Trung Quốc sắp đón trận lũ thứ 2, ông Tập Cận Bình yêu cầu đặt mạng sống người dân lên hàng đầu

17/07/2020 - 22:04

PNO - Chính quyền Trung Quốc cho biết thượng nguồn sông Dương Tử (Trường Giang) đón lũ đợt 2 vào tối ngày 17/7, đe dọa ảnh hưởng 40 triệu người.

Dòng chảy của đập Tam Hiệp đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính vào 20 giờ ngày 17/7, dòng chảy vượt quá mức "Lũ số 1" với lưu lượng 55.000m3/s, mạnh hơn đợt lũ hồi đầu tháng này.

Một số chuyên gia tin rằng lũ lụt ở sông Dương Tử năm nay do con người, chứ không phải thiên tai. Wang Weiluo - một chuyên gia về đập Tam Hiệp - nhận xét: "Dự án Tam Hiệp và hơn 100 hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử, bao gồm hồ Poyang (Bà Dương), cùng các hồ chứa và trạm thủy văn quan trọng khu vực hồ Dongting (Động Đình), đều có kế hoạch xả lũ chung vào sông Dương Tử. Vì vậy, có thể nói rằng lũ lụt năm nay ở sông Dương Tử đều là do con người, chứ không phải thảm họa tự nhiên”.

Đập Tam Hiệp đang mở toàn bộ 34 cửa xả, đe dọa tạo nên trận lũ lớn cho phái hạ lưu.
Đập Tam Hiệp đang mở toàn bộ 34 cửa xả, đe dọa tạo nên trận lũ lớn cho hạ lưu

Một cán bộ địa phương cho biết: “Đập Tam Hiệp sẽ có siêu lũ, và thành phố Vũ Hán là khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi hoạt động xả nước từ đập. Một khi Vũ Hán thất thủ, hạ lưu sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Một số thành phố và khu vực nông thôn tại trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử có thể chìm trong nước lũ. Nói cách khác, hàng triệu người dân vô tội có thể phải hy sinh để bảo vệ con đập".

Vinayak Bhat – một đại tá đã nghỉ hưu của Không quân Ấn Độ - công bố bức ảnh vệ tinh trên Twitter cá nhân, cho thấy Tam Hiệp đã xả lũ từ ngày 24/6, nhưng đến 29/6, tin tức về việc xả lũ mới được chính quyền công bố; và một bức ảnh vệ tinh chụp ngày 9/7 cho thấy đập Tam Hiệp mở hoàn toàn 34 tổ máy điện, dù vùng hạ lưu đang chìm trong lũ.

Nước sông Dương Tử tràn bờ hôm 15/7 tại Cửu Giang, tỉnh Giang Tây
Nước sông Dương Tử tràn bờ hôm 15/7 tại Cửu Giang, tỉnh Giang Tây

 Ngày 17/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Cục Chính trị Trung ương về công tác kiểm soát và cứu trợ lũ lụt. Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh việc đặt mạng sống và tài sản của người dân lên hàng đầu và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để làm tốt công tác kiểm soát, cứu trợ lũ lụt.

Trung Quốc đã phân bổ hàng cứu trợ, mền và lều cho các tỉnh An Huy và Hồ Nam vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Nhiều khu vực ở Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt lên cao nhất, chẳng hạn như thành phố Wuhu (Vu Hồ) ở phía đông tỉnh An Huy, và một số nơi ở Giang Tây, Chiết Giang.

Chính quyền địa phương tại thành phố Enshi (Ân Thi), tỉnh Hồ Bắc cũng nâng cấp ứng phó kiểm soát lũ khẩn cấp từ bậc 3 lên bậc 2, và tổng cộng 28.793 người đã được sơ tán.

Bức ảnh chụp từ trên không hôm 17/7 cho thấy ngôi làng Đặng Gia thuộc quận Poyang, tỉnh Giang Tây của Trung Quốc, đang bị bao vây bởi lũ lụt.
Bức ảnh chụp từ trên không hôm 17/7 cho thấy ngôi làng Đặng Gia thuộc quận Poyang, tỉnh Giang Tây của Trung Quốc, đang bị bao vây bởi lũ lụt

Riêng Thái Hồ (Taihu) ở phía đông tỉnh Giang Tô của Trung Quốc đã kích hoạt mức độ ứng phó lũ khẩn cấp cao nhất, đáng chú ý, nơi này hiện cũng đang đặt cảnh báo hạn hán ở mức cao nhất.

Các nhà phân tích cho rằng hoạt động kinh tế ở các khu vực khác của Trung Quốc, đặc biệt là ngành xây dựng, thép và xi măng cũng bị tổn thương do lũ lụt.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết hôm 17/7, "chúng tôi ước tính lũ lụt gần đây ở các khu vực sông Dương Tử có thể làm giảm 0,4-0,8 điểm phần trăm đối với tăng trưởng GDP quý III".

Linh La (theo CGTN, ntdtv)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI