dài, nhưng chớp mắt là đã hết trăm năm rồi...

Lục Giang

(Mỹ Tho, Tiền Giang)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI