Đập Tam Hiệp xả lũ, ít nhất 14 người đã chết

18/07/2020 - 19:57

PNO - Ba cửa xả lũ của đập Tam Hiệp bắc ngang sông Dương Tử (Trường Giang) được mở hết công suất khi mực nước trong lòng hồ dâng cao hơn 15m so với mực nước lũ.

Ít nhất 14 người thiệt mạng trong đợt lũ thứ 2 tại thượng nguồn sông Dương Tử. Ngày 18/7, các binh sĩ và công nhân tích cực xây dựng các hàng đê tạm thời bằng bao cát, đất đá để giữ sông Dương Tử và các nhánh của nó không tạo thêm ngập lụt diện rộng.

Theo Tân Hoa Xã, đến sáng 18/7, mực nước của hồ chứa phía sau con đập khổng lồ đã vượt quá 160,17m, cao hơn 15m so với báo động nước lũ.

Đập Tam Hiệp hiện đang tích trữ khoảng 45% công suất tối đa.
Đập Tam Hiệp mới bắt đầu xả lũ đã có ít nhất 14 người chết

Tân Hoa Xã trích dẫn công ty điều hành đập cho biết, con đập hiện giữ lại khoảng 45% lượng nước tối đa, lưu lượng nước vào hồ đạt 61.000 mét khối mỗi giây trong khi lưu lượng ra là 33.000 mét khối mỗi giây.

Đài Phát thanh Khẩn cấp Quốc gia Trung Quốc cho biết, ở phía thượng nguồn sông Dương Tử, 11 người đã thiệt mạng tại Trùng Khánh tính đến sáng 18/7, hơn 20.000 người đã được sơ tán và 1.031 ngôi nhà bị phá hủy tại Trùng Khánh.

Trong đó, ba vụ lở đất ở thị trấn Dunhao - một vùng núi của Trùng Khánh - khiến 6 người chết. Các thi thể được tìm thấy vào tối 17/7 sau khi hơn 200 người thực hiện hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Lượng mưa ghi nhận ở thị trấn Dunhao là 39cm.

Thêm 3 người khác chết ở tỉnh Hồ Bắc lân cận, bộ phận quản lý khẩn cấp cho biết trong một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.

Nhân viên cứu hộ, quân đội gia cố các đoạn đê trên sông Dương Tử.
Nhân viên cứu hộ, quân đội gia cố các đoạn đê trên sông Dương Tử

Đài truyền hình nhà nước CCTV đăng tải phóng sự cho thấy người dân dọn dẹp những con đường và cửa hàng ẩm ướt, lầy lội ở thành phố Enshi (Ân Thi) sau trận lụt nghiêm trọng hôm 17/7. Nhân viên cứu hộ sử dụng bè bơm hơi để giải cứu hơn 1.900 người bị mắc kẹt trong nhà và các cơ sở khác.

Theo Tân Hoa Xã, lính cứu hỏa, quân đội và người dân đã hoàn thành việc đắp lại đoạn đê vỡ dài 188m trên hồ Poyang (Bà Dương) - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc nằm ở hạ nguồn đập Tam Hiệp.

Con đê vỡ vào ngày 9/7, làm ngập 15 ngôi làng và cánh đồng nông nghiệp ở tỉnh Giang Tây. Hơn 14.000 người đã được sơ tán.

Mực nước lũ tại đập Tam Hiệp dự kiến ​​sẽ đạt đỉnh vào tối 18/7, nhưng theo Tân Hoa Xã, lượng nước lớn hơn có thể đổ về hồ chứa vào ngày 21/7. Đập thủy điện lớn nhất thế giới vốn được thiết kế để giảm thiểu lũ lụt thảm khốc.

Cơ quan quản lý tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, đã nâng mức cảnh báo lũ lên cao nhất - cảnh báo đỏ từ ngày 18/7 cho sông Dương Tử đoạn chảy qua khu vực Nam Kinh.

Nhân viên cứu hộ dùng thuyền phao tiếp cận các nạn nhân còn mắc kẹt do ngập lụt tại khu vực hồ Poyang.
Nhân viên cứu hộ dùng thuyền phao tiếp cận các nạn nhân còn mắc kẹt do ngập lụt tại khu vực hồ Poyang

Lũ lụt theo mùa tấn công Trung Quốc hàng năm, đặc biệt là ở khu vực miền trung và miền nam, nhưng lượng mưa dường như cao bất thường trong năm nay.

Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp quốc gia, khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 49 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD).

Cho đến nay, các thành phố lớn chưa chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng mối lo ngại ngày càng tăng lên ở Vũ Hán và các đô thị hạ lưu khác của đập Tam Hiệp, nơi có hàng chục triệu người sinh sống. Theo dự kiến, đợt lũ mới đến vào khoảng ngày 21/7, sẽ tồi tệ hơn cả hai đợt lũ vào đầu và giữa tháng 7.

Linh La (theo Taiwan News, Hindu Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI