Đập Luang Prabang đe dọa sinh kế 70 triệu người

06/07/2020 - 06:02

PNO - Đập Luang Prabang khởi công trong năm nay sẽ gây tác động tiêu cực đến khoảng 70 triệu người sống trong lưu vực sông Mê Kông.

Lào đang có kế hoạch xây dựng 72 dự án thủy điện mới quy mô lớn, trong đó có đập Luang Prabang khởi công trong năm nay. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến hàng triệu nông dân nghèo và khoảng 70 triệu người sống trong lưu vực sông Mê Kông.

Đập thủy điện Luang Prabang lớn nhất của Lào có công suất 1.410 megawatt (MW), do Tập đoàn Xây dựng CH Karnchang Plc (Thái Lan) làm thầu thi công trên dòng chính sông Mê Kông. Điều đáng lo ngại là vị trí xây dựng đập và hồ chứa nằm cách một đoạn đứt gãy địa chất chỉ 8,6km, trong vùng động đất đang hoạt động. Và không xa về phía thượng lưu sông Mê Kông chính là “thánh địa du lịch” Luang Prabang - nơi được mệnh danh là một trong ba điểm đón bình minh độc đáo nhất của bán đảo Đông Dương.

Nhiều bài học nhưng chưa “sáng mắt”

Chuyên gia động đất dày dạn kinh nghiệm Punya Churasiri - giáo sư địa chất học tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan - cảnh báo: “Qua nghiên cứu thực địa chi tiết ở miền bắc Lào, chúng tôi đang hết sức lo lắng về những gì có thể xảy ra và khả năng gây thiệt hại cho thành phố di sản văn hóa của thế giới từ đập nước đang được dự định triển khai”.

Đập thủy điện Xayaburi hoàn thành tháng 10/2019 dù gặp nhiều phản đối - Nguồn ảnh: Tập đoàn CH Karnchang Plc
Đập thủy điện Xayaburi hoàn thành tháng 10/2019 dù gặp nhiều phản đối - Nguồn ảnh: Tập đoàn CH Karnchang Plc

Theo ông, trọng lượng của các đập lớn thường gây ra động đất, thậm chí ở những nơi còn ổn định hơn nhiều so với khu vực trên. Trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã tấn công tỉnh Xayaburi (cũng thuộc miền bắc Lào) vào tháng 11 năm ngoái là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, những cảnh báo của các nhà khoa học cần phải được xem xét nghiêm túc. Trận động đất còn được báo cáo đã làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng ở tận Hà Nội. Punya cho rằng, trận động đất đó còn có thể tồi tệ hơn nhiều vì có một số đoạn đứt gãy đang hoạt động gần con đập.

Chính phủ Lào đã đề ra 72 dự án thủy điện mới quy mô lớn, chưa kể rất nhiều dự án nhỏ khác. Việc này vấp phải sự chỉ trích từ nhiều tổ chức môi trường và chuyên gia do kéo theo quá nhiều thiệt hại cho nghề cá, an ninh lương thực, nông nghiệp và môi trường. Nó tác động tiêu cực đến hàng triệu nông dân nghèo và khoảng 70 triệu người sống trong lưu vực sông Mê Kông.

Các nhà khoa học luôn cho rằng, việc xây dựng những con đập lớn gây ra nhiều rủi ro ngay cả ở những khu vực không có động đất. Lập trường của chính phủ Lào chỉ thay đổi sau vụ vỡ đập lớn xảy ra ở tỉnh Attapeu năm 2018 với nhiều làng mạc bị cuốn trôi, 71 người chết và 14.440 người bị thiệt hại, ảnh hưởng. 

Liên minh khó hiểu giữa chính phủ và các đối tác

Ủy hội sông Mê Kông (MRC) - một tổ chức liên quốc gia - coi an toàn đập là vấn đề lớn và là nơi đưa ra các đánh giá kỹ thuật cho tất cả các dự án đập chính trên sông Mê Kông cũng như khuyến nghị các chính phủ tuân thủ các hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới. Khi xem xét dự án Xayaburi vào tháng 3/2011, trong bản đánh giá kỹ thuật của mình, Ban thư ký MRC đã kết luận rằng, dự án không tuân thủ các tiêu chuẩn này. Trận động đất gần đây ở Xayaburi một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải xem xét độc lập dự án theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.

Thay vì lập một hội đồng độc lập, theo MRC, chính phủ Lào lại tham gia vào Công ty Pöyry với tư cách là chủ sở hữu vận hành để xem xét các vấn đề an toàn đập trong suốt quá trình thiết kế, phát triển và xây dựng. Pöyry là chi nhánh phát triển năng lượng của một tập đoàn Phần Lan có trụ sở ở Zurich (Thụy Sĩ). Đơn vị đã tham gia sâu vào việc thúc đẩy xây dựng đập Xayaburi với vai trò tư vấn và cùng tham gia giám sát việc xây dựng. Dù phát ngôn viên của Pöyry ở Bangkok khẳng định họ không có bất kỳ lợi ích nào trong tám năm làm việc tại Lào, nhưng với quan hệ “ấm cúng” giữa chủ sở hữu, tư vấn và giám sát như vậy, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế là điều khá mơ hồ.

MRC là một cơ quan tham vấn, không có quyền hạn. Tất cả các quyết định đều nằm trong tay các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiệm vụ của MRC là đưa ra các tiêu chuẩn cho mức độ rủi ro đập và thiệt hại môi trường không thể chấp nhận được.

Quốc Ngọc (theo Asia Sentinel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI