Dập “lửa” trên mạng

18/09/2023 - 06:30

PNO - Mạng ảo nhưng thể hiện rất rõ tính khí con người. Ai nóng tính, ai bảo thủ, người dễ chịu, hiền hòa… nhận biết được ngay.

 

 

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
 

Điện thoại ngày nay chiếm phần lớn thời gian trong ngày của chúng ta. Tuy là mạng nhưng không tránh khỏi những va chạm, đôi lúc “nảy lửa”, dẫn đến cái chấm hết mối thân tình.

Một chị cho biết, cô bạn chơi với nhau mấy chục năm, gặp nhau tay bắt mặt mừng, thỉnh thoảng lại rủ nhau cà phê. 1 tuần không “gặp” trên Facebook, coi lại, hóa ra bạn ấy đã chặn chị. Chị làm một cuộc “điều tra” lý do bạn chặn mình. Tưởng chỉ là việc chơi trên Facebook, nhưng đã khiến chị buồn rồi đâm giận. 

Nhiều người nói, chơi Facebook, đôi khi không có chuyện gì xảy ra cũng có thể bị “bạn” chặn hay hủy kết bạn, có thể vì họ không thích những dòng trạng thái, những tấm hình hay việc mình đi “like” những trạng thái của người mà họ ghét rồi bị ghét lây.

Những lúc như vậy, tốt nhất là cứ dằn xuống, lâu rồi chuyện khó chịu sẽ qua. Chỉ là mạng ảo nhưng thể hiện rất rõ tính khí con người. Ai nóng tính, ai bảo thủ, người dễ chịu, hiền hòa… nhận biết được ngay.

Tính khí là thuộc tính tâm lý phức tạp của con người, biểu hiện cường độ, tốc độ và nhịp độ hoạt động tâm lý. Tính khí mỗi người đều khác nhau, như ông bà xưa thường nói - “mỗi người mỗi tính”. Người có tính nóng nảy thường là người sôi nổi, tình cảm lấn át lý trí, xông xáo trong công việc, muốn hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng.

Nhược điểm của người nóng tính là hay cáu giận bất thường, dễ va chạm trong quan hệ ứng xử. Với phụ nữ, tính nóng còn phụ thuộc vào tâm sinh lý. Vào độ tuổi tiền mãn kinh, với tần suất làm việc căng thẳng, quỹ thời gian thì eo hẹp mà việc gì cũng muốn chu toàn thì nóng nảy là điều khó tránh.

Những lời lẽ cay cú đôi khi được tuôn ra mà không thể nào rút lại. Những lúc không kiềm chế, ta có thể vô tình làm mọi thứ “xôi hỏng bỏng không”. Chỉ là mạng ảo thôi nhưng khiến cuộc sống trở thành nặng nề hơn và đôi lúc chuốc lấy thất bại một cách không đáng.

Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người bị mất việc ngoài đời thật chỉ qua những câu chữ trên mạng - khi viết kể xấu đồng nghiệp, bình luận về tính khí thất thường của sếp… Bây giờ, việc lập thành nhóm quá dễ dàng để lôi kéo “phe ta” về cùng một hội, nhưng làm sao biết được trong số “phe ta” ấy có kẻ không cùng chí hướng, chỉ làm bộ hòa đồng rồi tin trong nhóm lọt ra ngoài, đến tai đối phương. Thậm chí, trong các nhóm gia đình, nghĩ chỉ là người thân, tin tưởng được, thế nhưng chưa chắc vậy. 

Vậy phải làm sao? Điều đó phụ thuộc không chỉ tính khí con người mà còn ở cách cư xử với nhau. Chỉ vài dòng chữ mà chiến tranh có thể xảy ra. Tưởng tắt điện thoại là xong ư? Tâm lý bực bội, khó chịu có thể còn theo bạn vào bữa ăn, giấc ngủ, lúc làm việc… 

Nhiều người cho biết vài kinh nghiệm, chẳng hạn như đọc phải những dòng chữ khiêu khích, tốt nhất là nên giữ bình tĩnh bằng cách uống 1 ly nước mát. Cũng như đời thực, bình tĩnh là cần thiết và cơn nóng giận sẽ nguội dần, đầu óc sáng ra. Sau đó, ta có thể phân tích xem có nên trả lời cho việc ấy hay bỏ qua, coi như mình chưa đọc. Nếu trả lời thì sẽ viết như thế nào, nói những gì, nói ra sao để đối phương tâm phục, khẩu phục và chấm dứt việc xung đột. 

Một người khác cho rằng, có thể làm nguôi giận bằng cách rủ ai đó đi ăn và tâm sự. Thay vì nói như tát nước vào mặt đối phương, mình trút bực bội với bạn bè để họ chia sẻ. 1 ly kem, 1 tách cà phê hay 1 tô bún thịt nướng… sẽ làm cho cơn giận tan biến. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI