Đập thủy điện là "tội đồ" gây thảm họa cho con người?

19/10/2020 - 09:31

PNO - Cứ đến mùa mưa lũ thì đập thủy điện thường bị gọi tên nhiều nhất như là một trong những nguyên nhân gây nên thảm họa cho con người. Cần có một cách tiếp cận mới về công năng của các công trình thủy điện cho giai đoạn mới?

Mỹ tìm cách sản xuất năng lượng sạch từ các đập thủy điện

Giới chủ quản lý hệ thống đập thủy điện và các tổ chức bảo vệ môi trường ở Mỹ mới đây đã chấp nhận ngồi lại cùng nhau nhằm thảo luận giải pháp cho mục tiêu kép: tạo ra nhiều năng lượng sạch hơn đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường do các đập thủy điện gây ra.

Đập Hoover là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất nước Mỹ - Ảnh: Ryan Thorpe/Unsplash
Đập Hoover là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất nước Mỹ - Ảnh: Ryan Thorpe/Unsplash

Đây có thể xem là một thắng lợi chung cho cả 2 phía sau cuộc chiến dai dẳng kéo dài hàng thập niên với chủ đề lớn: tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Năm ngoái, có khoảng 7% lượng điện được tạo ra từ các nhà máy thủy điện ở Mỹ, chủ yếu là từ các con đập lớn được xây dựng từ hàng thập niên trước đây, như đập thủy điện Hoover sử dụng nguồn nước từ con sông Colorado để vận hành các tuabin phát năng lượng. Các đập thủy điện không phải là đối tượng thải ra lượng cacbon dioxit gây nên hiện tượng ấm lên của trái đất; tuy nhiên, chúng lại là thủ phạm phá hủy hệ sinh thái, góp phần bức tử các dòng sông và hủy diệt sự sống của nhiều loài thủy sinh.

Đây chính là mối lo ngại lớn khiến trong suốt hơn 50 năm qua, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên kiên quyết phản đối bất cứ dự án xây dựng đập thủy điện lớn nào. Tương tự như vậy, hàng loạt đề xuất nâng cấp đập thủy điện cũ lẫn các dự án xây mới đập thủy điện vừa và nhỏ đều bị “ngâm” lại bởi sự phản ứng gay gắt của các nhóm bảo vệ môi trường trên toàn nước Mỹ.

Giờ đây, bằng sự thỏa hiệp này, ngành công nghiệp thủy điện và giới bảo vệ môi trường đồng ý hợp tác cùng nhau nhằm đạt được mục tiêu “tạo ra nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo từ các con đập thủy điện hiện có, đồng thời đầu tư cải tiến một phần trong số hơn 90.000 đập thủy điện đang xuống cấp để chúng được an toàn và ít gây hại đến hệ sinh thái”.

Ngoài ra, hàng loạt đập thủy điện cũ sẽ bị phá hủy để góp phần tái sinh cho các dòng sông. Trong hàng chục năm trở lại đây, hơn 1.000 đập thủy điện lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ đã bị tháo dỡ.

Lũ lớn trên sông Tittabawassee nhấn chìm thành phố Midland (tiểu bang Michigan) sau khi con đập Edenville bị vỡ hồi tháng 5/2020 - Ảnh: Neil Blake/AP
Lũ lớn trên sông Tittabawassee nhấn chìm thành phố Midland (tiểu bang Michigan) sau khi con đập Edenville bị vỡ hồi tháng 5/2020 - Ảnh: Neil Blake/AP

Ông Bob Irvin, chủ tịch Hiệp hội các con sông nước Mỹ cho biết, tình trạng ấm lên toàn cầu đã khiến giới bảo vệ môi trường lo lắng, và đó là lý do chính cho sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với các nhà máy thủy điện.

“Người ta nhận ra rằng, nhu cầu cần có nguồn năng lượng phi cacbon càng ngày càng bức thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay”, ông Irvin nói. “Và các nhà máy thủy điện có thể góp phần cho nhiệm vụ đó”.

Nhiều  chuyên gia năng lượng cho biết, các turbine gió và hệ thống năng lượng mặt trời đang ngày càng trở nên phổ biến đóng góp vào việc sản xuất năng lượng sạch. Tuy nhiên, chúng lại có hạn chế ở chỗ không có khả năng vận hành liên tục. Thủy điện có thể giúp khắc phục được vấn đề này nhờ vào hệ thống lưới điện rộng khắp của mình.

Mối lo ngại từ các đập thủy điện với đời sống con người

Năm 2019, các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) cũng đã tiến hành nghiên cứu một số dòng sông ở Mexico nơi có các con đập nằm ở phía thượng nguồn và so sánh với những con sông không có đập thủy điện. Họ nhận ra rằng, hệ sinh thái ở những con sông có đập thủy điện phải chịu tác động nặng nề như: số lượng cá bị sụt giảm, tính đa dạng của hệ thực vật bị mất đi...

Ước tính khoảng 1,3 triệu USD lợi nhuận thu được từ khai thác cá ở con sông Fuerte bị mất đi hàng năm do tác động của các đập thủy điện phía thượng nguồn.

Lượng cá ở các con sông có đập thủy điện phía thượng nguồn của Mexico bị suy giảm nặng nề - Ảnh: Tomas Castelazo/Wikimedia
Lượng cá ở các con sông có đập thủy điện phía thượng nguồn của Mexico bị suy giảm nặng nề - Ảnh: Tomas Castelazo/Wikimedia

Từ những năm 1990, Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong những định chế tài chính dành sự ủng hộ nhiệt tình cho việc phát triển các dự án xây dựng đập thủy điện. Điều này đã làm dấy lên sự phản đối gay gắt của công luận đến nỗi tờ The Economist từng gọi đích danh WB là “thế lực lớn nhất đứng đằng sau những con đập thủy điện” khiến tổ chức tài chính quốc tế này buộc phải hủy bỏ tài trợ một dự án xây dựng nhà máy thủy điện trị giá hàng chục triệu USD dọc con sông Narmada của Ấn Độ.

Vào năm 2000, chính WB, thông qua một báo cáo độc lập, đã phải công nhận rằng, “những con đập thủy điện lớn là tác nhân gây nên hậu quả nặng nề cho xã hội và môi trường”. Theo đó, có khoảng 80 triệu người trên khắp thế giới đã bị mất nơi ở và canh tác do phải nhường chỗ cho các nhà máy thủy điện.

Thổ dân biểu tình phản đối việc xây đập thủy điện Belo Monte trong rừng nhiệt đới Amazon năm 2011 - Ảnh: AFP
Thổ dân biểu tình phản đối việc xây đập thủy điện Belo Monte trong rừng nhiệt đới Amazon năm 2011 - Ảnh: AFP

Một cuộc khảo sát khác được thực hiện năm 2012 cho biết, hơn 70% người dân thuộc diện tái định cư nhường đất cho nhà máy thủy điện nói rằng, cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn trước đó do mất sinh kế và các tác động xã hội khác.

Nguyễn Thuận (theo NYT, Conversation, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI