Đất chín rồng nhìn từ những dòng sông

27/04/2022 - 07:05

PNO - Mực nước sông Mê Kông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những ngày qua lại dâng cao dù đang là mùa khô. Đó là điều bất thường, trái với những gì vẫn diễn ra từ bao nhiêu năm qua.

Trong suy nghĩ của nhiều người, mùa khô ở ĐBSCL là hình ảnh sông ngòi cạn kiệt nước do nước đã bị những đập thủy điện ở đầu nguồn chặn lại. Sông cạn nước dẫn đến mặn xâm nhập khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. 

Năm nay, nước về nhiều nhưng đi kèm theo đó là vô số bất lợi. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - nhà nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL - giải thích: “Từ cuối năm ngoái, các đập đầu nguồn đã tích đủ nước nên bây giờ xả ra để phát điện. Tác động tích cực trước mắt là làm giảm hạn mặn cho ĐBSCL nhưng tác động tiêu cực rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài, khó thấy hơn”. Theo ông, một trong những tác động tiêu cực là việc xả lũ trong mùa khô khiến dòng chảy lũ bị yếu đi, không đủ mạnh để tải phù sa, cát về ĐBSCL nữa. Thiếu phù sa sẽ làm gia tăng tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, khiến tổn thất về nhà cửa, tài sản, tính mạng ngày càng trầm trọng hơn.

Trong nhiều năm qua, sạt lở là vấn nạn đau đầu ở ĐBSCL. Bản tin VTV sáng 26/4 cho biết, H.Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là nơi có đến 30 điểm sạt lở nguy hiểm tính từ đầu năm đến nay, với tổng chiều dài trên 1.500m. Ở TP.Cần Thơ, hiện cũng có khoảng 23 điểm sạt lở nguy hiểm. Còn ở tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, có 101 điểm sạt lở với chiều dài gần 7,5km. Nếu tính cả vùng ĐBSCL, tổng chiều dài bị sạt lở lên đến vài trăm cây số. 

Tác động bất lợi từ các đập thủy điện ở thượng nguồn đến ĐBSCL là điều không cần bàn cãi, nhưng sạt lở ở ĐBSCL còn đến từ những tác động tại chỗ. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ - đó là nạn khai thác cát sông bừa bãi, phát triển cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch, phương tiện giao thông thủy có động cơ lớn tạo ra sóng khoét dần vào bờ sông, việc xây đê bao ngăn lũ khiến dòng chảy bị thay đổi, biến đổi khí hậu khiến nắng mưa thất thường.

 ĐBSCL được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tất cả điều này có được đều nhờ những dòng sông hiền hòa, nhưng bao năm qua, sông lại bị con người đối xử không đúng mức.  Đến nỗi, khi nói đến ĐBSCL, người ta nghĩ ngay đến những con sông hung dữ, sẵn sàng nuốt chửng đất đai, nhà cửa và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân. 

Thực tế là, những năm qua, các địa phương ở ĐBSCL đã tìm nhiều cách để xử lý tình trạng sạt lở, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chưa được như mong muốn. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Tuấn, đó là do các biện pháp khắc phục này chưa bền vững, chỉ giải quyết được những vấn đề phát sinh và đôi khi chính những giải pháp đó lại phản tác dụng, gây sạt lở ở những vị trí liền kề. 

Do đó, cần một sự đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của ĐBSCL trong giai đoạn mới. Một trong những việc cần làm là khôi phục lại hình ảnh hiền hòa quen thuộc của những dòng sông, để những dòng sông giúp vùng đất chín rồng phát triển. 

Châu Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI