Đập nước Trung Quốc thu hẹp 50% dòng chảy sông Mê Kông

10/01/2021 - 21:04

PNO - Theo thông báo đột ngột của Trung Quốc, lưu lượng sông Mê Kông sẽ giảm đi 50% cho đến ngày 24/1 trong thời gian nước này bảo trì đường dây tải điện. Trước đó vài ngày, các nhà quan sát đã báo cáo mực nước Mê Kông giảm mạnh và cảnh báo, hệ sinh thái cũng như sinh kế của người dân ven sông đang bị đe dọa.

Các nhà hoạt động và quan sát sông Mekong cảnh báo về tác động của các con đập Trung Quốc đối với cộng đồng và động vật hoang dã ở hạ nguồn -  Ảnh: Pianporn Deetes
Các nhà hoạt động và quan sát sông Mê Kông cảnh báo về tác động của các con đập Trung Quốc đối với cộng đồng và động vật hoang dã ở hạ nguồn - Ảnh: Pianporn Deetes

Các nhà quan sát và các nhà hoạt động cảnh báo rằng quyết định của Trung Quốc - ngăn dòng nước sông Mê Kông tại một đập thủy điện trong gần một tháng - sẽ làm gián đoạn nghề cá và sinh kế của dân cư địa phương dọc theo tuyến đường thủy vốn là nguồn sống của 60 triệu người.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc hôm 5/1 thông báo với các nước láng giềng ở hạ lưu con sông dài nhất Đông Nam Á rằng họ đã giảm lưu lượng nước cho đến ngày 24/1 để "bảo trì đường dây truyền tải của lưới điện". Các nhà hoạt động cho biết thông báo trên “đến quá muộn”.

Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã cắt giảm tốc độ xả nước xuống 1.000m3/s, giảm 47% lưu lượng dòng chảy, Bộ Tài nguyên nước cho biết trên một website được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sông Mê Kông.

Điều này xảy ra một ngày sau khi Tổ chức Giám sát đập nước trên sông Mê Kông (MDM) cho biết mực nước đã giảm đột ngột tại một khu vực ở Thái Lan và cho biết Trung Quốc đã không thông báo cho các nước hạ nguồn về việc cắt giảm lưu lượng nước, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 31/12/2020.

 Tác động của việc cắt giảm dòng chảy được nhận thấy ở Chiang Saen, một huyện miền bắc Thái Lan cách đập thủy điện Cảnh Hồng khoảng 300km
Tác động của việc cắt giảm dòng chảy được nhận thấy ở Chiang Saen, một huyện miền bắc Thái Lan cách đập thủy điện Cảnh Hồng khoảng 300km.

Tác động của việc cắt giảm dòng chảy được nhận thấy ở Chiang Saen, một huyện miền bắc Thái Lan cách đập thủy điện Cảnh Hồng khoảng 300km. Ủy ban sông Mê Kông (MRC) cho biết mực nước ở đó đã giảm khoảng 2m trong khoảng thời gian từ ngày 2-4/1.

John Roberts, một nhà hoạt động thuộc tổ chức Con voi tam giác vàng châu Á (GTAEF) tại địa phương cho biết tàu bè không thể đi lại ở đoạn sông này.

Tàu bè không thể đi lại ở đoạn sông này do Trung quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn - Ảnh: SCMP/Getty Images
Tàu bè không thể đi lại ở đoạn sông này do Trung quốc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn - Ảnh: SCMP/Getty Images

Ông Roberts cho biết “lũ lụt tự nhiên rất quan trọng để đổi mới các hệ sinh thái và cung cấp môi trường sống quan trọng cho cá, thủy cầm và động vật hoang dã”. Các nhánh sông khác cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo ước tính của MRC, đoạn chảy qua Vientiane và Paksan ở Lào và Nong Khai ở Thái Lan, sẽ bị giảm mực nước từ 22cm đến 35cm trong 5 ngày cho đến ngày 11/1.

Tiến sĩ Lam Hung Son, Giám đốc Trung tâm lũ lụt và hạn hán khu vực của MRC, cho biết: “Các hoạt động giao thông trên sông Mê Kông, đặc biệt là xung quanh các khu vực gần đập Cảnh Hồng, có thể bị ảnh hưởng. Một số hoạt động sinh kế của người dân địa phương như thu hoạch rong tảo và đánh bắt cá cũng có thể bị ảnh hưởng”.

Trung Quốc đã bác bỏ các thông tin cho rằng 11 con đập khổng lồ nước này xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông - phần chảy qua Trung Quốc gọi là sông Lan Thương - đã gây ra hạn hán ở vùng hạ lưu Mê Kông trong những năm gần đây và cho rằng nguyên nhân của sự thay đổi này là do biến đổi khí hậu toàn cầu và lượng mưa thấp.

Nhưng các chuyên gia và các nhà hoạt động cho rằng diễn biến mới nhất một lần nữa cho thấy các hoạt động ở thượng nguồn của Trung Quốc đã làm gián đoạn hệ sinh thái và sinh kế ở các nước hạ lưu sông Mê Kông. “Điều này không mới, đó là một trường hợp khẩn cấp mãn tính”, ông Pianporn Deetes, Giám đốc chiến dịch của nhóm gây áp lực Các con sông quốc tế (IR) có trụ sở tại Thái Lan, khẳng định.

Ông cho biết: “Việc mực nước sông Mê Kông giảm mạnh và đột ngột tại Chiang Saen, hạ lưu đập Cảnh Hồng của Trung Quốc và các thác nước bậc thang sông Lan Thương, đã được cư dân địa phương biết đến trong gần hai thập niên. Nhưng nó không được chính phủ Trung Quốc và (các quốc gia sông Mê Kông) ghi nhận và chính thức công nhận.

Ông nói, “điều này đã và đang tàn phá hệ sinh thái của sông Mê Kông. Nó thậm chí còn quan trọng hơn trong thời đại dịch COVID-19, khi mọi người cần dựa vào sông Mê Kông để có thu nhập và an ninh lương thực”.

Ông Brian Eyler - đồng Giám đốc dự án MDM được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần - là người đầu tiên báo cáo mực nước giảm ở Chiang Saen. Ông cảnh báo việc Trung Quốc “giam” nguồn nước ở thượng nguồn lần này sẽ "tác động sâu sắc" đến nghề cá địa phương ở Thái Lan, Lào và Myanmar, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh phải cảnh báo trước cho các nước hạ nguồn.

Ông Eyler nói rằng thông báo hôm 5/1 của Trung Quốc được hoan nghênh, nhưng "nó đến muộn 5 ngày và không có tham vấn trước với các bên liên quan ở hạ nguồn".

Tổ chức Giám sát đập nước trên sông Mê Kông (MDM) - có trụ sở tại Washington - đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi mực nước sông Mê Kông, họ cho biết mực nước rất thấp tại một số trạm kiểm soát ở 3 quốc gia hạ lưu. Trong vòng 12 giờ sau khi MDM công bố tình hình nước sông Mê Kông, Trung Quốc mới đưa ra một thông báo. Vì vậy, thông báo của Trung Quốc “đã muộn”.

Quế Lâm (theo SCMP, VOA)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Minh 11-01-2021 12:11:13

    Hậu quả thường xuyên do trung quốc gây ra làm ảnh hưởng đời sống của các nước dưới hạ nguồn sông mêkông là quá lớn lao và lâu dài, bây giờ muốn được dòng chảy tự nhiên trở lại thì các nước phải đoàn kết chống lại dã tâm của trung quốc bằng cách đưa trường hợp này đến ĐHĐLHQ để giải quyết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI